Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại Hội nghị WEF Davos 2022
Được tổ chức sau 2 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, Hội nghị thường niên WEF 2022 quy tụ hơn 2.500 nhà lãnh đạo và chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới. Hội nghị hướng đến mục tiêu tìm giải pháp cho những thách thức cấp bách nhất của thế giới bao gồm đại dịch toàn cầu, xung đột vũ trang tại Ukraine, các cú sốc địa kinh tế, biến đổi khí hậu, khai thác công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hội nghị thường niên năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) khai mạc tại Davos - Klosters, Thụy Sĩ. Ảnh: Bloomberg |
Chủ đề trọng tâm cũng như những giải pháp được thảo luận và đề xuất tại hội nghị thể hiện những mối quan tâm và nguyện vọng chung của nhân loại hướng đến thịnh vượng, ổn định và phát triển sau 2 năm nền kinh tế thế giới chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19 cũng như trong bối cảnh gia tăng căng thẳng địa chính trị hiện nay. Trong chương trình nghị sự của WEF 2022, các nhà lãnh đạo và các tổ chức quốc tế dự kiến cùng chia sẻ những ưu tiên cho một năm đầy thách thức phía trước. Họ tham gia thảo luận cùng các doanh nghiệp về triển vọng kinh tế toàn cầu, bất bình đẳng, tương lai lành mạnh, khí hậu và khả năng phục hồi.
Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF, cho biết: “Sau các cuộc họp trực tuyến diễn ra trong hai năm qua, các nhà lãnh đạo từ chính trị, kinh doanh và xã hội dân sự cuối cùng đã nhóm họp trực tiếp. Chúng ta cần thiết lập bầu không khí tin cậy thực sự cần thiết để thúc đẩy hành động hợp tác và giải quyết nhiều thách thức mà chúng ta phải đối mặt".
Đoàn cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 52 của WEF tại Davos năm nay do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dẫn đầu.
Theo kế hoạch, Phó Thủ tướng sẽ tham dự và phát biểu, chia sẻ tầm nhìn của Việt Nam tại các phiên trọng tâm về "Chuyển hướng một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu", "Phát triển ASEAN số cho tất cả mọi người" và Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế tự cường cho tăng trưởng bền vững".
Trước thềm hội nghị, trao đổi với TTXVN, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva nhận định, Hội nghị thường niên năm 2022 của WEF sẽ đánh dấu một kỷ nguyên mới về trách nhiệm và hợp tác toàn cầu, với chương trình thảo luận trọng tâm vào các chủ đề bao gồm hợp tác toàn cầu; tái cân bằng kinh tế; xã hội, công bằng và sức khỏe toàn cầu; thiên nhiên, thực phẩm và khí hậu; chuyển đổi công nghiệp; đổi mới, quản trị và an ninh mạng.
Trọng tâm của hội nghị là thiết lập các chiến lược và cung cấp các giải pháp cho các vấn đề lớn nhất của thế giới nhằm thúc đẩy các ưu tiên dài hạn về kinh tế, môi trường và xã hội - tất cả đồng thời củng cố nền tảng của một hệ thống toàn cầu ổn định trong một thế giới đa cực ngày càng phức tạp.
Đại sứ nhấn mạnh đối với Việt Nam, hội nghị này là cơ hội để lãnh đạo cấp cao Việt Nam trực tiếp giới thiệu với các lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, đầu tư lớn trên thế giới về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới, chủ trương mở cửa du lịch, quảng bá và thu hút thương mại, đầu tư và phục hồi kinh tế bao trùm, hướng đến chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, số hóa và bền vững, cùng với cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đề cao và thúc đẩy hợp tác đa phương, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Việc tham dự Hội nghị này cho thấy Việt Nam đang trở thành một đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế trong các nỗ lực định hình tương lai, đồng thời là điểm đến được các doanh nghiệp toàn cầu, đặc biệt các thành viên của WEF đánh giá cao.