Vì sao Nga muốn Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran?
Nga chủ trương muốn Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran năm 2015.
Cụ thể, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Mikhail Ulyanov ngày 3/2 đăng trên mạng xã hội Twitter: “Đây là lúc cao điểm để Mỹ và Iran có những bước đi phối hợp nhằm khôi phục Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA)”.
Cờ Mỹ và Iran. Ảnh: Shutterstock |
Nòng cốt của JCPOA - thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nước trong Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) - là Tehran hạn chế phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lại việc được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Theo điều khoản của thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015, Iran đồng ý sở hữu không quá 300kg urani làm giàu ở mức 3,67% tinh khiết.
Theo tờ Newsweek cho biết vào năm 2018, Tổng thống Donald Trump khi đó đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Tổng thống Joe Biden cam kết đưa Mỹ quay trở lại JCPOA. Tuy nhiên, trong những tuần đầu tiên ông Biden bước vào Nhà Trắng, lệnh trừng phạt từ thời ông Trump với Iran vẫn tồn tại. Chính quyền Tổng thống Biden khẳng định rằng cần có điều kiện tiên quyết là Iran đảm bảo tuân thủ các cam kết thì Mỹ mới cân nhắc về việc tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đề xuất “đồng bộ hóa” cùng quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Mỹ dưới sự giám sát của đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price lại không mặn mà với điều này.
Điều phối viên chương trình Hội đồng Đối ngoại Quốc tế Nga Pyotr Kortunov đánh giá với tờ Newsweek: “Nga vẫn kỳ vọng Mỹ chủ động tiếp xúc với Iran để sửa chữa lại những điều chính quyền trước đã cố gắng hủy hoại. Tuy nhiên, cả Iran và Nga nên chào đón một phương pháp thỏa hiệp với Tehran và Washington sẽ thực hiện nghĩa vụ của họ theo JCPOA”.
Chính quyền Tổng thống Biden có sẵn sàng đi theo con đường này hay không vẫn là một ẩn số. Cả ông Price và Ngoại trưởng Antony Blinken đều ngỏ ý rằng hiện chưa có câu trả lời ngay tức khắc.