Tỷ lệ hộ nghèo tại Yên Bái giảm nhanh gấp hơn 3 lần mục tiêu giảm nghèo của cả nước
Nhờ tiếp cận với các nguồn vay ưu đãi và kiến thức chăn nuôi nên nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã mạnh dạn đầu tư đàn gia súc chính, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. |
Kết quả từ năm 2016 – 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm 20,65%, bình quân mỗi năm giảm 5,16%, giảm gấp 3,44 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Đặc biệt, 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, bình quân mỗi năm giảm 8,32%; gấp 2,08 lần so với mục tiêu giảm nghèo của cả nước. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2 huyện còn dưới 35,32%.
Sau nhiều năm đầu tắt mặt tối với đồng ruộng mà cuộc sống gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, gia đình chị Hoàng Thị Cần ở thôn Lều 2 xã Hát Lừu (huyện Trạm Tấu) được chính quyền xã tạo điều kiện tham gia tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt. Được trang bị kiến thức, gia đình chị Cần đã vay 40 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội để chăn nuôi trâu, bò và lợn. Ngoài ra gia đình chị còn trồng rau sạch để cung cấp cho tiểu thương tại thị trấn Trạm Tấu. Đến nay mô hình chăn nuôi gia súc, kết hợp với việc trồng rau sạch của gia đình chị Hoàng Thị Cần mỗi năm cho thu nhập trên 170 triệu đồng.
Chị Cần cho biết, được sự quan tâm của cán bộ xã và cán bộ huyện hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt lên đến nay mô hình kinh tế của gia đình đã mang lại thu nhập ổn định, trong thời gian tới gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi để phát triển kinh tế.
Tại xã Hát Lừu, không chỉ có gia đình chị Cần, mà rất nhiều hộ gia đình, hộ nông dân đã phát triển kinh tế, vườn ao, chuồng trại để tăng thu nhập cho người dân. Nhờ đó, Hát Lừu là xã được huyện Trạm Tấu chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới. Đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã Hát Lừu đạt 17 triệu đồng/năm góp phần cùng địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Mù Cang Chải cũng là huyện đạt được những kỳ tích trong giảm nghèo tại Sơn La. Tu San, xã Nậm Có - xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải trước đây có nhiều hộ thiếu đói quanh năm nhưng bây giờ hộ đủ ăn đủ mặc nhiều rồi, chỉ còn vài hộ thiếu ăn đứt bữa. Nguồn thu nhập chính của bà con ngoài cây thảo quả còn có nguồn thu đáng kể từ trồng đặc sản nếp Tan và nguồn phí trông coi bảo vệ rừng được Nhà nước chi trả hàng năm.
Nguồn lực hỗ trợ đầu tư từ các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo bền vững đã mở ra cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, tăng diện tích canh tác lúa 2 vụ. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ rừng, về cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp… ngày càng được nâng cao.
Nhờ đó, hiện thôn Tu San có trên 200 hộ, 100% là đồng bào Mông, diện tích thảo quả ổn định khoảng trên 100 ha, sản lượng mỗi vụ trung bình khoảng 20 tấn quả khô, cho thu nhập gần 2 tỷ đồng. Hiện, ở Tu San đã có nhiều hộ thu gần 100 triệu đồng từ trồng nếp Tan mỗi vụ như hộ anh Thào A Mua, Thào A Phềnh hay hộ Trưởng bản Chang A Phềnh…
Người dân bản Tu San thu hoạch thảo quả. |
Đặc biệt, Mù Cang Chải đã có những hộ dân tự nguyện xin thoát nghèo, xin không nhận gạo cứu trợ hàng năm của Nhà nước... Đó là thành công lớn trong chuyển biến nhận thức, ý thức thoát nghèo của nhân dân. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện đặt mục tiêu giảm số hộ nghèo bình quân hàng năm đạt 7% trở lên; phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2020.
Kết quả đạt được của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 đã từng bước tạo điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mức sống dân cư được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh- quốc phòng, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.