Trung Quốc, Việt Nam là hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới
Từ ngày 18-19/11, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã diễn ra tại Brazil, quy tụ đông đảo các nhà lãnh đạo từ nhiều quốc gia. Hội nghị mở đầu với Lễ phát động Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và Phiên thảo luận về cuộc chiến chống đói nghèo, thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới. Tại đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã có những chia sẻ quan trọng về công cuộc xoá đói giảm nghèo ở nước mình.
Thế giới đang phải đương đầu với những chuyển đổi, thách thức lớn do xung đột, biến đổi khí hậu, dẫn đến tỷ lệ người rơi vào tình trạng đói nghèo gia tăng. Thành tựu giảm nghèo của Trung Quốc và Việt Nam vì thế mà càng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, coi đó như bài học giàu tính tham khảo.
Đến cuối năm 2020, Trung Quốc đã xoá bỏ hoàn toàn tình trạng “nghèo cùng cực”. Kể từ khi cải cách mở cửa, có tới 770 triệu người nghèo ở khu vực nông thôn Trung Quốc thoát nghèo, chiếm hơn 70% số dân thoát nghèo trên toàn cầu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã hoàn thành trước 10 năm mục tiêu xóa nghèo trong Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tương tự như vậy, Việt Nam đã về đích sớm 10 năm trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (2015); là hình mẫu thành công trong hàn gắn, khôi phục lại vết thương chiến tranh; xóa đói, giảm nghèo; trong đó tỉ lệ hộ nghèo giảm từ trên 58% vào đầu những năm 1990 xuống khoảng 1,9% năm 2024. Việt Nam hiện là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản 6 chiều về: Việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin để giảm nghèo trên nhiều khía cạnh.
Trao đổi với Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG), PGS.TS.Võ Đại Lược, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Trung Quốc và Việt Nam là những hình mẫu về xoá nghèo trên thế giới. Thành công của Trung Quốc và Việt Nam cho thấy nếu có lòng quyết tâm và các chính sách đúng đắn, các quốc gia đang phát triển cũng có thể giải quyết được tình trạng nghèo đói.
PGS. TS. Võ Đại Lược, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) |
Vị chuyên gia Việt Nam cho rằng, với nhiều điểm tương đồng về chính trị - kinh tế - xã hội, công cuộc giảm nghèo ở Trung Quốc và Việt Nam cũng có nhiều điểm chung.
“Đầu tiên đó là quyết tâm của hệ thống chính trị: Đảng và Nhà nước luôn coi xoá đói giảm nghèo là một nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong quá trình phát triển đất nước. Xoá đói giảm nghèo đã trở thành một chỉ tiêu quan trọng trong công tác phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội trên phạm vi toàn quốc”, PGS.TS.Võ Đại Lược nói.
Dễ thấy được rằng chính phủ hai nước đều có những tuyên bố mạnh mẽ như “không để người nghèo nào bị bỏ lại phía sau”, các chính sách xoá đói nghèo nói riêng và chính sách phát triển kinh tế nói chung luôn lấy con người làm trung tâm, chủ thể, ưu tiên đầu tư cho con người… Sự hỗ trợ mạnh mẽ và bền vững của chính phủ là yếu tố chính trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở mỗi nước, với ngân sách trung ương và địa phương đều cho thấy sự ổn định trong dài hạn.
Bên cạnh đó, Trung Quốc và Việt Nam đều đặc biệt coi trọng vai trò của “tam nông” - nông nghiệp, nông thôn và nông dân - coi đây là trụ đỡ của nền kinh tế. Trung Quốc hiện là nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới với khoảng 300 triệu nông dân, sản xuất đảm bảo an ninh lương thực cho 1,4 tỷ người và xuất khẩu. Việt Nam cũng đã vươn lên thuộc nhóm các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
Ưu tiên trong chính sách xoá đói giảm nghèo của hai nước là phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo sinh kế cho người nông dân bằng cách thúc đẩy các ngành nghề phù hợp với từng vùng và đầu tư cơ sở hạ tầng (đường sá, nước sạch, điện, thông tin liên lạc…) để cải thiện kết nối. Đặc biệt, các chính sách và chiến lược giảm nghèo liên tục được đưa ra để phù hợp với tình hình và các nhóm đối tượng cụ thể, thậm chí ở cấp độ từng làng, từng hộ, từng người. Ở Việt Nam gọi đây là “chính sách giảm nghèo đặc thù” trong khi ở Trung Quốc gọi là “xoá nghèo chuẩn xác”. Các mô hình giảm nghèo hiệu quả được nhân rộng đồng thời kết hợp tốt với an sinh xã hội, phổ cập giáo dục, y tế cơ sở… - chìa khoá đảm bảo sự bền vững của các nỗ lực giảm nghèo.
Thành công của Trung Quốc và Việt Nam trong giải quyết tình trạng đói nghèo cũng phần nào đến từ quá trình hai nước tích cực hội nhập quốc tế và hợp tác đa phương, PGS.TS.Võ Đại Lược chỉ ra.
“Hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo điều kiện để Trung Quốc và Việt Nam tăng trưởng kinh tế nhanh, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập trong các ngành thâm dụng lao động và định hướng xuất khẩu. Đây chính là động lực quan trọng cho giảm nghèo toàn diện,” vị học giả nói.
Chuyên gia Võ Đại Lược cho rằng, thông qua các tổ chức như Liên hợp quốc, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về nguồn lực, kiến thức và kinh nghiệm đã đóng góp tích cực vào quá trình giảm nghèo ở các quốc gia. Để hướng tới “thịnh vượng chung” cho người dân trên toàn thế giới thì hợp tác quốc tế là chìa khoá then chốt. Cùng lúc đó, bảo đảm hoà bình, ổn định và hợp tác là những điều kiện tiên quyết để xóa đói nghèo và phát triển bao trùm. Đây cũng là nội dung được lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam kêu gọi thực hiện trong bài phát biểu của mình tại G20 vừa qua.
“Là những hình mẫu về xoá đói giảm nghèo trên thế giới, Trung Quốc và Việt Nam đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp với cộng đồng quốc tế. Cam kết mạnh mẽ của Trung Quốc với các hành động toàn cầu như hỗ trợ châu Phi phát triển, ủng hộ hợp tác quốc tế giảm nghèo và an ninh lương thực, mở rộng mở cửa đơn phương với các nước kém phát triển… có ý nghĩa quan trọng với việc triển khai hiệu quả các nỗ lực này”, PGS.TS.Võ Đại Lược đánh giá.