Trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới để giảm nghèo bền vững
Theo UNDP, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em gái là chính sách xóa đói, giảm nghèo hiệu quả nhất trên thế giới hiện nay.
Vai trò cơ bản của phụ nữ trong giảm nghèo là một trong những bài học sâu sắc nhất về kinh nghiệm phát triển hiện nay. Ở hầu hết các nước đang phát triển, phụ nữ đóng vai trò chính trong sản xuất thực phẩm và là người bảo vệ môi trường, giáo dục trẻ em và nuôi dưỡng gia đình. Họ chiếm 1/4 lực lượng lao động trong ngành công nghiệp và 1/3 trong ngành dịch vụ.
Trong nhiều năm, có nhiều chính phủ và các tổ chức phát triển nhìn nhận phụ nữ như “vô hình”. Vì vậy, sự tiến bộ trên toàn thế giới về phát triển kinh tế- xã hội trong ba thập kỷ qua đã không mang lại các lợi ích tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. Do đó, đầu tư nhiều hơn cho phụ nữ hiện nay là một yếu tố quan trọng trong nỗ lực giảm nghèo hiệu quả hơn.
Theo UNDP, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục của trẻ em gái là chính sách xóa đói, giảm nghèo hiệu quả nhất trên thế giới hiện nay. (Ảnh: VNA) |
Báo cáo của Liên hợp quốc cho rằng lao động không được trả lương của phụ nữ tăng thêm 10 nghìn tỷ Đô la mỗi năm — 13% GDP toàn cầu (Cao ủy Liên hợp quốc về trao quyền kinh tế cho phụ nữ). Phụ nữ sở hữu ít hơn 20% diện tích đất nông nghiệp ở một số vùng của Châu Phi và Châu Á, nhưng lại chiếm 60% lực lượng lao động nông nghiệp (FAO, 2016). “Phụ nữ là trụ cột trong công việc của chúng tôi trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi phụ nữ có cơ hội, năng suất trên trang trại của họ tăng lên – cũng như thu nhập của họ. Tài nguyên thiên nhiên được quản lý tốt hơn. Dinh dưỡng được cải thiện. Và sinh kế được đảm bảo hơn” (José Graziano da Silva, 20166).
Ở Bangladesh, Brazil và Nam Phi, trợ cấp tiền mặt cho phụ nữ có tác động tích cực đến giáo dục, đặc biệt là đối với trẻ em gái. Tăng nguồn lực trong tay phụ nữ làm tăng tỷ lệ sống sót của trẻ em, tình trạng dinh dưỡng và tỷ lệ nhập học (UNICEF, 2020)7. Ở những hộ gia đình phụ nữ là những người ra quyết định chính, tỷ lệ nguồn lực dành cho con cái lớn hơn nhiều so với những hộ gia đình mà phụ nữ ít có vai trò quyết định. Do đó, ai là người kiểm soát tiền trợ cấp trong hộ gia đình là rất quan trọng về mặt đảm bảo thu nhập, giảm nghèo, sự sống còn của trẻ em và trao quyền cho cả phụ nữ và trẻ em (Nolan, 20198).
UNDP Việt Nam đã thử nghiệm và nhân rộng sáng kiến 4M trao quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số quản lý điều hành các hợp tác xã. |
UNDP Việt Nam đã thử nghiệm và nhân rộng sáng kiến 4M (Gặp gỡ/Meet - Kết nối/Match – Đồng hành/Mentor – Phát triển/Move) - trao quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số quản lý điều hành các hợp tác xã tại tỉnh Bắc Kạn, Đắk Nông, Lào Cai và Sơn La trong các năm 2019-2022. Nhờ đó, 169 hợp tác xã do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ tại 04 tỉnh, với 15.442 người dân tộc thiểu số (trong đó 78% là phụ nữ dân tộc thiểu số) đã duy trì và phát triển sản xuất, doanh thu trong đại dịch Covid-19. Với 95% hợp tác xã chuyển đổi phương thức quản lý kinh doanh từ chợ và các công cụ quản lý truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị điện tử trong sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo giám sát cập nhật đến cuối năm 2022 cho thấy 93% hợp tác xã do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ được UNDP hỗ trợ (2019 - 2022) vẫn dang hoạt động và duy trì mức tăng trưởng doanh thu trên 20% mỗi năm.