Vai trò của phụ nữ trong quản lý rác thải nhựa ở cấp hộ gia đình và cộng đồng
Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, Ủy viên Đoàn Chủ tịch (Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam), tình trạng ô nhiễm nhựa đã và đang trở thành thách thức lớn nhất hiện nay đối với nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Theo số liệu thống kê, mỗi năm tại Việt Nam, khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường. Công tác phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: UNDP) |
Phát biểu tại hội thảo, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP Việt Nam cho biết, hiện nay phụ nữ giữ trách nhiệm chính trong việc quản lý công việc nội trợ hàng ngày. Họ là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc liên quan đến rác thải, nước sinh hoạt, vệ sinh và chăm sóc cho gia đình. Vì vậy họ cũng chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi việc sử dụng các sản phẩm nhựa.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho rằng, do các yếu tố kinh tế, sinh học và vai trò giới tính, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới nam giới và phụ nữ là khác nhau. Phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng của môi trường nhiều hơn, đặc biệt khi môi trường bị ô nhiễm, suy thoái bởi bản chất sinh học nhạy cảm hơn. Tại Việt Nam, phụ nữ thường bị phơi nhiễm các chất ô nhiễm dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như tỷ lệ ung thư cao, sự rối loạn khả năng sinh sản, suy nhược mãn tính…
Tuy nhiên, chính vì là người sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan đến rác thải… phụ nữ lại trở thành nhân tố tích cực, là lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng. Với cách tiếp cận này, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong thời gian tới trong các cấp Hội và hội viên, phụ nữ.
Phụ nữ huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, với hoạt động bảo vệ môi trường. (Ảnh: Báo Phụ nữ Việt Nam) |
Trên tinh thần đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai 5 vấn đề về công tác bảo vệ môi trường. Đầu tiên là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ về các hoạt động bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa; vận động, hướng dẫn phụ nữ sử dụng các sản phẩm dễ phân huỷ, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường.
Hai là tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ, gia đình và cộng đồng tham gia các hoạt động thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
Ba là vận động hội viên, phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, buôn bán tại các chợ tăng cường tái sử dụng túi nilon, sử dụng sản phẩm thân thiện hơn với môi trường. Vận động các doanh nghiệp do nữ làm chủ hoặc quản lý giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, nhựa dùng một lần trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Bốn là xây dựng mô hình hưởng ứng thực hiện phong trào phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Cuối cùng là tích cực tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; chống rác thải nhựa; chủ động đề xuất các đề án, chương trình, giải pháp nâng cao nhận thức thay đổi hành vi hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.
Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao về rác thải nhựa tại Paris Ngày 27/5, Hội nghị cấp cao về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đã diễn ra tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris. |
Ngày môi trường thế giới: Hướng đến giảm rác thải nhựa sản trong sản xuất nông nghiệp Chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm nay được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc lựa chọn là “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”. Tại Việt Nam giảm ô nhiễm rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp đang được các địa phương chú trọng. |