Toàn thế giới có 76 địa danh, công trình in dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh
Có 76 địa danh, công trình in dấu Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, các hoạt động tôn vinh Bác tiếp tục được triển khai thiết thực, hiệu quả thông qua mạng lưới gần 100 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Các hình thức tôn vinh được triển khai đa dạng, phong phú, chú trọng hơn nữa việc phát huy ý nghĩa, giá trị của các công trình tượng Bác, khu tưởng niệm, trường, phố, đại lộ, công viên…mang tên Bác.
Nhiều hoạt động vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ sự yêu mến, tình cảm chân thành của chính quyền, người dân thế giới, thể hiện sự trân trọng tư tưởng và nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Ông Hoàng Hữu Anh, Phó vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO cho biết, tại 94 cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài vào mỗi dịp như ngày sinh của Người, Quốc khánh, lễ Tết…đều giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Hoàng Hữu Anh dẫn chứng, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đang phối hợp với Đại học Hoàng gia Thái Lan ra mắt cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi hoạt động ở Thái Lan.
Trong 3 năm qua đã có thêm 5 công trình, trong đó có 2 công trình tượng, 1 công trình công viên ở Cuba, 1 khu tưởng niệm ở Côn Minh (Trung Quốc), xác lập 1 bia tưởng niệm mới. Ngoài ra còn có thêm 13 đại lộ, trường học mang tên Người. Như vậy, tính đến nay, trên toàn thế giới có 76 địa danh, công trình in dấu Người.
“Hoạt động tôn vinh Chủ tịch Hồ chí Minh ở nước ngoài 3 năm qua, sáng tạo, toàn diện”, ông Hoàng Hữu Anh chia sẻ.
Quang cảnh hội nghị |
Đón tiếp các đoàn nguyên thủ quốc gia, đoàn cấp cao, các tổ chức quốc tế và nhân dân các nước đến thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá khách quan tình hình triển khai các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với cộng đồng quốc tế thời gian qua và định hướng thời gian tới.
Ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau 3 năm, Bộ VH-TT&DL đã Tổ chức các chương trình nghệ thuật ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ chức triển lãm và trao đổi triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh với các bảo tàng bạn trên thế giới; Phối hợp với Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tổ chức công tác tuyên truyền, giới thiệu và tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Thời gian qua, nhiều loại hình “phi vật thể” trong công tác tôn vinh Bác Hồ đã phát huy được hiệu quả ngày càng cao, ngày càng đi vào lòng người, tạo được lòng tin yêu, sự mến mộ của nhiều người dân trên thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó gắn kết được quan hệ Việt Nam với các nước. Do đó, thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác này qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, có trực tiếp hoặc lồng ghép trong các hoạt động đối ngoại.
Các hoạt động mang tính “phi vật thể” cần được đẩy mạnh qua kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân để hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng được khẳng định hơn trong tâm thức người dân thế giới", ông Hoàng kiến nghị.
Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng giới thiệu những kỷ vật gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko. |
ThS. Lê Thị Phượng – Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch cho biết: hầu hết các nguyên thủ quốc gia, các đoàn đại biểu quốc tế khi đến Việt Nam đều đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Khu Phủ Chủ tịch như: Chủ tịch Quốc hội Singapore, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Newzealand, Tổng thư ký Liên hợp quốc, Thủ tướng Luxembourg, Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko,… Vì vậy, đây chính là cầu nối gần gũi nhất, là nơi hội tụ và lan tỏa hiệu quả nhất di sản của Người đến với bạn bè năm châu. Th.S Lê Thị Phượng đề xuất phối hợp đón tiếp các đoàn nguyên thủ quốc gia, đoàn cấp cao, các tổ chức quốc tế và nhân dân các nước đến thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Tổ chức và phối hợp tổ chức các sự kiện quảng bá, tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích cũng như tại nhiều quốc gia như: sưu tầm tài liệu hiện vật về hoạt động của Người tại Pháp, tổ chức Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Người tại Vương quốc Bỉ, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức trực tuyến tại Liên bang Nga, giới thiệu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nước ngoài như: Pháp, Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và hàng năm là điểm đến của chương trình “Xuân quê hương” đón Kiều bào trở về tổ quốc,…
Nêu những kinh nghiệm tại địa bàn, Đại sứ Việt Nam tại Algerie ông Trần Quốc Khánh cho biết: Algeria là quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, Chính phủ và nhân dân Algeria rất ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi có 2 đường phố mang tên Bác: đại lộ Hồ Chí Minh tại thủ đô Alger và đường Hồ Chí Minh ở trung tâm TP. Oran - thành phố lớn thứ hai tại Algeria.
Với thế mạnh nêu trên và sự hỗ trợ của các đơn vị trong nước, trong 3 năm qua, Đại sứ quán đã đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với công chúng Algeria và đã đạt được một số kết quả nổi bật, qua đó gắn kết thêm tình cảm giữa nhân dân hai nước.
Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất một số phương thức đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là cho thế hệ trẻ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, làm cho tư tưởng, đạo đức phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, bồi đắp ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đúng theo tinh thần của Kết luận số 01 và Chỉ thị số 05.
Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao đã cùng các cơ quan hữu quan tổ chức triển lãm về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; trưng bày nhiều ấn phẩm xuất bản giới thiệu về tầm vóc vĩ đại, tư tưởng và cống hiến lớn lao của Người đối với Việt Nam và thế giới.