Tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho người Việt
Thắp lại ánh sáng
Năm 1992, giáo sư, bác sỹ nhãn khoa người Australia Fred Hollows đến thăm và tìm hiểu về tình hình chữa trị bệnh đục thủy tinh thể tại Việt Nam. Nhận thấy bác sỹ Việt Nam thiếu trang thiết bị, chưa được tiếp cận với kĩ thuật phẫu thuật đục thủy tinh thể hiện đại, ông hứa sẽ trở lại sau 3 tháng để mở khóa đào tạo, nâng cao tay nghề cho các bác sỹ Việt.
Tháng 6/1992, bác sĩ phát hiện một khối u ung thư trong người ông cần mổ gấp. Chỉ 2 tháng sau phẫu thuật, dù còn yếu, ông tập hợp một nhóm các phẫu thuật viên, bác sĩ nhãn khoa hàng đầu tại Australia và Nepal cùng đến Việt Nam, lắp đặt trang thiết bị, cải thiện phòng mổ tại Bệnh viện Mắt trung ương ở Hà Nội; hướng dẫn, đào tạo 10 bác sỹ Việt Nam.
Bác sỹ Bệnh viện Mắt tỉnh Hà Giang khám mắt cho người dân địa phương trong chương trình khảo sát tại Hà Giang về tình hình bệnh mắt hột trong cộng đồng. (Ảnh: Quỹ Fred Hollows) |
Quỹ Fred Hollows (FHF) được vợ chồng bác sĩ Fred Hollows và bà Gabrielle Hollows sáng lập không lâu trước khi ông Fred qua đời (năm 1993) nhằm tiếp tục thực hiện mong muốn của ông trong công tác phòng chống mù lòa, đào tạo y bác sĩ và hỗ trợ chăm sóc mắt cho người dân Việt Nam. FHF đã thực hiện nhiều dự án hợp tác với các bộ, ban, ngành, các trường đại học, các cơ sở y tế nhằm đào tạo y bác sỹ, kỹ thuật viên; tài trợ tài chính, tài trợ trang thiết bị cho các cơ sở khám chữa mắt tuyến huyện, các địa phương khó khăn; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc mắt; thực hiện khám sàng lọc, phát hiện và điều trị, phẫu thuật miễn phí cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt… Từ năm 1992 đến nay, FHF đã hỗ trợ đào tạo hơn 1.000 bác sỹ phẫu thuật mắt, cung cấp thiết bị y tế, hỗ trợ thực hiện hơn 100.000 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Giáo sư Tôn Thị Kim Thanh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Mắt trung ương, một học viên của bác sỹ Fred Hollows, gọi chương trình đào tạo của quỹ là "thành công lớn, đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng chống mù lòa ở Việt Nam. Nhờ chương trình, hàng trăm ngàn người mù tại Việt Nam đã được trả lại ánh sáng, như lời hứa của ông Fred trước khi mất".
Mang đến nụ cười
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 5.000 trẻ em sinh ra mắc dị tật vùng sọ mặt, gây biến dạng khuôn mặt, ảnh hưởng đến chức năng, sinh hoạt, tâm lý của trẻ. Trong khi đó, việc phẫu thuật, điều trị khuyết tật sọ mặt vẫn là thách thức không nhỏ đối với các phẫu thuật viên Việt Nam.
Theo nguyên Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Trung tướng Mai Hồng Bàng, để chữa trị cho các bệnh nhân khuyết tật sọ mặt, cần có một đội ngũ bác sỹ chuyên sâu thuộc nhiều chuyên ngành như: Tạo hình - hàm mặt, phẫu thuật thần kinh, tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt, phục hồi chức năng... cùng nhiều trang thiết bị y tế hiện đại. Do đó, chi phí cho một ca phẫu thuật sọ mặt là rất lớn, khiến nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng chi trả.
Bác sỹ Christopher Forrest, Bệnh viện nhi Torronto (Canada) cùng nhóm bác sỹ tại Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám cho bệnh nhi, tháng 11/2019 (Ảnh: FTW). |
Từ năm 2016, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được kết nối với tổ chức Facing the World (Vương quốc Anh). Với sự tài trợ của Facing the World, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ra đời vào năm 2018. Trong những năm qua, Trung tâm đã phẫu thuật cho hơn 2.000 bệnh nhân, hỗ trợ nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn xóa bỏ mặc cảm, mang lại nụ cười. Với hai nền tảng khám chữa bệnh từ xa và 26 bác sỹ được đào tạo theo chương trình của Facing the World, dự kiến sau 8 năm hoạt động, Trung tâm sẽ kết nối và điều trị 60% trẻ em mắc dị tật sọ mặt bẩm sinh ở Việt Nam.
Là tổ chức từ thiện thành lập năm 2002 tại Anh nhằm giúp đỡ trẻ em mắc dị tật hàm mặt ở các nước đang phát triển, Facing the World ban đầu hỗ trợ trẻ em Việt Nam mắc dị tật sọ mặt phức tạp bằng cách đưa các em sang Anh điều trị, với chi phí lên tới 0,5-1 triệu bảng/em. Từ năm 2008, FTW bắt đầu đưa các đoàn bác sỹ nước ngoài sang Việt Nam, phối hợp với các bác sỹ Việt Nam thực hiện các ca phẫu thuật.
Tổ chức cũng hỗ trợ đưa bác sỹ Việt Nam ra nước ngoài đào tạo. Cho đến nay, hơn 100 bác sỹ tại các bệnh viện đối tác của FTW ở Việt Nam đã được cử đi đào tạo tại các bệnh viện ở Anh, Mỹ, Canada, Australia trong thời gian từ 2-6 tuần, với chi phí trung bình khoảng 11.000 bảng/2 tuần đào tạo. FTW đồng thời tổ chức các hội thảo chuyên môn; phát triển phương pháp khám, tư vấn và điều trị từ xa;... Tổ chức đã tài trợ thiết bị và công nghệ khám chữa bệnh từ xa với tổng giá trị 2,4 triệu bảng cho các trung tâm phẫu thuật tại Việt Nam.
Bệnh nhi được các chuyên gia đầu ngành về tim mạch và các y bác sĩ BV Đa khoa Vĩnh Đức thực hiện phẫu thuật. Ảnh: H.D |
Viết tiếp ước mơ
Võ Thị Kim Tiên (sinh năm 2000, quê ở Quảng Ngãi) bị bệnh tim bẩm sinh nhưng gia đình em không hay biết vì cô bé lớn lên khỏe mạnh. Mãi đến năm lớp 7, khi tổ chức Trả lại tuổi thơ (Giving It Back To Kids - GIBTK) về quê Tiên, tổ chức khám bệnh cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, lúc đó Tiên và gia đình mới biết em mắc bệnh tim hiểm nghèo.
Nhờ sự hỗ trợ tài chính của tổ chức, Tiên được phẫu thuật. Em ở Bệnh viện Đà Nẵng một tháng để khám và theo dõi sức khỏe trước khi thực hiện ca mổ. Trước ngày Tiên lên bàn mổ, bố em ký giấy đồng ý phẫu thuật cho con mà tay run run, bởi theo lời bác sĩ, cơ hội thành công chỉ chừng 30%. Dù vậy, trước mặt Tiên, bố mẹ em vẫn tỏ ra lạc quan, động viên tinh thần con gái. Cán bộ của GIBTK cũng luôn bên cạnh Tiên cùng gia đình trong quá trình em mổ tim và bình phục. Ca mổ thành công. Hơn một năm sau, em đã có thể thoải mái vui chơi cùng bạn bè, tham gia các hoạt động thể thao.
Sau ca phẫu thuật, Tiên lớn lên khỏe mạnh. Em nỗ lực học tập, em có cơ hội du học Nhật Bản, được các công ty Nhật Bản mời làm việc.
Võ Thị Kim Tiên được phẫu thuật tim từ năm học lớp 7. Ảnh: NVCC |
Tiên là một trong số hơn 1.500 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam được GIBTK hỗ trợ phẫu thuật tim. Hoạt động tại Việt Nam từ năm 2022, tổ chức Mỹ GIBTK đã góp phần thay đổi cuộc đời rất nhiều những trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già và người khuyết tật Việt Nam. Bên cạnh hỗ trợ phẫu thuật tim, chương trình y tế của GIBTK còn hỗ trợ hơn 700 ca phẫu thuật chỉnh hình, 98 ca phẫu thuật mắt, hơn 2000 bệnh nhân nghèo được hỗ trợ trao tặng trang thiết bị vật tư y tế,... Ngoài ra, GIBTK tổ chức nhiều chương trình giáo dục, tất cả chương trình đều có ý nghĩa lớn trong việc chắp cánh ước mơ cho các em học sinh, sinh viên nghèo không có có điều kiện tiếp tục con đường học tập.
Bình Định sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài Tính đến ngày 30/11/2023, toàn tỉnh Bình Định có 27 dự án, phi dự án do các tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ đang được triển khai thực hiện với tổng giá trị giải ngân đạt gần 1,65 triệu USD. |
Global Coffee Platform: Ân tình với cà phê xứ Việt Tập huấn nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng; giảm phát thải khí nhà kính; nghiên cứu rủi ro chất cấm trong ngành cà phê… là những định hướng hoạt động của tổ chức Global Coffee Platform (GCP) trong năm 2024 nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt cà phê Việt. |
Dấu ấn các tổ chức phi chính phủ tại Thái Nguyên Tại Thái Nguyên hiện có 30 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) có giấy phép hoạt động còn hiệu lực và bổ sung mới địa bàn hoạt động; tổng số 43 chương trình, dự án tập trung vào các lĩnh vực như phát triển giáo dục, y tế, sức khỏe cộng đồng, phát triển nông thôn, chống biến đối khí hậu. Năm 2023, giá trị giải ngân của các tổ chức PCPNN đạt xấp xỉ 1,49 triệu USD, tăng 59,6% so với năm trước |