Tin tức thế giới mới nhất hôm nay (28/4): Mỹ, Trung Quốc chi tiêu quân sự nhiều nhất hành tinh
Tin tức thế giới mới nhất hôm nay (27/4): Singapore lập hàng loạt bệnh viện dã chiến |
Tin tức thế giới mới nhất hôm nay (26/4): Mỹ tranh cãi kế hoạch thả tù nhân giữa dịch Covid-19 |
Tin tức thế giới hôm nay 28/4
Mỹ, Trung Quốc đứng đầu thế giới về chi tiêu quân sự
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ và Trung Quốc là 2 quốc gia chi tiêu quân sự năm 2019 nhiều nhất thế giới, với lần lượt 732 tỷ USD (tăng 5,3%) và 261 tỷ USD (tăng 5,1%).
Tiếp đó là Ấn Độ xếp thứ 3 với 71,1 tỷ USD - tăng 6,8%. Nga xếp thứ 4 với 65,1 tỷ USD (tăng 4,5%), chiếm 3,9% GDP - thuộc mức cao nhất châu Âu. Ngoài Trung Quốc và Ấn Độ, Nhật Bản (với 47,6 tỷ USD) và Hàn Quốc (43,9 tỷ USD) là những nước chi tiêu quân sự lớn nhất ở châu Á và châu Đại Dương.
So với năm 2018, tổng chi phí quân sự toàn cầu năm 2019 tăng 3,6%, đạt 1.917 tỷ USD. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010.
Căng thẳng và đối đầu với Pakistan và Trung Quốc là một trong những động lực chính cho việc tăng chi tiêu quân sự của Ấn Độ - nhà nghiên cứu cấp cao của SIPRI, ông Siemon T Wezeman, nhận định.
Binh sĩ Mỹ tham gia các chiến dịch tại Trung Đông (Ảnh: Middle East Monitor) |
Trong khi đó, một nhà nghiên cứu cấp cao khác của SIPRI là Pieter D Wezeman đánh giá tăng trưởng gần đây trong chi tiêu quân sự của Mỹ chủ yếu dựa trên việc tái nhận thức về sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Với 732 tỷ USD, Mỹ đã chiếm 38% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu.
Ở châu Âu, chi tiêu quân sự của Đức đã tăng 10% trong năm 2019, lên 49,3 tỷ USD. Đây là mức tăng chi tiêu lớn nhất trong số 15 quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu năm 2019.
Cũng theo thống kê của SIPRI, gánh nặng chi tiêu quân sự trung bình là 1,4% GDP đối với các quốc gia ở châu Mỹ, 1,6% đối với châu Phi, 1,7% đối với châu Á, châu Đại dương và châu Âu, 4,5% đối với các quốc gia Trung Đông. Chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2019 chiếm 2,2% GDP toàn cầu, tương đương 249USD bình quân đầu người.
Đánh giá dữ liệu từ các cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu trước đây, SIPRI dự báo cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể sẽ phá vỡ chi tiêu quân sự trong tương lai.
Anh lo ngại dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 2
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 27/4 cho biết nới lỏng lệnh phong toả là rất nguy hiểm, có thể dẫn tới đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 2 tại nước này. Tuyên bố được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Anh vừa được điều trị khỏi COVID-19.
Phát biểu ý kiến bên ngoài Văn phòng Thủ tướng Anh tại Phố Downing, ông Johnson so sánh COVID-19 như một "tội phạm đường phố vô hình" mà người dân nước này phải vật lộn chiến đấu để chống lại.
Thủ tướng Anh nhấn mạnh lúc này vẫn là thời điểm có mức độ rủi ro cao nhất. Ông Johnson khẳng định sẽ không nhanh chóng dỡ bỏ lệnh phong tỏa vốn được triển khai để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Thừa nhận đại dịch này là thách thức riêng lẻ lớn nhất mà nước Anh đối mặt kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2, song ông Johnson cho biết tình hình dịch bệnh ở nước này đang tiến triển khi có ít người nhập viện và ít bệnh nhân cần được điều trị tích cực hơn.
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu ngày 27/4 (Ảnh: Reuters) |
Thủ tướng Johnson nhận định Anh sắp hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên là ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) và bắt đầu xoay chuyển tình thế, với những tín hiệu rõ rệt cho thấy nước này đang đi qua đỉnh dịch.
Theo nhà lãnh đạo Anh, bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy nguy cơ dịch bệnh bùng phát lần 2, nguy cơ virus lây lan ngoài tầm kiểm soát. Nếu những nguy cơ này trở thành sự thật, nó không những gây ra "một làn sóng tử vong và dịch bệnh mới" mà còn là kéo theo "thảm họa kinh tế".
Vì thế, Thủ tướng Johnson tái khẳng định quyết tâm không vứt bỏ những nỗ lực và sự hy sinh của người dân Anh, không mạo hiểm đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh lần 2 khiến nhiều người thiệt mạng và làm NHS sụp đổ.
"Tôi mong các bạn hãy kiềm chế sự sốt sắng của mình bởi vì tôi tin rằng lúc này chúng ta đang đi đến hồi kết của giai đoạn đầu tiên trong cuộc chiến chống COVID-19", ông Johnson nhấn mạnh, theo Reuters.
Cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif bị bắt vì cáo buộc nhận hối lộ
Theo VOV, Cục Trách nhiệm giải trình Quốc gia Pakistan ngày 27/4 đã ra lệnh bắt giữ cựu Thủ tướng Nawaz Sharif của nước này với cáo buộc nhận hối lộ trong một vụ chuyển nhượng bất động sản.
Động thái này cũng đồng nghĩa cơ quan chống tham nhũng Pakistan sẽ đệ trình hồ sơ chống lại ông Nawaz Sharif lên tòa án.
Cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif (Ảnh: Dawn) |
Được biết, cựu Thủ tướng Pakistan bị buộc tội vì đã không tham gia vào các cuộc điều tra liên quan tới sai phạm của Tổng biên tập tờ nhật báo Mir Shakilur Rehman. Năm 1986, khi còn giữ chức Thủ hiến tỉnh Punjab, ông Nawaz Sharif từng cho Rehman thuê trái phép một khu đất.
Trước đó, hồi tháng 3, cựu Thủ tướng Nawaz Sharif từng 2 lần bị triệu tập để lấy lời khai. Tuy nhiên, cả 2 lần ông này đều phớt lờ lệnh của cơ quan chống tham nhũng và tòa án Tối cao thành phố Lahore.
Ông Nawaz Sharif năm nay 70 tuổi, vẫn là lãnh tụ tối cao của Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan – Nawaz. Trong quá khứ, ông từng có 3 nhiệm kỳ giữ chức Thủ tướng Pakistan. Hiện ông Nawaz Sharif đang phải nằm viện điều trị.
Tin tức thế giới mới nhất hôm nay (25/4): Nhật ký một ngày làm việc trong Nhà Trắng của TT Trump Tin tức thế giới hôm nay: Nhật ký một ngày làm việc trong Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump; Anh có hơn 140.000 ... |
Tin tức thế giới mới nhất hôm nay (24/4): Mỹ cáo buộc Trung Quốc ngăn điều tra nguồn gốc Covid-19 Tin tức thế giới hôm nay: Mỹ cáo buộc Trung Quốc ngăn điều tra nguồn gốc Covid-19; số tử vong Covid-19 ở Ecuador có thể gấp ... |
Tin tức thế giới mới nhất hôm nay (23/4): Tướng Mỹ tin ông Kim Jong-un vẫn kiểm soát hoàn toàn quân đội và hạt nhân Tin tức thế giới hôm nay: Tướng Mỹ tin tưởng ông Kim Jong-un vẫn đang kiểm soát toàn phần quân đội và hạt nhân; máy ... |