Tin tức thế giới mới nhất hôm nay (21/4): Tổng giám đốc WHO nói không gì giấu được Mỹ
Danh ca người Pháp qua đời vì Covid-19 |
Paris Saint-Germain hét số tiền "khủng" để "tống cổ" Neymar |
Tin tức thế giới hôm nay 21/4
Tổng giám đốc của WHO khẳng định không có gì có thể qua mặt Mỹ
Tổng giám đốc của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định rằng nhiều quan chức của chính phủ Mỹ đang làm việc tại tổ chức này, đồng nghĩa với việc mọi nhất cử nhất động của tổ chức đều không thể qua mặt được Mỹ.
WHO cho biết có 15 nhân viên Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã phối hợp làm việc cùng tổ chức về phản ứng trước dịch nCoV.
Tedros nói: "Đây là những người Mỹ làm việc với chúng tôi và họ nói họ đang làm gì. WHO cởi mở. Chúng tôi không che giấu bất cứ điều gì. Không chỉ đối với CDC mà còn những nước khác. Chúng tôi muốn tất cả quốc gia nhận được thông điệp cảnh báo tương tự ngay lập tức vì điều đó giúp họ chuẩn bị nhanh chóng".
Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo về Covid-19 tại Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng trước (Ảnh: AFP) |
Phát biểu trong cuộc họp báo về Covid-19 tại trụ sở của WHO tại Geneva, Thụy Sĩ hồi hôm qua, ông Tedros đã đưa ra thông điệp cảnh báo rằng: "Chúng tôi đã cảnh báo ngay từ đầu rằng Covid-19 là một con quỷ mà mọi người nên chiến đấu". Đó là lý do Tổng giám đốc WHO hy vọng mọi người sẽ tập trung hơn vào chống dịch thay vì đấu khẩu với nhau.
Tedros cũng kêu gọi các lãnh đạo hãy ngừng lại việc chính trị hóa dịch bệnh: "Đừng sử dụng virus này như cơ hội để tranh đấu với nhau hoặc ghi điểm chính trị. Vấn đề chính trị có thể đổ thêm dầu vào đại dịch này. Đó là hành động đùa với lửa".
Gái mại dâm ở Nhật Bản rơi vào túng quẫn vì dịch nCoV
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Nhật Bản, nhanh chóng khiến nền kinh tế của quốc gia này gặp trì trệ, kéo theo tình trạng thất nghiệp của rất nhiều cá nhân lao động ở các lĩnh vực kinh tế, trong đó có cả gái bán dâm.
CNN đã dẫn lời một người đang hoạt động trong ngành công nghiệp tình dục tại Nhật Bản, trả lời phỏng vấn dưới nghệ danh là Mika, cho hay cô đã hoàn toàn không có thu nhập kể từ khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện, khiến lệnh phong tỏa được ban ra và không ai đi ra ngoài, mọi người đều ở yên trong nhà.
Mika nghĩ đến những công việc khác nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành như thế này, tất cả công ty hay nhà hàng, khách sạn đều không có nhu cầu tuyển dụng. Hiện, cô đang sống bằng khoản tiền mình đi vay mượn được. Nhưng nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, Mika sẽ khó mà đảm bảo được tiền thuê nhà cũng như chi phí sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong khi số tiền đi vay cô cũng chưa trả được.
Cô gái dường như không tìm ra được cách nào khác: "Tôi sợ không có công việc mang lại tiền để sống. Đương nhiên là tôi lo về sức khỏe của mình, nhưng tôi sợ không có cách gì để kiếm sống hơn thế".
Ngày 20/4, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định tăng gói cứu trợ kinh tế - được thông qua hồi đầu tháng, từ mức ban đầu là 108 nghìn tỷ yên (tương đương 989 tỷ USD) lên 117,1 nghìn tỷ yên (tương đương1086 tỷ USD). Kế hoạch kích cầu cứu trợ kinh tế này đã bổ sung thêm các lao động trong ngành công nghiệp tình dục vào danh sách hưởng hỗ trợ sau nhiều tranh cãi.
Những cô gái bán hoa không chốn nương thân đang được tổ chức Colabo giúp đỡ ở thủ đô Tokyo (Ảnh: Japan Times) |
Trên thực tế, ngành công nghiệp chịu nhiều định kiến này mang lại khoảng 24 tỷ USD mỗi năm cho nước Nhật. Những nhà hoạt động nhìn nhận đây là bước tiến đáng kể của chính phủ đối với ngành nghề này. Tổ chức Sex Work And Sexual Health (SWASH) cũng đã có thư ngỏ về vấn đề này đến chính phủ hồi đầu tháng 4, trong đó có đề cập: "Chúng tôi muốn rằng các lao động này và con cái của họ phải được bảo vệ, như đối với lao động từ các ngành nghề khác".
Tuy nhiên, quy định nhận hỗ trợ của chính phủ là yêu cầu các ứng viên đưa ra bằng chứng xác thực về các khoản lương và thu nhập đã mất, điều này là một khó khăn đối với nghề nghiệp nhạy cảm như mại dâm, bởi vốn dĩ "lương" của họ thường không ổn định và được trả một cách bí mật.
Điều đó khiến chính phủ quốc gia này tiếp tục phải soạn thảo lại các điều khoản chi tiết trong gói cứu trợ. Một đề xuất có thể nhận trợ cấp 100.000 yên (khoảng 928 USD) cho mỗi người thay vì 300.000 yên (2.785 USD) cho một hộ gia đình mất thu nhập. Phương án thứ nhất nếu được thông qua có thể tối ưu hơn trong việc hỗ trợ những người "làm việc về đêm" và tránh được những rắc rối về giấy tờ pháp lý mà họ đang gặp phải.
Tại nhiều nơi khác trên châu Á, ngành công nghiệp này cũng đang gặp phải khó khăn vì tình hình của dịch nCoV. Chính phủ của một số nơi cũng đã cam kết sẽ hỗ trợ cho họ.
Chính phủ Bangladesh đã hỗ trợ 20 - 30kg gạo cho mỗi người hoạt động trong lĩnh vực hợp pháp này, trong bối cảnh các nhà chứa bắt buộc phải đóng cửa do lệnh phong tỏa vì Covid-19.
Hay tại Malaysia, dù hoạt động tình dục là một nghề bất hợp pháp nhưng chính phủ cũng rất nhân từ khi cấp khoản hỗ trợ hàng tháng và chỗ ở tạm cho những người làm việc đang gặp khó khăn hoặc thất nghiệp thời điểm này, trong đó có nhiều người giấu đi nghề mại dâm của mình.
Dù cũng bị cấm bởi luật nhưng ngành công nghiệp tình dục hoạt động tại Thái Lan vẫn mang lại 5 - 10% GDP (tương đương 4 - 6 tỷ USD) mỗi năm cho đất nước này. Vì vậy, các lao động trong ngành mại dâm sẽ lần đầu tiên được hưởng hỗ trợ thất nghiệp theo gói kích cầu của chính phủ.
Bạo loạn ở Paris giữa lệnh phong tỏa
Rạng sáng ngày 20/4, một cuộc bạo loạn đã xảy ra tại ngoại ô Paris sau khi người dân ở đây nổi giận và cáo buộc cảnh sát phân biệt đối xử trong lúc thi hành các biện pháp phong tỏa chống Covid-19. Trong video ghi lại cuộc bạo loạn được đăng tải trên mạng xã hội, những người dân đã tụ tập thành nhiều nhóm và tấn công cảnh sát bằng pháo hoa. Điều này đã khiến lực lượng buộc phải dùng đến hơi cay và dùi cui để trấn áp những người dân quá khích.
Nguyên nhân của vụ đụng độ này đến từ sự việc về một người đàn ông 30 tuổi, gốc Arab và theo đạo Hồi. Anh ta đã lái xe máy và va chạm với xe của một cảnh sát chìm tại Villeneuve-la-Garenne và bị thương nặng. Bạn bè của nạn nhân giấu tên này cho rằng sự cố trên đã vạch trần bộ mặt thật độc ác của của cảnh sát nơi đây đối với cộng đồng thiểu số, giữa bối cảnh dịch bệnh nCoV hoành hành và lệnh phong tỏa được áp dụng.
Một nguồn tin giấu tên tường tận về sự việc cho hay: "Người đàn ông bị thương nặng là người gốc Arab theo đạo Hồi. Cư dân địa phương phản ứng vô cùng dữ dội với những gì đã xảy ra".
Về phía cảnh sát, một phát ngôn viên đã lên tiếng: "Những kẻ bạo loạn đã ném đá và bắn pháo hoa vào cảnh sát, cũng như lực lượng tiếp viện. Tình trạng bạo lực khởi phát từ Villeneuve-la-Garenne, sau đó lan rộng sang những thị trấn và khu vực lân cận".
Lực lượng cảnh sát được triển khai để chống cuộc bạo loạn rạng sáng ngày 20//4 tại đường phố Villeneuve-la-Garenne, ngoại ô thủ đô Paris, Pháp (Ảnh: AFP) |
Trước đó, lực lượng cảnh sát Pháp cùng từng chịu nhiều cáo buộc liên quan đến nạn phân biệt chủng tộc đối với những cộng đồng thiểu số trong quá trình thực thi lệnh phong tỏa do Covid-19. Tuần trước, các cảnh sát địa phương tại Beziers, miền nam nước Pháp được các công tố viên cho hay có thể sẽ phải đối mặt với những cáo buộc liên quan đến vụ Mohamed Gabsi, người đàn ông 33 tuổi mất mạng khi bị bắt do lệnh phong tỏa.
Trong đoạn băng ghi lại quá trình sự vụ, có ba cảnh sát đã kéo lê Gabsi trên đất, các nhân chứng cũng kể lại rằng hai sĩ quan khác đã ngồi đè lên người của Gabsi, người đàn ông này sau đó đã qua đời do cơn đau tim sau khi được giải đến đồn cảnh sát địa phương.
Sự cố này đặc biệt nhạy cảm và nghiêm trọng bởi nạn nhân là người Hồi giáo gốc Arab, điều đó khiến các cảnh sát có liên quan đều bị cáo buộc tội "cố ý gây bạo lực, dẫn đến ngộ sát" và "thất bại trong việc hỗ trợ một người gặp nguy hiểm". Hình phạt họ có thể đối mặt là 15 năm tù hoặc thậm chí hơn.
Hiện nay, Pháp vẫn đang là vùng dịch nCoV lớn trên toàn thế giới với gần 153.000 trường hợp nhiễm bệnh, con số tử vong cũng đã xấp xỉ 20.000 người và gần 37.000 ca bệnh đã hồi phục. Lệnh phong tỏa tiếp tục được thực thi tại đất nước này cho đến hết ngày 11/5, kế hoạch cụ thể của những ngày kế tiếp sẽ được chính phủ công bố và phổ biến sau đó.
WHO cảnh báo nhiều trường hợp tái nhiễm COVID-19 “Nếu một người có nồng độ kháng thể quá thấp, họ vẫn có thể tái nhiễm COVID-19”, TS Maria van Kerkhove - chuyên gia bệnh ... |
Các nước G7 bênh vực WHO, phản đối việc Mỹ ngừng tài trợ Trong hội nghị trực tuyến G7, các nhà lãnh đạo phương Tây đã mạnh mẽ ủng hộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng ... |
Vợ chồng tỷ phú Bill Gates tài trợ thêm 150 triệu USD cho WHO Quỹ Bill & Melinda Gates của vợ chồng tỷ phú Bill Gates đã quyết định tài trợ thêm 150 triệu USD cho Tổ chức Y ... |