Tàu ngầm Kilo Việt Nam: Khám phá sức mạnh tên lửa hành trình đa năng nhất thế giới
Sức mạnh tàu ngầm Kilo 636
Kilo 636 thuộc lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ diesel – điện, do Nga sản xuất có nhiệm vụ tác chiến chống hạm và chống ngầm. Đây là tàu ngầm thuộc hế hệ thứ ba (loại tiên tiến nhất thế giới). Hiện tại, Việt Nam sở hữu 6 tàu Kilo và cả 6 tàu đều thuộc biên chế của Lữ đoàn tàu ngầm 189 (Vùng 4 Hải quân).
Kilo 636 là loại tàu ngầm tiên tiến nhất thế giới mà Hải quân Nhân dân Việt Nam đang sở hữu. Tàu vận hành tốt trong vùng biển nông, có khả năng di chuyển ở gần khu vực đáy biển hơn các loại tàu ngầm tấn công khác. Nhờ công nghệ hiện đại làm giảm đáng kể độ ồn cho lớp Kilo, tàu ngầm có khả năng “tàng hình” trước các thiết bị định vị thủy âm (sonar) hiện đại, ẩn mình tốt hơn trong lòng biển để tiếp cận đội tàu nổi của địch và tấn công trước khi bị phát hiện. Nhờ vũ khí hiện đại và khả năng ẩn mình gần như hoàn hảo, Kilo 636 được hải quân Mỹ mệnh danh là “hố đen trong lòng đại dương”.
Tàu ngầm HQ-182 Hà Nội tại quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa vào tháng 1/2014. |
Tàu ngầm Kilo 636 dài gần 74 m, rộng 10 m, lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ 20 hải lý/giờ (37 km/h), lặn sâu tối đa 300 m, hoạt động độc lập 45 ngày đêm, thủy thủ đoàn 52 người.
Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi đường kính 533 mm. Song vũ khí uy lực nhất là tổ hợp tên lửa hành trình đa năng Klub-S. Tổ hợp này gồm ít nhất 5 mẫu tên lửa khác nhau, giúp chỉ huy tàu ngầm lựa chọn linh hoạt vũ khí trong tác chiến.
Tên lửa hành trình đa năng Klub-S của tàu ngầm Kilo 636. (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin) |
Tổ hợp tên lửa hành trình của tàu ngầm Kilo
Tên lửa hành trình đa năng Klub-S bao gồm ít nhất 5 mẫu tên lửa khác nhau, trong đó mẫu 3M54E/E1 có nhiệm vụ chống hạm, 91RE1/RE2 chống tàu ngầm và 3M-14E tấn công mục tiêu mặt đất. Số lượng tên lửa đa dạng này giúp các chỉ huy tàu ngầm linh hoạt trong việc lựa chọn cấu hình vũ khí để hoàn thành nhiệm vụ tác chiến được giao.
Tên lửa diệt hạm 3M-54E: có tầm bắn tối đa 220 km. Nó bay ở tốc độ cận âm hơn 1.100 km/h trong gần như toàn bộ hành trình tới mục tiêu, ở độ cao 10-15 m so với mặt biển để tránh bị radar đối phương phát hiện. Dữ liệu mục tiêu được nạp từ trước khi phóng, thông qua hệ thống trinh sát của tàu ngầm hoặc đường truyền dữ liệu (datalink) từ các tàu chiến và máy bay khác.
Tên lửa diệt hạm 3M-54E. (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin) |
Khi cách mục tiêu khoảng 60 km, đầu dò radar chủ động ARGS-54E sẽ được kích hoạt để tự tìm kiếm mục tiêu dựa vào thông tin được nạp trước khi phóng và hệ thống dẫn đường quán tính. Đầu đạn sẽ tách khỏi phần thân chính của tên lửa. Động cơ nhiên liệu rắn sẽ đẩy tốc độ quả đạn lên 3.600 km/h, gấp 3 lần vận tốc âm thanh
Ở pha cuối tiếp cận mục tiêu, tên lửa bay chỉ cách mặt nước khoảng 5 m và liên tục thay đổi quỹ đạo, khiến việc đánh chặn trở nên cực kỳ khó khăn.
Dù khối lượng phóng chỉ hơn 1,5 tấn, tên lửa 3M-54E được trang bị đầu nổ nặng tới 450 kg, đủ sức phá hủy các tàu mặt nước cỡ lớn. Kích thước nhỏ của loại đạn này giúp tàu ngầm và tàu tên lửa mang được với số lượng lớn, gây mối đe dọa cho các lực lượng hải quân có quy mô lớn hơn nhiều.
Phiên bản 3M-54E1. (Ảnh: Vitaly V. Kuzmin) |
Bên cạnh mẫu 3M-54E, Nga còn trang bị phiên bản 3M-54E1 cho hệ thống Klub-S. Điểm khác biệt là tên lửa này chỉ bay ở tốc độ cận âm 990 km/h trong suốt hành trình, bù lại tầm bắn được nâng lên tới 300 km.
Tên lửa 3M-14E: Phiên bản tấn công mặt đất 3M-14E được trang bị hệ thống định vị toàn cầu GLONASS và dẫn đường quán tính, cùng đầu dò radar ARGS-14E có tầm hoạt động 20 km để bám bắt các mục tiêu có độ phản xạ radar lớn.
Tên lửa sử dụng hệ thống đo độ cao và khớp ảnh địa hình, cho phép nó bay bám sát địa hình để giảm thiểu khả năng bị phát hiện, khiến đối phương có ít thời gian phản ứng hơn.
Tên lửa 91RE1/RE2: 91RE1 và 91RE2 là tên lửa mang đầu đạn ngư lôi có điều khiển, tương tự mẫu RPK-2 Vyuga hay Metel của Nga và ASROC của Mỹ. Tên lửa được phóng tới vị trí nghi có tàu ngầm đối phương, sau đó tách đầu đạn để ngư lôi tự tìm kiếm mục tiêu. Mẫu tên lửa này có tầm bắn 50 km, bị giới hạn về khả năng phát hiện tàu ngầm đối phương bằng hệ thống định vị thủy âm (sonar).
Tên lửa 91RE1 có tốc độ tối đa 2.900 km/h, ngư lôi được trang bị đầu nổ 76 kg, đủ sức đánh thủng và phá hủy lớp vỏ tàu ngầm đối phương.
Tên lửa của hệ thống Klub-S có thể được phóng từ bệ phóng thẳng đứng hoặc ống phóng lôi cỡ 533 mm. Quả đạn nằm trong vỏ bọc cho tới khi rời mặt nước, khi đó vỏ bảo vệ được tách rời và động cơ đẩy sẽ được kích hoạt, tên lửa bắt đầu quá trình bay tới mục tiêu.
(Ảnh: Vitaly V. Kuzmin). |
Quân cảng Cam Ranh được chọn làm căn cứ của đội tàu ngầm Kilo. |
Quân cảng Cam Ranh – một trong những căn cứ lớn nhất của hải quân Việt Nam được chọn là căn cứ của đội tàu ngầm Kilo. Cảng nước sâu, xung quanh kín gió, thuận lợi để tránh trú, tàu cỡ lớn ra vào thuận lợi. Ngoài ra, cảng còn có mối liên kết với đường sắt, đường không, đường bộ, gần đường hàng hải quốc tế.
Cam Ranh được giới chuyên gia đánh giá là một trong những quân cảng tốt nhất thế giới, có tầm ảnh hưởng to lớn tới bản đồ địa – chiến lược toàn cầu.
Xem thêm:
Khái niệm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế theo UNCLOS 1982 Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 quy định rõ về khái niệm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. |
Khám phá "Hỏa thần" AK-630 bắn 10.000 viên/phút trên tàu chiến Việt Nam Hỏa thần AK-630 là hỏa thần đáng sợ trên mặt biển với tốc độ bắn 5.000-10.000 viên/phút, được trang bị trên các chiến hạm của ... |
Tàu tên lửa Molniya: Có sức chiến đấu cao, được trang bị vũ khí hiện đại Tàu tên lửa Molniya của Hải quân Việt Nam có khả năng tấn công nhanh, sức chiến đấu cao và được trang bị vũ khí ... |
Sức mạnh tàu Cảnh sát biển 8020 lớn nhất Việt Nam được Mỹ trao tặng CSB 8020 là tàu cảnh sát biển lớn nhất Việt Nam, có tải trọng 3.250 tấn, thuộc lớp Hamilton và là tàu chiến được Mỹ ... |
Bộ 3 tàu chiến hiện đại nhất của Hải quân Việt Nam Lực lượng tàu chiến bảo vệ chủ quyền của Việt Nam bao gồm nhiều loại tàu ngầm, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tra, ... |