Sức mạnh đáng sợ của "Thiên Nga" Tu-160
Tu-160 là máy bay ném bom phản lực mang tên lửa rất độc đáo - là máy bay quân sự lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới có khả năng thay đổi hình dạng cánh (với góc nghiêng tùy chọn từ 20° tới 65°) và cũng là máy bay ném bom nhanh nhất, có trọng lượng cất cánh lớn nhất từng được đưa vào sử dụng.
Tu-160 được sơn màu trắng để chống lại các tia phóng xạ phát ra khi một vụ nổ hạt nhân ở gần. Nếu so sánh Tu-160 với đối thủ chính là máy bay ném bom phản lực B-1B Lancer Mỹ, sẽ thấy cả hai đều có thân máy bay, cánh thay đổi và vị trí đặt động cơ giống nhau. Nhưng Thiên Nga Tu-160 dài hơn gần 10 mét và cao hơn 3 mét so với “đồng nhiệm” Mỹ.
Tu-160 vẫn tiếp tục được hoàn thiện. Nguồn: tupolev.ru |
Tu-160 mang đến 148 tấn nhiên liệu (so với 88,5 tấn của B-1) - có thể hoạt động 15 giờ và bay xa trên 15.000 km, và được trang bị hệ thống nạp nhiên liệu trên không cho phép tăng tầm hoạt động.m Máy bay dùng 4 động cơ NK-32. Sức mạnh của động cơ Tu-160 cho phép đạt tốc độ 2.200 km/h hoặc 2,08 M ở độ cao lớn, với trọng lượng cất cánh tối đa đạt 275 tấn. Máy bay được trang bị một radar tấn công (“Obzor-K”, định danh NATO ”Clam Pipe”) và một radar theo dõi mặt đất ”Sopka” riêng biệt, khiến nó có chế độ bay hoàn toàn tự động theo địa hình ở độ cao thấp; một máy ngắm ném bom quang điện, và các hệ thống phòng thủ điện tử (ECM) tích hợp chủ động và thụ động.
Bán kính chiến đấu bình thường của Tu-160 là 7.600 km, phạm vi bay tối đa 14.000 km (khoảng cách từ Moscow đến Washington qua Bắc Cực chỉ là 6.750 km).
Sau khi Liên Xô sụp đổ, việc sản xuất Tu-160 đã bị đình chỉ, nhiều dây chuyền sản xuất và công nghệ đã bị mất. Nhưng trong những năm qua, Nga đã không ngừng khôi phục năng lực của mình và đã có thể làm chủ công nghệ tạo ra những cỗ máy độc đáo này. Dù Tu-160 được thiết kế để giảm khả năng bị cả radar và các hệ thống hồng ngoại phát hiện, nó không phải là một máy bay tàng hình.
Không quân Nga đã có kế hoạch nâng cấp 5 chiếc Tu-160 mỗi năm, các thay đổi được thông báo bao gồm: hệ thống điện tử toàn kỹ thuật số, dự phòng nhiều lớp, chịu được bức xạ hạt nhân và neutron; hỗ trợ hoàn toàn việc lái và dẫn đường bằng hệ thống định vị vệ tinh GLONASS; động cơ NK-32 nâng cấp nhằm tăng độ tin cậy (sử dụng động cơ NK-32 mới, cho phép Tu-160M tăng thêm 1.000 km hành trình); mang được tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân hoặc phi hạt nhân (Kh-55) dẫn đường bằng GLONASS; mang được tên lửa phóng vệ tinh dân dụng hay quân sự; mang được bom dẫn đường bằng laser; radar phát xạ tiên tiến xuyên qua được lớp ngụy trang.
Trong những năm tới, Nga có kế hoạch chế tạo và đưa vào vận hành tới 50 máy bay như vậy. Máy bay Tu-160 nâng cấp từ những chiếc máy bay cũ có mã hiệu Tu-160M, còn máy bay lắp ráp mới sẽ có tên mã Tu-160M2. Không quân Nga dự kiến nâng cấp 15 máy bay Tu-160M, chế tạo mới 10 máy bay Tu-160M2 trước năm 2027.