Sát cánh vượt khó cùng nhân dân Việt Nam
Những sứ giả yêu thương
Nhiều năm qua, những đứa trẻ ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng, Nhà trẻ mồ côi Hoa Mai Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang)... đã quen với các tiết học tiếng Anh của "bà giáo già" Leslie Palmer. Bà là một trong số các tình nguyện viên của Activity International (AI) - tổ chức phi chính phủ của Hà Lan. Có mặt tại Việt Nam từ năm 2014, những tình nguyện viên của AI đã chăm sóc nhiều trẻ em mồ côi, người khuyết tật, đối tượng yếu thế ở Đà Nẵng và Hậu Giang, giúp họ có thêm kỹ năng tiếng Anh, kỹ năng sống, vui chơi thể thao...
Niềm vui của các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn khi có sự xuất hiện của những tình nguyện viên AI (Ảnh: AI). |
Tháng 3/2020, dự án “Xây dựng khu vật lý trị liệu và phục hồi chức năng” do AI viện trợ được đưa vào sử dụng ở Hậu Giang. Với kinh phí xây dựng khoảng 600 triệu đồng, dự án bao gồm phòng vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và sân chơi, đáp ứng nhu cầu điều trị và chăm sóc toàn diện của bệnh nhân tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hậu Giang.
Tại Đà Nẵng, riêng trong giai đoạn 2014-2019, AI đã cử hơn 300 tình nguyện viên quốc tế đến hỗ trợ các cơ sở xã hội và các trường học khó khăn trên địa bàn thành phố. Các tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho bệnh nhân tại các cơ sở xã hội, giúp trẻ em làm quen tiếng Anh và vận động tài trợ đầu tư cơ sở vật chất, y tế, các hoạt động trị liệu, giáo dục ngoại khóa...
Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Văn Quốc Việt, Giám đốc Chương trình AI tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đã và đang duy trì một đội ngũ tình nguyện viên quốc tế thường xuyên góp phần giảm nhẹ công việc của nhân viên chăm sóc xã hội, bù đắp phần nào thiệt thòi của những người có hoàn cảnh không may và góp phần xây dựng tình cảm, sự hiểu biết hơn về Việt Nam cho bạn bè quốc tế".
Chăm sóc sức khỏe đối tượng yếu thế
Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) là tổ chức phi chính phủ nước ngoài đầu tiên hoạt động tại Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc. MCNV đã hỗ trợ thuốc men, dụng cụ y tế quy mô lớn cho những địa phương bị chiến tranh tàn phá nặng nề đồng thời cử nhiều đoàn chuyên gia, cán bộ y tế giúp đỡ Việt Nam.
MCNV 4 lần vinh dự được nhận Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam (Ảnh: MCNV). |
Năm 1974, MCNV đã vận động 4 triệu USD xây Bệnh viện Hà Lan ở Quảng Trị, phục vụ người dân nơi đây trong suốt 20 năm. Đến những năm 1980-1990, MCNV tiếp tục hỗ trợ hiệu quả các dự án như chương trình phòng chống lao, phòng chống sốt rét, chăm sóc sức khỏe ban đầu ở Quảng Trị.
Hiện nay MCNV có nhiều chương trình, dự án khác nhau để hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ có HIV/AIDS như chăm sóc sức khỏe người khuyết tật; phát triển hòa nhập xã hội cho trẻ khuyết tật; hỗ trợ nhóm phụ nữ và trẻ em sống chung với HIV/AIDS; nâng cao nhận thức về quyền và sức khỏe sinh sản và tình dục của trẻ em gái vị thành niên; hỗ trợ phụ nữ thực hiện các chương trình sinh kế xóa đói giảm nghèo.
Từ năm 2017 đến nay, MCNV mở rộng việc vận động tài trợ cho các dự án trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển doanh nghiệp và chuỗi giá trị. Các hoạt động của MCNV đã và đang triển khai tại 14 tỉnh thành trong cả nước. Đây là những dự án không chỉ mang mang tính chất y tế mà còn có ý nghĩa về mặt hòa nhập xã hội, nâng cao nhận thức, nâng quyền của đối tượng được hưởng lợi.
Chung bước phòng chống bệnh lao
Đến Việt Nam từ những năm 1990, Hội Chống lao Hoàng gia Hà Lan (KNCV) đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện các biện pháp can thiệp bệnh lao hiệu quả, bao gồm cải thiện chẩn đoán, cải thiện chăm sóc bệnh nhân lao kháng thuốc và khả năng đo lường mức giảm tỷ lệ mắc bệnh lao theo thời gian bằng các cuộc điều tra tỷ lệ mắc lao lặp đi lặp lại.
KNCV và Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016 - 2020 (Ảnh: KT). |
KNCV cũng hỗ trợ Việt Nam mở rộng quy mô chương trình quản lý lao kháng thuốc (PMDT); hỗ trợ Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam xây dựng và thực hiện điều tra tỷ lệ mắc lao quốc gia lần thứ hai. Khảo sát này cung cấp cái nhìn tổng quan và chính xác về gánh nặng bệnh lao hiện tại cùng với những thông tin cần thiết để xây dựng chiến lược loại trừ bệnh lao ở Việt Nam cũng như ước tính nhu cầu tài trợ cho các can thiệp.
Trong giai đoạn 2021-2025, KNCV hợp tác chặt chẽ với Chương trình chống lao quốc gia Việt Nam để hỗ trợ xây dựng và thực hiện Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh lao giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030. Các dự án do KNCV viện trợ tập trung vào việc giới thiệu các loại thuốc và phác đồ mới, chẩn đoán tiên tiến, kiểm soát lây nhiễm lao, chuẩn bị kế hoạch kiểm soát bệnh lao chiến lược và các đơn xin tài trợ.
AI, MCNV, KNCV là ba trong số 12 tổ chức phi chính phủ Hà Lan đang hoạt động tại Việt Nam. Thông qua các dự án, chương trình hỗ trợ phụ nữ và trẻ en, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn; phòng chống bệnh lao; nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã; doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảo vệ môi trường... các tổ chức phi chính phủ Hà Lan đã góp phần tích cực vào quá trình giảm nghèo, phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam - Hà Lan.
Tháng 11/2022, khi làm việc với đoàn công tác của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tại Hà Lan, các tổ chức phi chính phủ của nước này đánh giá cao các chủ trương, chính sách thu hút viện trợ của Việt Nam. Các tổ chức khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các hoạt động viện trợ tại Việt Nam trong thời gian tới. |