Ra mắt sáng kiến "Nâng cao nhận thức và thúc đẩy tuyên truyền về Luật người khuyết tật cho trẻ em"
Đây là một hoạt động trong Dự án "Nâng cao nhận thức và thúc đẩy tuyên truyền về Luật người khuyết tật cho trẻ em", được tài trợ bởi Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp (Quỹ JIFF). Quỹ JIFF, do Oxfam tại Việt Nam quản lý, là một trong hai hợp phần của dự án "Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam" do Liên minh Châu Âu tài trợ và Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản".
Trẻ em chưa được tiếp cận nhiều với Luật người khuyết tật
Ông Phạm Quang Khoát, Phó chủ tịch Hội người khuyết tật TP Hà Nội, Điều phối viên dự án, cho biết, sáng kiến được thực hiện từ tháng 6/2023- 5/2024 triển khai tại hai quận Bắc Từ Liêm, huyện Đông Anh gồm 13 trường: Trường tiểu học Phúc Diễn, Trường tiểu học Đông Ngạc A, Trường tiểu học Xuân Đỉnh; Trường Trung học cơ sở Phúc Diễn, Trường THCS Thượng Cát, Trường THCS Cổ Nhuế 2, Trường tiểu học và trung học cơ sở: Xuân Nộn, Dục Túc và Bắc Hồng, chuyên biệt Bình Minh.
Ông Khoát cho biết, hiện nay học sinh các nhà trường đã được tiếp cận với rất nhiều luật như: Luật trẻ em, Luật giao thông...... nhưng chưa được tiếp cận Luật Người khuyết tật. Trong khi đó, Luật Người khuyết tật được ban hành, có hiệu lực và thực hiện được hơn 12 năm.
Việc ra mắt sáng kiến để người khuyết tật (đặc biệt trẻ em khuyết tật) được bình đẳng trong xã hội. Nâng cao nhận thức về lĩnh vực khuyết tật thông qua hoạt động truyền thông “Hình ảnh người khuyết tật qua góc nhìn nghệ thuật!”, tư vấn pháp lý về quyền của người khuyết tật. Truyền thông về tác động của dự án tới người hưởng lợi, các cơ quan nhà nước, các bên liên quan và cộng đồng.
Ông Khoát hy vọng, 6.000 trẻ em tham gia hoạt động của dự án; 1.000 người tham gia trò chơi “Tìm hiểu về Luật Người khuyết tật” trực tuyến”; 1.000 trẻ được hướng dẫn vẽ tranh về chủ đề dự án; 400 thông điệp qua tranh của trẻ tham gia cuộc thi vẽ về chủ đề “Hình ảnh người khuyết tật qua góc nhìn nghệ thuật” được triển lãm; 1 nhóm TOT được đào tạo kỹ năng tư vấn, tuyên truyền về Luật Người khuyết tật. 200 phiếu tư vấn hỗ trợ gia đình trẻ khuyết tật và người khuyết tật tại địa phương do nhóm TOT thực hiện.
"Để dự án có hiệu quả hay không ngoài sự nỗ lực của Hội, điều tiên quyết là sự phối hợp hỗ trợ của Phòng LĐ-TB&XH, Phòng Giáo dục của hai quận cùng quý thầy cô, thầy cô phụ trách của 13 trường học", ông Khoát nhấn mạnh.
Ký kết hợp tác giữa Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội và phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Đông Anh. |
Bà Đỗ Thị Thuý Hằng, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Anh cho biết, là 1 trong 2 đơn vị thụ hưởng dự án, huyện Đông Anh cùng các trường, thầy cô tích cực triển khai dự án.
Bà Hằng đề xuất, nên duy trì kết quả dự án trong những năm tiếp theo, sự phối hợp của các bên. Sau dự án có các sự kiện phối hợp giữa Hội Khuyết tật TP Hà Nội với các Hội khuyết tật tại huyện Đông Anh, triển khai các hoạt động trường lồng ghép nội dung luật người khuyết tật, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh.
Bà Hồng Vân, đại diện Quỹ JIFF cho biết, các hoạt động của dự án tiếp cận gần gũi học sinh, kích thích sự sáng tạo của các em học sinh tiếp cận được Luật Người khuyết tật.
Bà mong sáng kiến bổ sung thêm những nội dung, phương pháp nâng cao nhận thức, truyền thông cho trẻ em biết người khuyết tật gặp những khó khăn gì trong cuộc sống? trong luật y tế, khám chữa bệnh, luật lao động....
"Hy vọng có nhiều thêm dự án để làm sao có thể đưa chính sách pháp luật đến trường học, những mầm non tương lai của đất nước nắm bắt được các chính sách pháp luật để các em có những hiểu biết sau này có thể hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống", bà chia sẻ.
Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm. |
Thạc sĩ về giới Hà Thị Thoan kiến nghị về các hình thức nâng cao nhân thực và thúc đẩy tuyên truyền về Luật Người khuyết tật cho trẻ em. Cụ thể: Thông qua các thầy cô trong trường đã được tập huấn về Luật Người khuyết tật tổ chức các hoạt động tuyên tuyền ngay tại trường. Tổ chức các kì thi tìm hiểu tại trường. Tổ chức các hoạt động, trò chơi, buổi giao lưu, trò chuyện giúp các em hiểu hơn về cả Luật Người khuyết tật và người khuyết tật. Phát động các kì thi tìm hiểu về Luật Người khuyết tật trên mạng internet. Tổ chức các kì thi tìm hiểu về Luật Người khuyết tật như qua tranh vẽ....
Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Bình Minh cho rằng, tập huấn cho người khuyết tật hiểu rõ về Luật Người khuyết tật cần có sự tham gia cha mẹ, người đỡ đầu. Bởi trong những trường hợp trẻ khuyết tật nặng, cha mẹ, người đỡ đầu mới có thể giúp con hiểu biết được.
Tại lễ ra mắt, đã diễn ra Lễ Ký kết hợp tác giữa Hội Người khuyết tật thành phố Hà Nội và Phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận/huyện. Giới thiệu về Cuộc thi vẽ tranh “Hình ảnh người khuyết tật qua góc nhìn nghệ thuật” và cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về Luật Người khuyết tật”.