Quan hệ giữa hai Đảng tiếp tục là then chốt, trụ cột định hướng quan hệ hai nước
Đề nghị Đại sứ cho biết những kết quả nổi bật trong quan hệ hữu nghị, hợp tác hai nước Việt Nam - Lào gần đây?
- Trong thời gian qua, quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào không ngừng phát triển và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, cụ thể là:
Quan hệ chính trị - đối ngoại ngày càng gắn bó, tin cậy với trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao, thường xuyên trên các kênh, qua đó tăng cường sự tin cậy gắn bó lẫn nhau, Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng mang tính chiến lược, vừa định hướng cho quan hệ hai nước trong một thời gian dài, vừa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, làm cho mối quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương đã góp phần bảo vệ lợi ích, nâng cao uy tín và vị thế mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.
Hợp tác quốc phòng - an ninh không ngừng được đẩy mạnh, tiếp tục là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, góp phần đảm bảo vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, cũng như môi trường hòa bình, ổn định phục vụ phát triển và hợp tác giữa hai nước.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Lào. (Ảnh: TTXVN) |
Hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Trao đổi thương mại hai chiều những năm gần đây liên tục tăng ở mức hai con số; kim ngạch hai chiều 8 tháng đầu năm 2022 đạt trên 1 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam giữ vững vị trí nước đầu tư lớn thứ ba vào Lào với hơn 200 dự án đang hoạt động với số vốn đăng ký hơn 5 tỷ USD.
Nhiều dự án triển khai tốt, góp phần không nhỏ cho việc thúc đẩy nền kinh tế Lào phát triển, tạo công ăn việc làm và gia tăng thu nhập cho người dân. Việc kết nối hai nền kinh tế, nhất là hạ tầng, giao thông vận tải được đẩy mạnh (dự án đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, đường sắt Thàkhẹc - Vũng Áng), tăng cường hợp tác nông nghiệp, năng lượng (điện, các dự án năng lượng sạch...) và Việt Nam đã đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để nước Lào anh em có đường ra biển, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho Lào (bến cảng 1, 2, 3 Vũng Áng). Nhà Quốc hội mới của Lào, món quà chân thành mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào soi bóng bên Quảng trường Thạt Luổng linh thiêng, trở thành biểu tượng mới cho quan hệ mãi mãi trường tồn Việt Nam - Lào.
Hợp tác giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực rất được quan tâm, ngày càng được mở rộng đến cấp bộ, ngành và địa phương. Thời gian qua, hàng chục nghìn học sinh, sinh viên đã và đang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam và hàng nghìn lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Lào. Nhiều con em các dân tộc Lào sau khi học tập ở Việt Nam về nước, đã trở thành những cán bộ đảm nhận các chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng, Chính phủ Lào, đã và đang đóng góp tích cực vào mối quan hệ đặc biệt toàn diện Việt Nam - Lào.
Song song với đó, quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa các ban Đảng, các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân hai nước ngày càng được phát triển rất đáng khích lệ.
Lĩnh vực hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác sắp tới là gì? Đại sứ có thể điểm một số chương trình cụ thể?
- Bên cạnh các trụ cột về chính trị, an ninh, quốc phòng và đối ngoại vốn đã rất tốt đẹp, Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ hai nước xác định sự cần thiết và đã chỉ đạo quyết liệt để đưa hợp tác trong lĩnh vực kinh tế tương xứng với các trụ cột hợp tác khác. Song song với việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng chính sách nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển bền vững, tạo điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp hai nước, việc kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải sẽ được hai nước tích cực thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, mở ra cơ hội không chỉ cho Việt Nam và Lào có thể khai thác thế mạnh, tiềm năng của mỗi nước mà còn tăng cường kết nối Việt Nam và Lào với các nước trong khu vực, thúc đẩy kinh tế Lào tăng trưởng thông qua lĩnh vực giao thông vận tải và thương mại, đưa Lào trở thành nước có đường ra biển, địa điểm trung chuyển hàng hóa giữa các nước trong khu vực và quốc tế; đồng thời góp phần đưa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước tương xứng với hợp tác về chính trị.
Theo Đại sứ, doanh nghiệp và các nhóm, giới nhân dân Việt Nam cần quan tâm đến những lĩnh vực, đối tượng thị trường… nào của nước bạn Lào để khai thác tốt hơn lợi thế, tiềm năng của quan hệ hai nước?
- Lào là một trong những nước có cơ chế đầu tư đơn giản, mở rộng tín dụng ngân hàng cho nông nghiệp và doanh nghiệp nhỏ, phát triển các đặc khu kinh tế... Thế mạnh kinh tế của Lào là khai thác tài nguyên thiên nhiên. Bên cạnh đó, những ngành nghề dịch vụ tiêu dùng tại Lào cũng đang tăng trưởng. Ngành điện ở Lào cũng đang mở cho góp vốn đầu tư quốc tế, với nhiều công ty quốc tế đang hoạt động. Thủy điện và hạ tầng truyền tải, dịch vụ vận tải kết nối và phân phối được Chính phủ tập trung chuyên sâu góp vốn đầu tư ngày càng tăng.
Tuy nhiên, theo tôi ngành nông nghiệp Lào cho thấy nhiều hứa hẹn và là một ưu tiên của Chính phủ Lào. Đất đai trù phú, những thị trường lân cận như Việt Nam và Trung Quốc là những thị trường lớn cho sản phẩm và hàng hóa nông nghiệp, chăn nuôi. Do vậy, lĩnh vực nông nghiệp tại Lào hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội đầu tư, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu.
Một ví dụ điển hình về đầu tư nông nghiệp sạch tại Lào, với mục tiêu tập trung phát triển nông nghiệp cây ăn trái để xuất khẩu, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đã đầu tư, tập trung hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín, trồng trọt quy mô lớn tại tỉnh Ắt-ta-pư của Lào, chuyển giao công nghệ giúp nông dân khu vực Nam Lào cùng phát triển nông nghiệp, và hiện nay kim ngạch xuất khẩu nông sản của Thaco ước đạt 300 triệu USD/năm, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 500 triệu USD năm 2025.
Chúng ta có thể dự báo về hợp tác hai nước như thế nào, thưa Đại sứ?
- Quan hệ giữa hai Đảng tiếp tục đóng vai trò then chốt, thắt chặt quan hệ chính trị, tăng cường tin cậy và gắn bó lẫn nhau, là trụ cột định hướng trong tổng thể quan hệ hợp tác, đưa các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai Đảng, hai Nhà nước tiếp tục phát huy tốt hiệu quả, tăng cường trao đổi các Đoàn cấp cao, trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn, học tập kinh nghiệm của nhau trong công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trong phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế; Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư sẽ được coi trọng hơn để có thể phát triển thực chất, hiệu quả, trở thành một trụ cột quan trọng và lâu dài trong quan hệ hai nước; Hợp tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại ngày càng chặt chẽ, đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả tích cực và giữ vai trò trụ cột trong quan hệ giữa hai nước; Hợp tác văn hoá, giáo dục chất lượng cao, khoa học - kỹ thuật thu được nhiều kết quả tích cực, giúp đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và lâu dài cho sự nghiệp phát triển đất nước, bổ sung những lợi thế cho nhau trong quá trình đổi mới và phát triển; Quan hệ hữu nghị và hợp tác hiệu quả giữa nhân dân hai nước, nhất là giữa các địa phương có chung đường biên giới, quan hệ giữa các tổ chức nhân dân, xã hội của hai nước không ngừng phát triển. Việc giáo dục cho nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống và giá trị của quan hệ Việt - Lào có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và sẽ được hai bên đẩy mạnh.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Các hoạt động chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào 2022 tại Luang Prabang Ngày 7/10, chính quyền tỉnh Luang Prabang, Tổng lãnh sự Việt Nam và Sở Thông tin Văn hóa và Du lịch tỉnh đã phối hợp tổ Lễ diễu hành xe đạp và chiếu phim tư liệu về truyền thống lịch sử giữa hai dân tộc. Đây là một trong chuỗi các sự kiện chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào 2022. |
Trường Hữu nghị 80 kỷ niệm Ngày nhà giáo quốc gia Lào Ngày 7/10, trường Hữu Nghị 80 (thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) đã tổ chức chương trình kỷ niệm 28 năm Ngày nhà giáo quốc gia Lào (7/10/1994 - 7/10/2022). |