Pháp cân nhắc rời NATO sau vụ bị "nẫng tay trên" hợp đồng
Sau khi Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm, các tầng lớp chính trị Pháp, từ cánh tả đến cánh hữu đều chưa nguôi giận dữ. Tất cả đều cho rằng Pháp cần có hành động đáp trả mạnh mẽ và ủng hộ Pháp rời khỏi Khối quân sự hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO).
“Chúng tôi hiện đang đánh giá các lựa chọn đối với từng đối tác. Hiện tại, việc Ngoại trưởng Jean Yves Le Drian tham dự diễn đàn Liên Hợp Quốc tại New York cũng là để “chia sẻ” với các đối tác châu Âu về cách hành xử chung của châu Âu” - Bộ trưởng Quân đội Pháp cho hay.
Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Australia khi đó Malcolm Turnbull đến thăm một tàu ngầm của Australia tại Sydney. Ảnh: Getty Images |
Ngoại trưởng Pháp Le Drian cũng đánh giá, bất đồng giữa Pháp và Hoa Kỳ hiện nay nằm ở cách định nghĩa khái niệm chiến lược mới của NATO dự kiến sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm tới tại Tây Ban Nha. Đối với Pháp, NATO cần dựa trên những giá trị cơ bản. Và thực tế những gì vừa xảy ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành khái niệm chiến lược mới của NATO.
Người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal cũng nhấn mạnh, Pháp đã gánh vác trọng trách cho cả châu Âu trong suốt nhiều năm qua. Đồng thời cho biết, Pháp chờ đợi Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2022 để các thành viên cần giải thích rõ khái niệm của mình trước khi nước này cân nhắc khả năng rời NATO.
Cùng diễn biến, hai ứng viên lớn tranh cử Tổng thống Pháp năm 2022 thuộc cánh hữu là ông Xavier Bertrand, lãnh đạo đảng “Những người Cộng hoà” và bà Valérie Pécresse đứng đầu đảng “Tự do”, đã đề xuất tổ chức một hội nghị thượng đỉnh NATO bất thường để xem xét rời khỏi Liên minh quân sự này.
Ý tưởng Pháp rời NATO cũng nhận được sự chia sẻ từ khối cánh tả. Lãnh đạo đảng nước Pháp bất khuất Jean Luc Melenchon cho rằng đã đến lúc Pháp ngừng ảo tưởng, cần từ chối hợp tác và rời khỏi NATO cũng như yêu cầu Hoa Kỳ dời Trung tâm quân sự không gian của NATO ra khỏi thành phố Toulouse.
Được biết, sự căng thẳng hiện tại được cho là bắt nguồn từ việc thời gian trước, Tập đoàn Hải quân của Pháp, một phần thuộc sở hữu nhà nước, đã được chọn để đóng 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng thông thường cho Australia. Tuy nhiên, Hoa Kỳ, Anh và Australia ngày 15/9 vừa qua bất ngờ thông báo sẽ thiết lập quan hệ đối tác an ninh ba bên AUKUS ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. AUKUS cho phép Hoa Kỳ và Anh cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân, điều khiến Caberra quyết định rút khỏi thỏa thuận mua tàu ngầm của Paris trị giá khoảng 40 tỷ USD.