Nông dân vẫn chịu trên 1.000 loại phí, lệ phí
Theo đại diện cơ quan soạn thảo, so với bản trình Quốc hội hồi tháng 5, văn bản lần này đề xuất giao việc quy định danh mục cụ thể cho Chính phủ, thay vì cơ quan cấp thấp hơn là Bộ Tài chính. Trong khi đó, Quốc hội sẽ ban hành các nhóm danh mục như nông nghiệp, giao thông, đất đai… để Chính phủ sử dụng làm cơ sở.
Trước đó, theo Pháp lệnh Phí và lệ phí, cả nước có tổng cộng 72 loại phí và 42 lệ phí. Song rà soát của Bộ Tài chính cho thấy có 22 luật, 30 nghị định và 200 thông tư khác vẫn quy định về các loại phí và lệ phí với hàng trăm loại khác nhau và cần tiếp tục tổng rà soát.
Nông nghiệp vẫn còn gánh quá nhiều loại phí, lệ phí. Ảnh: Đặng Quang Vinh
Vì còn quá nhiều loại phí như vậy nên đại diện ngành tài chính đề xuất để Chính phủ ban hành danh mục, chứ chưa đưa vào luật. “Như với riêng nông nghiệp, vừa qua đã rà soát bỏ nhiều loại song vẫn còn 937 khoản phí và 90 lệ phí. Con số này là quá lớn. Hay với lĩnh vực tài liệu do Nhà nước quản lý cũng có hàng trăm loại phí và lệ phí”, ông Dũng nói.
Tương tự, đại diện cơ quan này cho rằng còn rất nhiều khoản phải cập nhật để hướng dẫn thu, như đối với 267 danh mục kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư và Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, có bao nhiêu loại phí, lệ phí đi nữa thì cơ quan soạn thảo phải đưa vào danh mục để Quốc hội quy định khi thông qua luật chứ không thể có chuyện chỉ phê duyệt nhóm mà không rõ trong nhóm có bao nhiêu loại.
“Nếu không có danh mục rõ ràng, tôi sẽ không bấm nút. Chỉ Quốc hội mới được quy định có bao nhiêu loại, là phí gì chứ không ai được thẩm quyền "đẻ" thêm một loai phí mới. Quốc hội chỉ ủy quyền cho Chính phủ, Hội đồng nhân dân mức thu mà thôi. Khi có phát sinh khoản phí mới thì giao Ủy ban thường vụ quyết định, rồi báo cáo lại với Quốc hội”, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Ông Hùng cũng dẫn chứng, khi xây dựng danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cũng có ý kiến đề nghị bỏ ngoài luật để Chính phủ quy định vì khó khăn. “Nhưng Quốc hội đã kiên quyết nói không. Danh mục ấy khó thế mà chúng ta làm được thì không lý gì giờ đây không làm với danh sách phí, lệ phí”, ông nói.
Lãnh đạo Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Tài chính cùng các bộ phải tiếp tục rà soát để giảm bớt các loại phí trên nguyên tắc “không đưa vào tùy tiện còn đưa ra thì không chắc chắn”.
“Vẫn còn cả nghìn loại phí, lệ phí với nông nghiệp thì e rằng còn tùy tiện. Như câu chuyện một quả trứng mà gánh 14 thứ phí thì đúng là… trời đất ơi”, Ông Hùng than.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo, "riêng ngành nông nghiệp vẫn còn hơn 1.000 loại phí, lệ phí"
“Nếu luật không công bố được danh mục phí và lệ phí thì khi ban hành dân cũng chả biết thế nào. Tôi tha thiết đề nghị cần công khai danh mục này ngay trong luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - Trương Thị Mai lên tiếng. Bà Mai cũng nhận định, ban soạn thảo còn lúng túng trong phân biệt giữa phí, lệ phí với giá dịch vụ.
“Điểm giống nhau đó là khoản tiền người dân phải trả khi được cung cấp dịch vụ. Nhưng phí bao giờ cũng thấp hơn giá vì còn gắn với phúc lợi Nhà nước, tức không hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Trong khi giá dịch vụ là tính đúng tính đủ theo cơ chế thị trường”, nữ chủ nhiệm bày tỏ.
Giải trình lần hai trước thường trực Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng hứa tiếp tục rà roát để điều chỉnh nhiều loại phí bất hợp lý. “Như câu chuyện với quả trứng thì đúng là rất buồn cười, kiểu đếm trứng ăn tiền", ông thừa nhận và giải thích đáng ra khi kiểm dịch thì chỉ tính tiền theo số mẫu chứ không phải tính cho tất cả số trứng. "Tới đây kiểm dịch với tất cả trâu, bò, lợn, gà đều phải tính theo số mẫu”, Bộ trưởng hứa.
Ông Dũng cũng cho biết tinh thần rà soát tới đây sẽ theo hướng chuyển mạnh một số loại phí, lệ phí sang cơ chế giá thị trường, nên chắc chắn danh mục này sẽ giảm.
Dù vậy, lãnh đạo ngành Tài chính tiếp tục đề xuất Quốc hội giao Chính phủ ban hành danh mục phí, lệ phí. “Nếu đưa được một bước các loại phí, lệ phí vào danh mục trong luật thì tốt. Nhưng nếu chi tiết quá thì vẫn đề nghị để Chính phủ quy định”, ông nói.
Phí chồng phí khiến cho giá thành sản phẩm trong chăn nuôi cao nhưng người nông dân vẫn bị lỗ. Trong ảnh: Phun hoá chất tiêu độc khử trùng chuồng trại tại trang trại của gia đình chị Phạm Thị Nguyệt Dung, phường Tân An, TX Quảng Yên.
Chủ nhiệm Trương Thị Mai lưu ý, việc chuyển phí và lệ phí qua hình thức giá dịch vụ thoạt nghe thì hợp lý về hình thức nhưng bản có thể khiến người dân thêm gánh nặng vì giá dịch vụ sẽ cao hơn phí do trong phí còn có phần phúc lợi của Nhà nước.
Trước đó, dự thảo Luật Phí và Lệ phí được trình Quốc hội lẫn đầu tại kỳ họp giữa năm nay, dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp khai mạc cuối tháng 10 tới. Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng "không nhất thiết phải vội" nếu cơ quan soạn thảo chưa cập nhật được danh mục phí và lệ phí vào trong dự luật.
Theo VnExpress