Vui Tết cổ truyền nước bạn, Hà Nội gắn kết tình hữu nghị bốn phương
Ngày 26/4 tại Hà Nội đã diễn ra chương trình “Giao lưu hữu nghị chúc mừng Tết cổ truyền một số nước châu Á 2025”. Sự kiện do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội phối hợp với Đại sứ quán các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka tổ chức, là dịp để bạn bè quốc tế cùng chia sẻ niềm vui ngày Tết, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc.
|
Chương trình có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, lưu học sinh các nước đang học tập tại Việt Nam cùng hội viên các Hội hữu nghị và tổ chức thành viên thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội.
Tết cổ truyền của một số nước châu Á là lễ hội truyền thống đã có từ lâu đời, được tổ chức vào giữa tháng 4 hàng năm. Tại mỗi nước, Tết cổ truyền lại có tên gọi khác nhau như: Lào - “Bun Pi May”, Campuchia - “Chol Chnam Thmey”, Thái Lan - “Songkran”, Myanmar - “Thing Yan”; Bangladesh - "Pohela Boishakh"; Sri Lanka - "Tamil"…
Tại buổi lễ, các đại biểu cùng tham gia những nghi lễ truyền thống nhằm gửi gắm những lời chúc may mắn, bình an cho năm mới như: lễ tắm tượng Phật...
...lễ buộc chỉ cổ tay...
...té nước cầu may…
…lễ hội sắc màu (holi)…
Chương trình còn mang đến nhiều tiết mục nghệ thuật truyền thống do các nghệ sĩ Việt Nam cùng cán bộ các đại sứ quán và lưu học sinh của các nước biểu diễn: tiết mục múa Neary Chea Chuol do Đại sứ quán Campuchia biểu diễn; trình diễn nhạc cụ mangdoline đến từ Đại sứ quán Myanmar; tiết mục múa Sabaidee Pimay đến từ Đại sứ quán Lào…
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội đã gửi lời chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng và hạnh phúc tới bạn bè quốc tế. Ông nhấn mạnh, Tết cổ truyền là dịp để gia đình, người thân sum họp, đoàn tụ. Tuy nhiên, do điều kiện công tác, nhiều bạn bè quốc tế phải đón Tết xa quê hương. Ông hy vọng, những nghi lễ, tiết mục mang đậm màu sắc văn hoá cổ truyền của mỗi nước trong chương trình sẽ giúp các bạn được sống trong không khí của ngày Tết cổ truyền trên quê hương mình.
Theo ông Nguyễn Ngọc Kỳ, thông qua những hoạt động hòa bình và hữu nghị được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội tổ chức thường xuyên, sự hiểu biết lẫn nhau sẽ ngày càng được tăng cường, tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam, nhân dân Thủ đô Hà Nội và nhân dân các nước trên thế giới sẽ ngày càng bền chặt. Ông khẳng định, Hà Nội sẽ luôn là ngôi nhà chung của tình hữu nghị, rộng mở cánh cửa chào đón bạn bè quốc tế.
Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama đánh giá cao Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội khi luôn tạo ra một bầu không khí thân thiện, ấm áp cho các đại sứ quán, đặc biệt là các nước châu Á cùng đón chào năm mới và tiễn năm cũ. Thông qua chương trình, ông đã có dịp tìm hiểu thêm về những nét văn hóa độc đáo của nhiều quốc gia. Đại sứ khẳng định, trong các cuộc giao lưu, tiếp xúc quốc tế, ông sẽ chia sẻ những trải nghiệm văn hóa quý báu có được tại Hà Nội và giới thiệu với người dân Palestine cũng như cộng đồng Ả Rập về tình hữu nghị nồng ấm của nhân dân Việt Nam.
(Ảnh: Đại sứ Saadi Salama (phải) thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay)
Sitthipphong Soutthivong (lưu học sinh Lào, sinh năm 2002), sinh viên năm tư, Khoa Tâm lý, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết: "Em đã sống và học tập tại Việt Nam được 4 năm và đây là năm thứ 3 em tham gia chương trình. Điều đặc biệt của năm nay là em được cùng các bạn tham gia chuẩn bị cho sự kiện, từ việc trang trí hoa cúc vạn thọ - loài hoa tượng trưng cho sự thịnh vượng và may mắn đến việc chuẩn bị nước thực hiện nghi lễ té nước. Mong rằng việc các nghi lễ truyền thống được tổ chức sẽ giúp các bạn lưu học sinh xa quê hương vơi bớt nỗi nhớ nhà và đem đến một năm mới bình an và tốt đẹp cho tất cả mọi người."
(Ảnh: Sitthipphong Soutthivong (thứ 2 từ trái sang) cùng các bạn chuẩn bị nước thực hiện nghi lễ té nước)
Thực hiện: Mai Anh
Ảnh: Đinh Hòa