Nông dân Lào phát triển kinh tế từ dự án nông nghiệp của Việt Nam
Đa dạng các dự án
Trước đây, 2ha đất ở cạnh khu vực biên giới Việt – Lào của gia đình anh Chũi Khay Nhạ Khăm (bản Phường, huyện Sê Pôn, tỉnh Savanakhet, Lào) để trống, vì không biết trồng cây gì.
Từ năm 2012, được sự tư vấn và hỗ trợ cây giống của những người nông dân ở khóm Duy Tân (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), anh Nhạ Khăm đã trồng hơn 900 gốc chuối. Đến nay, vườn chuối gia đình anh đã phát triển tốt, và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Đặc biệt, vườn chuối của anh Nhạ Khăm đem lại hiệu quả, được thương lái đến tận vườn thu mua nên được người dân trong bản Phường tin tưởng học theo, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Người dân khóm Duy Tân hỗ trợ cây giống cho người dân ở bản Phường. (Ảnh: Quảng Trị) |
Không chỉ hợp tác giữa các địa phương, nhiều doanh nghiệp, các bộ ban ngành của Việt Nam cũng đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động hợp tác nông nghiệp với các địa phương của Lào.
Cuối năm 2022, một đoàn chuyên gia nông nghiệp của Hội đồng khoa học kỹ thuật thuộc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền do TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới dẫn đầu đã sang các tỉnh của Lào như Khăm Muộn, Savanakhet, Champasak để nghiên cứu thực tế, nắm bắt tập quán canh tác của người dân. Đồng thời tiến hành lấy mẫu đất phân tích để làm cơ sở khoa học đề xuất các công thức phân bón và kỹ thuật.
Đoàn đã khảo sát mẫu đất ở Lào và đề xuất giải pháp kỹ thuật để triển khai một số mô hình trồng các cây trồng chủ lực của Lào, như: cây lúa (3ha) tại tỉnh Savanakhet, cà phê (2ha) tại tỉnh Champasak và một số cây trồng khác, như sắn (khoai mì), cây ăn quả... Các mô hình này phát triển tốt sẽ là cơ sở để những người nông dân Lào học tập và phát triển sản xuất.
Trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, Việt Nam đã hỗ trợ chuyển giao các mô hình và kỹ thuật canh tác cho Lào. Việt Nam cũng đang hoàn thiện các điều kiện để nhập khẩu những sản phẩm nông sản của Lào như: bưởi, chanh leo, xoài, cam…
Trong chăn nuôi, thú y, hai bên thường xuyên chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh động vật, biện pháp kiểm soát dịch bệnh và kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật giữa hai nước. Hai bên cũng phối hợp tổ chức thực hiện Thỏa thuận về việc thực hiện mô hình kiểm tra “một cửa - một lần dừng”. Cơ quan thú y hai bên thường xuyên trao đổi về công tác kiểm dịch vận chuyển trâu, bò giữa Lào và Việt Nam nhằm giảm thiểu nhập lậu và dịch bệnh lây lan qua biên giới hai nước.
Về thủy lợi, hai bên đã hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: triển khai các dự án thủy lợi sử dụng vốn viện trợ của Việt Nam; hỗ trợ Lào nghiên cứu lập quy hoạch thủy lợi; đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ thủy lợi của Lào; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng Luật Thủy lợi và các văn bản quy phạm pháp luật về thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi.
TS. Nguyễn Đăng Nghĩa thu mẫu đất ở Lào để nghiên cứu nhằm có giải pháp chuyển giao phương pháp canh tác nông nghiệp mới cho nông dân Lào. (Ảnh: Bình Điền) |
Lợi ích kinh tế đi lên cùng tình hữu nghị
Tại Hội nghị thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Lào tháng 2/2023, các chuyên gia nông nghiệp đều đồng tình với nhận xét cơ hội hợp tác giữa hai nước vẫn còn rất nhiều và tinh thần hợp tác là mang lại lợi ích cho nông dân cả hai nước. Việc hợp tác giữa nông nghiệp của Việt Nam - Lào không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn tạo không gian hòa bình, hữu nghị để cùng nhau phát triển, để nông dân biên giới hai nước ngày càng phát triển.
Theo Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan, hợp tác đầu tư phát triển nông nghiệp Việt Nam - Lào phải bắt đầu từ tư duy “thị trường xa là chúng ta đi bán, thị trường gần là tạo ra vùng nguyên liệu, nguồn hàng để cùng nhau đi bán”. Không gian kinh tế hiện nay không biên giới giữa tỉnh này và tỉnh kia, quốc gia này quốc gia kia, dòng chảy thị trường chính là do doanh nghiệp phát hiện lợi thế ở đâu.
Vì vậy cần kết hợp chặt chẽ giữa khâu sản xuất ở Lào với các đầu mối chế biến và xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Điều này sẽ góp phần đưa Lào trở thành một phần vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
Từ tư duy đi cùng nhau Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch - Đầu tư sẽ phối hợp xúc tiến thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam - Lào. Việc thành lập hiệp hội sẽ là kênh kết nối, thông tin để việc hợp tác đầu tư, phát triển, tổ chức hoạt động giao lưu, đầu mối quan trọng để gắn các hoạt động hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nông nghiệp theo nhu cầu của doanh nghiệp, phục vụ lợi ích của doanh nghiệp và người dân 2 nước.
Những năm qua, hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Lào được triển khai rộng khắp với nhiều thành tựu. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, trong thời gian từ 2017-2021, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Việt Nam triển khai 7 dự án với số vốn 254,1 tỷ đồng tại Lào. Trong đó, 3 dự án với số vốn 98 tỷ đồng đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng; 3 dự án được chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 với số vốn 152,6 tỷ đồng. Ba dự án đã hoàn thành được đánh giá là thiết thực, hiệu quả và góp phần đáng kể vào sự phát triển của đất nước Lào. Đó cũng là nền tảng góp phần củng cố thêm quan hệ hai nước, trở thành biểu tượng nổi bật của tình hữu nghị đặc biệt, hợp tác bền vững giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.