TP.HCM tìm giải pháp nâng cao công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài
Tạo điều kiện tốt người lao động và chuyên gia làm việc ở nước ngoài
Phát biểu tại hội nghị, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM cho biết, trong các chuyến công tác cộng đồng người Việt ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan … Ủy ban nhận thấy công tác kết nối giữa cơ quan Ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại với cơ quan quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động ở trong nước, các công ty xuất khẩu lao động trên địa bàn thành phố chưa phát huy hết hiệu quả trong công tác quản lý, bảo hộ công dân.
Công tác chuẩn bị các thông tin về văn hóa xã hội nước sở tại cho người chuẩn bị đi chưa đầy đủ. Công tác thông tin về tình hình người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước chậm được thông tin về cơ quan quản lý ở trong nước; năng lực của một số tổ chức, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu...
Qua hội nghị, bà Huỳnh Mai mong muốn thiết lập một kênh liên lạc hợp tác hiệu quả và bền vững giữa các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc quản lý và bảo vệ quyền lợi của người lao động, chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng thời, hội nghị để các kiều bào tại các nước, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người lao động, chuyên gia của thành phố có thể thăng tiến và phát triển tại thị trường nước ngoài.
"Những kinh nghiệm quốc tế được chia sẻ sẽ giúp chúng ta học hỏi, cải thiện chất lượng các chương trình và dự án liên quan đến công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài", bà Mai chia sẻ.
Trong khi đó, bà Huỳnh Lê Như Trang - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 70 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trước năm 2020, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp đã đưa từ 10.000-14.000 người đi làm việc ở nước ngoài; từ năm 2020 cho đến nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, các nước hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, do đó số lượng lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài giảm mạnh.
Thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động khoảng từ 15 triệu đến 28 triệu đồng; người lao động đi làm việc chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo, phần lớn là lao động phổ thông làm công việc giản đơn, số lao động có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm tỷ lệ chưa cao.
Quang cảnh hội nghị. |
Có chiến lược gắn đầu ra ngay từ đầu trong chính sách xuất khẩu lao động
Tại hội thảo, các kiều bào đã thảo luận tập trung các nội dung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; bảo vệ quyền lợi người lao động; xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề.
Ông Nguyễn Đức Minh - Phó Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, các doanh nghiệp đưa người lao động sang Nhật Bản phải thực hiện đúng pháp luật, thu phí đúng quy định. Các công ty phải tuyển chọn đúng người đúng đối tượng. Người lao động cần nâng cao trình độ tiếng Nhật, nâng cao kỹ năng, phải được giáo dục hiểu về pháp luật Nhật Bản.
Bà Tạ Thị Thanh Thúy, Bí thư thứ nhất, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cho rằng, trong thời gian tưới, thành phố cần đẩy mạnh hợp tác với đối tác Hàn Quốc trong đổi mới chương trình giảng dạy (chuyên môn và ngoại ngữ), bổ sung trang thiết bị chuyên ngành phục vụ thực hành; Đưa hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp phục vụ xuất khẩu lao động; Triển khai một số dự án thí điểm tại cơ sở đào tạo ngành nghề trọng điểm.
Trong khi đó, bà Lê Võ Phương Nga, Ngân hàng đầu tư quốc tế Credit Agricole (Pháp), cho rằng Chiến lược về công tác với chuyên gia tu nghiệp và lao động Việt Nam phải gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế xã hội đất nước và của thành phố, địa phương. Có chiến lược gắn đầu ra ngay từ đầu trong chính sách gửi ra nước ngoài các nguồn lực chuyên gia lao động này.
"Làm được những điều thiết thực trên thì chúng tôi tin rằng công tác phát triển người Việt nam ở nước ngoài là chuyên gia, tu nghiệp lao động, mới thực sự mang lại đòn bẩy quyết định cho sự phát triển của Thành phố, của đất nước. Đó là chìa khóa thành công của công cuộc xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao có kinh nghiệm quốc tế, trở thành mắt xích trong việc gắn liền phát triển kinh tế xã hội của thành phố của đất nước", bà Nga chia sẻ.
Ông Đinh Hữu Quang, Người Việt ở Úc, cho rằng, cần đẩy mạnh hơn các chương trình hợp tác quốc tế về lao động, đào tạo nguồn nhân lực. Chúng ta cần học hỏi nhiều hơn từ kinh nghiệm của Philippines, Indonesia trong việc quản lý và hỗ trợ công dân ở nước ngoài. Các chương trình hợp tác đa phương với các nước tiếp nhận lao động cũng cần được khuyến khích. Đặc biệt cần chú trọng các hoạt động nhằm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho người lao động, nhất là đối với nhóm lao động phổ thông.
Bên cạnh đó, theo ông Quang, các trung tâm, hiệp hội người Việt tại nước ngoài cũng cần đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng, tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên. Điều này giúp củng cố tinh thần đoàn kết dân tộc, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn các bạn trẻ tránh xa các hoạt động vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội.