"Nội dung là Vua, nhưng công nghệ cũng là Nữ hoàng”
Nhà báo Lê Quốc Minh được giới báo chí, truyền thông biết đến tên tuổi với tư cách là người đứng đầu của tờ Vietnamplus, tờ báo điện tử có nhiều đột phá và tiên phong trong việc áp dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả, trong đó phải kể đến bản tin Rap News - là một sản phẩm độc đáo của Vietnamplus gây tiếng vang ở trong nước và quốc tế năm 2013. |
Chia sẻ về áp dụng công nghệ tại các tòa soạn báo điện tử Việt Nam, phóng viên báo Thời Đại đã có cuộc trao đổi với nhà báo Lê Quốc Minh (hiện tại đang giữ vị trí Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) về vấn đề này.
- Thưa ông Lê Quốc Minh, là một người làm báo giàu kinh nghiệm, nhất là ở lĩnh vực áp dụng công nghệ vào báo điện tử để đáp ứng tối đa nhu cầu trải nghiệm của độc giả, ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển của báo chí Việt Nam trong việc áp dụng công nghệ vào báo điện tử?
Báo chí trên thế giới đã bước qua thời kỳ chạy theo lượng truy cập mà chuyển sang giai đoạn tăng tương tác với độc giả, và thậm chí đã đến giai đoạn thứ 3 là tập trung tạo dựng sự trung thành của độc giả, bởi các chuyên gia đã chỉ ra rằng nguồn thu từ độc giả mới là nguồn thu bền vững. Trước đây, doanh thu quảng cáo của nhiều tờ báo in trên thế giới thường chiếm tới 80-85% nhưng hiện tại, doanh thu từ độc giả đã vượt doanh thu quảng cáo. Việc thu phí báo điện tử - một thời được coi là bất khả thi trên môi trường Internet và nhiều báo không dám áp dụng vì sợ giảm sút lượng truy cập - thì nay đã trở nên phổ biến ở khắp nơi. Đương nhiên, nhiều cơ quan báo chí trên thế giới có những hình thức kiếm tiền đa dạng khác, từ tổ chức sự kiện, liên kết với các thương hiệu, cho đến sản xuất các chương trình video hoặc podcast, thậm chí làm thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, v,v…
Việc áp dụng công nghệ hiện đại trong báo điện tử trên thế giới đang được thực hiện vô cùng nhanh chóng với quy mô lớn. Ngay từ năm 2018, rất nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đã xác định rõ những xu hướng công nghệ mà họ bắt buộc phải áp dụng trong tương lai gần, ví dụ như chatbot, trí tuệ nhân tạo, trợ lý cá nhân kích hoạt bằng giọng nói, thực tế ảo, tìm kiếm bằng hình ảnh và Internet vạn vật.
Tại Việt Nam, một số đơn vị năng động và có công nghệ trong tay đã tận dụng được xu hướng sản xuất nội dung có tài trợ (branded content) khá tốt, nhưng đa phần các cơ quan báo chí khác vẫn khá bế tắc trong bối cảnh nguồn thu quảng cáo giảm sút, không chỉ với báo in mà cả truyền hình và báo điện tử.
Cách thức làm báo điện tử ở Việt Nam những năm qua hầu như không thay đổi, vẫn là tìm cách tăng lượng truy cập để trông mong vào nguồn thu quảng cáo, và để thu hút sự quan tâm của người đọc thì rất nhiều báo chạy theo loại tin gây sốc, đua tranh bằng những nội dung có các từ khóa đang hút người đọc tới mức phản cảm, nhiều khi thiếu kiểm chứng hoặc thậm chí đăng thông tin sai.
Tệ hơn là có những báo đăng nhầm cả tin giả (fake news), gây hoang mang trong công chúng. Rất ít cơ quan báo chí ở Việt Nam thực sự tìm tòi áp dụng những công nghệ làm báo điện tử hiện đại phù hợp xu hướng của thế giới, nhiều báo điện tử ở Việt Nam thực chất vẫn hoạt động như báo giấy, đăng tải một bài viết dưới dạng thông tin văn bản và gắn thêm một vài ảnh, video mang tính minh họa mà thôi. Ngay như xu hướng làm báo bằng thiết bị di động (mobile journalism) trở nên phổ biến cả chục năm qua và ở Việt Nam cũng đã có rất nhiều chương trình đào tạo về các kỹ năng này thì việc áp dụng trong các tòa soạn cũng nửa vời, chưa nói đến những loại hình khác như báo chí dữ liệu, hay xu hướng sử dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường và phức tạp hơn là trí tuệ nhân tạo.
- Theo ông, hiện nay việc áp dụng các công nghệ để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của độc giả tại Việt Nam đã thỏa mãn được nhu cầu của độc giả hay chưa? Nhu cầu độc giả đọc tin tức của Việt Nam có gì khác với thế giới?
Độc giả Việt Nam dường như khá dễ dãi nên “có sao dùng vậy.” Một bộ phận độc giả, cũng giống như độc giả bất kỳ đâu trên thế giới, thích những loại thông tin gây sốc, tin đồn về người nổi tiếng rồi sau khi đọc trên báo hoặc trên mạng xã hội thì chia sẻ với người thân và bạn bè thông qua các kênh khác nhau. Chuyện này là hết sức bình thường. Nhưng báo chí với vai trò là kênh cung cấp thông tin thiết yếu giúp độc giả có thể định hướng cho cuộc sống và công việc của họ, thậm chí báo chí phải có nhiệm vụ cung cấp kiến thức, nâng cao dân trí, tuyên truyền chính sách thì không chỉ sản xuất những nội dung mà độc giả muốn.
Trong bối cảnh người dùng có quá nhiều cách thức tiếp cận thông tin trên Internet bao la chứ không chỉ tìm đến với báo chí như trước kia, các cơ quan báo chí bắt buộc phải đổi mới về nội dung, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại và tăng cường tính sáng tạo để làm cho những nội dung trên báo chí trở nên hấp dẫn và phù hợp với sự thay đổi trong hành vi tiêu thụ thông tin của người dùng. Nếu không làm được điều đó thì báo chí sẽ mất độc giả, thậm chí đẩy độc giả đến với những kênh thông tin không chính thống, thậm chí độc hại. Tôi cho rằng cách thể hiện nội dung trên báo điện tử ở Việt Nam vẫn còn khá đơn giản và số lượng những cơ quan báo chí áp dụng những cách thức làm báo hiện đại còn quá ít, với những độc giả khó tính và mong muốn thu nạp nhiều kiến thức, thông tin từ báo chí thì khó có thể nói rằng họ đã hài lòng.
- Thời gian làm Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus, ông đã có nhiều cải tiến và tiên phong trong lĩnh vực áp dụng công nghệ báo chí, Rap News là một ví dụ. Ông có thể chia sẻ với Thời đại về việc từ ý tưởng đến quá trình triển khai đồng bộ đã gặp những khó khăn và trải nghiệm đáng nhớ nào không?
Cuối tháng 5/2013, tôi tham dự một hội thảo báo chí ở Montpellier (Pháp). Ngoài việc tham gia thuyết trình tại 2 phiên về mobile news và kinh doanh báo chí trên nền tảng di động cũng như mạng xã hội, tôi tranh thủ dự nhiều phiên thảo luận khác. Vì cùng một lúc diễn ra nhiều sự kiện, mỗi người buộc phải chọn vấn đề mình quan tâm hơn, và “báo chí sáng tạo” là một phiên tôi chọn lựa để sau này không phải hối tiếc vì RapNewsPlus ra đời từ đó.
Có một nhóm đến từ Senegal trình bày về ý tưởng vận động chính trị bằng nhạc rap, sau đó đưa lên mạng xã hội với tên gọi Journal Rappé. Cũng không có nhiều người tại hội thảo quan tâm đến ý tưởng này, và tôi là một trong số ít đến trò chuyện với họ sau đó, thậm chí xin các file hình để về nghiên cứu.
Trở về Việt Nam, ngay từ đầu tháng 7/2013, tôi đồng thời triển khai 2 ý tưởng học hỏi được từ hội thảo tại Pháp. Một ý tưởng khác mà tôi chắc chắn là rất hiệu quả thì sau nhiều cuộc trao đổi, bàn bạc nội bộ rốt cục phải gác lại vì lý do khách quan, khi mà nhân vật chúng tôi nhắm tới để thực hiện không còn phù hợp. Ngay cả ý tưởng bản tin bằng nhạc rap ban đầu cũng cho thấy nhiều bất cập bởi bản tin quá nặng nề với các vấn đề chính trị-xã hội và quá dài. Tôi quyết định thay đổi toàn bộ concept, rút gọn từ 12-15 phút như trong clip của đồng nghiệp Senegal còn khoảng 4 phút; tôi cũng không muốn cách trình diễn và lời rap nghiêm túc quá, trái lại phải dí dỏm nhưng không được suồng sã. Tôi cũng cho rằng trong mỗi bản tin cần có một câu hoặc ít nhất là một cụm từ gây chú ý, dễ nhớ. Việc cuối cùng làm tìm một ban nhạc rap với tiêu chí “chất lượng nhưng chưa nổi tiếng.”
Nhờ mối quan hệ trong giới âm nhạc, tôi được giới thiệu 3 nhóm nhạc. Việc thẩm định và phỏng vấn trực tiếp khá đơn giản để đi đến lựa chọn cuối cùng – đó là ba chàng trai hát rap chuyên nghiệp nhưng đều có một công việc khác: một người là kỹ sư cầu đường, một là nhân viên kinh doanh và người còn lại là sinh viên. Tốc độ được đẩy nhanh vào giữa tháng 10 bởi chúng tôi muốn số đầu tiên ra mắt đúng dịp lễ kỷ niệm 5 năm báo điện tử VietnamPlus hiện diện trên mạng Internet.
Rap News- một sản phẩm nổi bật trong việc áp dụng công nghệ và thay đổi hình thức thể hiện trong báo chí điện tử của Vietnamplus. |
Đúng 24 giờ trước khi diễn ra lễ kỷ niệm, tức là khoảng 3 giờ chiều ngày 12/11/2013, tôi đăng tải clip đầu tiên lên YouTube, sau đó chia sẻ trên Facebook và... hoàn toàn quên chuyện này, coi đó như bất kỳ một cái status nào trên mạng xã hội. Mục đích của tôi là thăm dò phản ứng của người dùng, nếu trên 65% người xem thấy thích thì sẽ triển khai chính thức, nếu không sẽ chỉ làm vài số cho khác lạ mà thôi. Khoảng 7 giờ tối, thông tin bàn tán xung quanh clip này như một cơn bão trên mạng xã hội và kéo dài đến tận ngày hôm sau – người ta chia sẻ, đăng lại, thậm chí có ngay bài báo về hiện tượng rap news, kèm theo những câu bình luận như “có thực sự đây là sản phẩm của Thông tấn xã Việt Nam?” Khi đứng trên sân khấu giới thiệu về giao diện mới cũng như những tính năng mới của VietnamPlus vào ngày hôm sau, bản RapNewsPlus đầu tiên đã có nửa triệu người xem trên YouTube, Facebook cũng như nhiều website chia sẻ nội dung. Nó có thêm nửa triệu người xem sau 24 giờ tiếp theo đó.
Sau những số đầu tiên, bản tin thời sự bằng nhạc rap gây ra khá nhiều tranh cãi. Không ít người tuyên bố rằng họ không thích nhạc rap nên không chấp nhận được cách đưa tin này. Có người thì nhận xét khá căng thẳng rằng những nội dung thương đau như số người tử vong do lũ lụt thì không thể được thể hiện bằng cách hát. Có những người lên mạng “mắng mỏ” rằng nhạc rap là thứ nhạc đồi trụy. Song ngay từ đầu, nhóm đối tượng mục tiêu của bản tin này là người trẻ từ 15 đến 25 tuổi, nên đánh giá của họ mới thực sự là điều chúng tôi quan tâm. Và kết quả, nhận xét của giới trẻ trên mạng xã hội là cứ 1000 người “like” thì mới có 1-2 người “dislike” – tỷ lệ lên tới 99,9%. Nhưng không vì được nhiều người ủng hộ mà chúng tôi chủ quan, cứ vài số chúng tôi lại phải tìm cách đổi mới: có thêm khách mời như diễn viên hài Chí Trung, ca sĩ Hà Linh, đôi khi thêm phần điệp khúc như bài hát, có lúc các rapper sử dụng trang phục lạ mắt hơn, v,v...
Một trong những sự kiện đáng nhớ là lần làm số đặc biệt về Biển Đông vào cuối tháng 5/2014. Khi đó tôi đang đi công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ thì một biên tập viên trong êkíp nói rằng một số bạn bè người nước ngoài rất thích bản tin này nhưng không hiểu nội dung. Trao đổi qua điện thoại đường dài, chúng tôi quyết định sẽ làm thêm phần phụ đề bằng các ngữ khác. Điều đặc biệt là chúng tôi sử dụng mô hình “crowdsource” – kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trên mạng xã hội. Vậy là sau 10 ngày kể từ khi ra bản tiếng Việt, số đặc biệt này có thêm bản tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha. Một tuần sau đó, nó được hoàn thiện với 5 phụ đề ngữ mới gồm tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Italy, tiếng Hàn, tiếng Bahasa (Malaysia) và tiếng Nga, rồi đến cuối tháng 6 có thêm bản tiếng Arab. Tổng cộng là 12 ngôn ngữ. Tôi cho rằng đây là một trong những sản phẩm thông tin đối ngoại rất thú vị, và hiệu quả rõ ràng đo đếm được qua số lượt xem. Bản rap news độc đáo này đã đoạt giải nhất Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2014.
Sản phẩm RapNewsPlus thì đoạt giải nhất thuộc hạng mục đặc biệt ‘Digital First’ trong khuôn khổ Giải thưởng Độc giả trẻ Thế giới của Hiệp hội các Nhật báo và Nhà xuất bản Tin tức Thế giới (WAN-IFRA), được trao cuối năm 2014 tại Bali, Indonesia.
RapNewsPlus, một sản phẩm báo chí sáng tạo của báo điện tử Vietnam Plus thuộc Thông tấn xã Việt Nam, đã đoạt giải thưởng quan trọng của Hiệp hội Các nhật báo và nhà xuất bản tin tức Thế giới (WAN-IFRA), tại Hội nghị Thượng đỉnh Độc giả trẻ Thế giới và Ý tưởng sáng tạo (World Young Reader Summit and Ideathon) của WAN-IFRA, (Bali, Indonesia). Giải thưởng dành cho Vietnam Plus là giải nhất thuộc hạng mục đặc biệt “Digital First”, tôn vinh nhà xuất bản tin tức đã có biện pháp sáng tạo để lôi kéo sự tham gia của giới trẻ thông qua điện thoại di động, máy tính bảng và các thiết bị điện tử khác. RapNewsPlus có tần suất 2 tuần/lần, truyền tải những thông tin nghiêm túc bằng cách diễn đạt dí dỏm, nhẹ nhàng thông qua nhạc rap. RapNewsPlus đã được giới thiệu trên nhiều báo, kênh phát thanh truyền hình của Việt Nam, và xuất hiện cả trên các kênh báo chí quốc tế như BBC, The Guardian (Anh), VOA (Mỹ), Deutsche Welle (Đức). |
- Công nghệ có thể ưu việt, nhưng nội dung của một tờ báo mới là quan trọng nhất. Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này? Theo ông thì công nghệ sẽ chiếm bao nhiêu % trong tỷ lệ thành công của một tòa soạn?
Hiện nay, báo chí không thể tách rời công nghệ. Người ta nói “Nội dung là Vua” nhưng giờ đây “Công nghệ là Nữ hoàng.” Nếu biết ứng dụng hiệu quả, tôi cho rằng, công nghệ đóng góp không ít hơn 50% vào thành công của báo chí trong việc tiếp cận độc giả. Công nghệ giúp toàn bộ quy trình phát hiện thông tin, thẩm định thông tin và đăng tải thông tin được nhanh chóng.
Hiện nay, người ta còn dùng công nghệ blockchain để giúp kiểm chứng thông tin (fact-check) và giải quyết vấn đề thanh toán của độc giả trả phí hoặc cộng tác viên viết bài. Công nghệ cũng giúp cho nội dung phức tạp và chuyên sâu trở nên hấp dẫn và dễ hiểu. Hãng tin Mỹ AP tuyên bố rằng đến cuối thập kỷ này, máy móc sẽ viết 80% số tin mà hãng này sản xuất, nhờ đó các nhà báo không phải mất thời gian vào những công việc tỉ mỉ, họ có thể tập trung vào các bài phân tích, bình luận, phóng sự điều tra… Cũng có nhiều nghiên cứu cho thấy công nghệ có thể giúp xử lý khối lượng tài liệu lớn và phát hiện những điều bất thường làm manh mối cho một bài viết mà phóng viên bằng xương bằng thịt khó có thể làm được. Ngay như công việc xử lý bình luận của độc giả dưới mỗi bài viết hoặc trên Facebook, nhiều tờ báo nổi tiếng như New York Times, Washington Post đang sử dụng chatbot chứ các biên tập viên không thể xử lý nổi số lượng lớn comment mỗi ngày.
Các cơ quan báo chí lớn ngày càng nhận rõ vai trò của công nghệ trong quá trình tác nghiệp, thậm chí họ còn thay đổi cả tư duy vận hành và tư duy tác nghiệp. Ví dụ rõ nhất chính là Washington Post: kể từ khi thuộc về sở hữu của ông chủ Amazon Jeff Bezos, tờ báo này đã phát triển vô cùng mạnh mẽ và đã có lợi nhuận. New York Times cũng là tờ báo dẫn đầu thế giới với rất nhiều sáng tạo kết hợp giữa nội dung và công nghệ. Có thể kể ra thêm rất nhiều mô hình hiệu quả ở Châu Âu như các tờ báo ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha và đặc biệt là các nước Bắc Âu. Ở Châu Á cũng chứng kiến sự phát triển theo hướng này của các hãng truyền thông tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong… Không có sự hỗ trợ của công nghệ, một tờ báo lớn có thể thua kém một blogger cá nhân về mức độ lan tỏa. Mới đây, tờ báo South China Morning Post ở Hong Kong đã tuyên bố rằng họ là một công ty truyền thông-công nghệ chứ không đơn thuần là một cơ quan báo chí. Điều đó chứng tỏ vai trò của công nghệ lớn ra sao trong báo chí hiện đại.
- Để “bắt trend” công nghệ của báo chí nước ngoài, các tòa soạn báo ở Việt Nam cần làm gì để có thể nhanh chóng hòa nhập vào cuộc chơi báo chí thời 4.0?
Tôi thấy nhiều người nói đến cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng không hiểu rõ về khái niệm này, đặc biệt là trong báo chí. Nói đến 4.0 là nói đến trí tuệ nhân tạo, là Internet vạn vật, và rất rất ít cơ quan báo chí ở Việt Nam hiện nay nhận thức đúng đắn để có những đầu tư theo hướng này. Ngay cả những cách làm báo hiện đại rất phổ biến trên thế giới hiện nay như là báo chí dữ liệu, sử dụng thực tế ảo hoặc thực tế tăng cường cho các sản phẩm báo chí, hoặc các sản phẩm đa phương tiện kết hợp thông tin văn bản với ảnh, video, đồ họa tương tác thì cũng không nhiều tòa soạn ở Việt Nam có khả năng triển khai, cơ bản vì thiếu đội ngũ công nghệ phối hợp ngay trong tòa soạn.
Tháng 11/2018, VietnamPlus là cơ quan báo chí chính thống đầu tiên ở Việt Nam sử dụng chatbot để tăng cường tương tác với độc giả. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến chatbot này và áp dụng cho nhiều website tin tức khác của ngành. Thông tấn xã Việt Nam thời gian qua cũng đầu tư nghiên cứu và bắt tay với các đối tác để có những sản phẩm như máy dịch tự động, phần mềm soát lỗi chính tả tự động, hệ thống tự nhận âm thanh người được phỏng vấn và chuyển thành nội dung văn bản và tự động làm phụ đề cho video, v,v… Chúng tôi cũng đang trao đổi với một số đối tác nước ngoài để tham khảo các hệ thống robot viết báo của họ.
“Nếu biết ứng dụng hiệu quả, công nghệ đóng góp không ít hơn 50% vào thành công của báo chí trong việc tiếp cận độc giả”. |
Nói chung, nhắc tới công nghệ báo chí hiện đại thì phải đề cập đến vai trò của lãnh đạo cơ quan báo chí, bởi chỉ có họ mới có quyền quyết định đầu tư sao cho bắt kịp xu hướng và thậm chí đi trước được xu hướng. Tôi thấy tổng biên tập của nhiều tờ báo lớn trên thế giới đều khá lớn tuổi nhưng họ rèn luyện được năng lực thay đổi tư duy nhanh, nắm bắt được xu hướng phát triển của báo chí hiện đại để định hướng chiến lược đúng đắn cho tờ báo.
Tuy nhiên, người làm báo vẫn luôn phải tuân thủ những nguyên tắc “bất di bất dịch” của nghề như thông tin trung thực, chính xác, khách quan, công bằng, luôn thẩm định nguồn tin… Cái khó của báo chí hiện đại là phải cân bằng giữa tốc độ nhanh, nội dung hấp dẫn, tạo được nguồn thu mà vẫn giữ được những nguyên tắc cơ bản của nghề báo.
-Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Nhà báo Lê Hồng Kỹ: "Xử lý tin giả giống như gỡ bom" Vấn nạn tin giả lâu nay vốn là một cái bẫy nguy hiểm với báo chí và công chúng. Thông thường, những thông tin này ... |
Mong báo chí luôn đồng hành, sát cánh cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã bày tỏ mong muốn như trên trong buổi gặp mặt các ... |
Lời chúc ngày Nhà báo Việt Nam hay và ý nghĩa nhất Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 đang đến rất gần, cùng gửi những lời chúc ngày Nhà báo Việt Nam hay và ý ... |
Bạo lực tâm lý nhìn từ bức hình đoạt giải "Ảnh báo chí thế giới 2019" Giải "Ảnh báo chí thế giới năm 2019" đã lựa chọn bức hình một bé gái 2 tuổi đứng khóc khi nhân viên tuần tra ... |
Infographic: Toàn cảnh báo chí sau quy hoạch Thông tin mới nhất, toàn diện nhất về bức tranh toàn cảnh báo chí sau quy hoạch vừa được Thủ tướng phê duyệt. |