Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là ngày gì? Nguồn gốc và ý nghĩa ngày 21/6
Ngày 21/6 là ngày gì?
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là ngày để tôn vinh, tri ân những nhà báo đã đóng góp tâm sức vì một nền báo chí nước nhà vững mạnh, đưa đến độc giả những bài báo phản ánh chân thực các vấn đề đời sống, văn hóa, xã hội, những câu chuyện truyền cảm hứng và những tấm gương đáng tôn vinh. Hàng năm vào ngày 21/6 các hoạt động kỷ niệm, chào mừng diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Cũng vào ngày này, các cuộc thi báo chí với những sản phẩm chất lượng của các phóng viên, nhà báo được phát động, Ngày 21/6 không đơn thuần là ngày kỷ niệm mà còn là dịp để những người làm báo nhìn lại những thành tựu, để thêm tự hào và niềm tin, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp báo chí cách mạng. Cùng ngược dòng lịch sử, tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày 21/6 để hiểu thêm về ngày kỷ niệm đặc biệt này.
Nguồn gốc ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam?
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỉ 19 đã có một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ 20, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất. Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành.
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là ngày kỉ niệm ra đời của báo "Thanh niên" do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập 21/6/1925. |
Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nói khái quát là báo Thanh niên mở đầu cuộc Cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc mình lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh…
Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội "Những người viết báo Việt Nam" (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.
Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.
Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.
Ngày 21/6/2000, nhân kỉ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Ý nghĩa ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6?
Với nhiều người, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 có ý nghĩa quan trọng và to lớn. Nhìn lại tiến trình phát triển của nền báo chí nước nhà, có thể thấy nền báo chí vẫn đang phát triển khá nhanh cả về chất lượng lẫn số lượng.
Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.
Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nêu gương người tốt việc tốt. Báo chí cũng đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của các nước trên thế giới, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa xấu len lỏi vào Việt Nam.
Ngày 21/6 cũng là dịp để những người làm báo nhớ về lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tác động to lớn của báo chí, Người coi “Văn hóa là một mặt trận”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trong điện gửi Hội Nhà báo Á - Phi (1965), Bác Hồ viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”; “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư”.
Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, phẩm chất đạo đức, năng lực của người làm báo là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước. Tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Bác dạy: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”. Đến Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Bác lại nói: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đạo đức đó là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”.
Xem thêm:
Hành trình Thiện Nhân: Từ cậu bé bị bỏ rơi đến nụ cười tỏa nắng sau 13 năm 13 năm kể từ ngày bị bỏ rơi trong vườn hoang với tình trạng một chân phải và bộ phận sinh dục bị mất, Thiện Nhân ... |
Chuyện cổ tích có thật về người thầy nhận nuôi cậu bé tí hon 10 tuổi nặng 3,9 kg Câu chuyện về người thầy đã cưu mang chăm sóc cậu bé tí hon 10 tuổi chỉ nặng 3,9 kg thực sự gây xúc động ... |
Quỳ không chết, con hư mới chết! Quỳ một lần để sám hối cái sai không chết được, chỉ sợ dung túng cho con trước cái sai, từ đó sinh ra cái ... |