Xử lý tin giả giống như... gỡ bom!
Tin tức giả gây ra nhiều hệ lụy khôn lường. |
Tháng 11/2018, vụ việc họa sỹ Lê Minh Châu được khắc tên trên Đại lộ danh vọng là một ví dụ điển hình về tin giả. Câu chuyện bắt nguồn từ việc phóng viên bỏ qua kỹ năng nghề nghiệp của mình (gọi điện, gửi email cho nhân vật, ghi âm, ghi hình, phỏng vấn trực tiếp nhân vật…), phóng viên của một tờ báo lớn đã lấy lại bức ảnh của họa sỹ này đăng lên facebook và đăng tin họa sỹ Lê Minh Châu được khắc tên trên Đại lộ danh vọng, để rồi sau đó các báo khác nhanh chóng lên tin đồng loạt, rồi gỡ và xin cáo lỗi vì... tin giả.
Họa sĩ Lê Minh Châu với hình ảnh gây hiểu lầm là được khắc tên trên đại lộ Danh vọng. |
Bẫy tin giả đến từ mạng xã hội và nhiều kênh thông tin trực tuyến khác, bất kể ở một kênh truyền thông nào từ nhỏ đến lớn, từ tin tức tích cực đến tiêu cực, độc giả đều có thể "bị" xem - đọc các tin giả, các nguồn tin không được kiểm chứng.
Nếu coi báo chí là một doanh nghiệp và độc giả - khán giả là khách hàng (người tiêu dùng) thì tin giả như một "cú lừa" của doanh nghiệp với người tiêu dùng, khi bằng hình thức trực tiếp hay gián tiếp khách hàng bỏ tiền ra để mua sản phẩm (tin tức) của doanh nghiệp, thì lại nhận được một "miếng thịt ôi" không rõ nguồn gốc hoặc được dãn nhãn bừa, ẩu trong khâu kiểm định.
Bàn về vấn nạn tin giả, nhà báo Lê Hồng Kỹ (Tổng thư ký các chuyên trang của báo Pháp luật& Xã hội) đã có những góc nhìn và gợi ý ứng phó với tin giả, với kinh nghiệm 15 năm làm báo lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp và thường xuyên tiếp xúc, xử lý các tin giả. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với anh về chủ đề này:
-Tôi có theo dõi các bài viết của anh trên trang cá nhân, anh viết rất nhiều các bài viết liên quan đến kiểm định nguồn tin và cách xử lý tin giả. Với kinh nghiệm của anh thì làm cách nào để nhận biết đó là một tin giả?
Tin giả thực sự là một vấn nạn, với sự phát triển của mạng xã hội (MXH) và khả năng lan tỏa thông tin gần như không giới hạn của truyền thông xã hội thì tin giả ngày càng luồn lách sâu vào đời sống thông tin của chúng ta.
Ngoài những tin giả được tung ra một cách vô tình, bất cẩn thì hiện nay tin giả đã trở thành một nghề kiếm tiền ở trên MXH. Thông qua những nền tảng MXH và mạng chia sẻ như Youtube hay Facebook, người dùng có thể cố tình tạo ra những tin giả đáng chú ý để qua đó thu hút sự chú ý, thu hút quảng cáo, lượng like, lượng follow. Những cá nhân cũng có thể tung tin giả chỉ với mục đích gây sự chú ý và tạo ra sự xôn xao trong cộng đồng, như một cách thể hiện quyền lực, gây sự chú ý cho cá nhân. Chính vì vậy mà tin giả ngày càng trở nên tinh vi và khó phân biệt.
15 năm làm nội dung và trải nghiệm nhiều tình huống, nhiều bài học - chính điều này đã tạo cho tôi một linh cảm để tôi có thể phán đoán được phần nào tính chính xác của một thông tin được tung ra trên các kênh truyền thông.
Thông thường, tin giả sẽ là những tin rất sốc, tréo nghoe, khác thường, hậu quả nghiêm trọng. Trước những thông tin như vậy, như một bản năng, tôi thường đặt câu hỏi đầu tiên về tính chính xác của thông tin.
Rất khó để mô tả linh cảm này bởi tin giả gắn với nhiều kịch bản, diễn biến sinh động khác nhau. Nhưng nhìn chung, chúng ta cần tạo cho mình một bộ lọc, phải biết hoài nghi về thông tin, không tiếp nhận thông tin một cách vô thức và mặc nhiên coi đó là đúng. Kinh nghiệm là thứ mà chúng ta phải trải qua, phải chiêm nghiệm, vì thế sẽ không có “chuẩn mực” trong kinh nghiệm, vì mỗi người đều có kinh nghiệm khác nhau.
Tin giả ngày càng trở nên tinh vi và khó phân biệt. |
-Theo anh, để xử lý một nguồn tin, phóng viên - nhà báo cần tiếp cận nguồn thông tin đó ở những khía cạnh nào?
MXH là một kênh cung cấp thông tin rất đa dạng và phong phú, trong đó có rất nhiều thông tin dành cho báo chí. Tuy nhiên trong đó cũng sẽ xen lẫn nguy cơ về tin giả. Do đó, không chỉ cá nhân phóng viên, nhà báo mà cả tập thể tòa soạn cần có kỹ năng, có chế, sàng lọc, xác minh, xử lý thông tin để không rơi vào bẫy tin giả. Ngoài những kinh nghiệm, linh cảm cá nhân và tư duy hoài nghi, thì mỗi tòa soạn nên có quy trình xác minh thông tin. Những thông tin sốc, quan trọng thì mức độ kỷ luật trong quy trình xác minh càng phải được đề cao, như một nguyên tắc bất di bất dịch. Khi tiếp cận được một thông tin, dù sốt dẻo và thúc giục đến mấy thì việc của một tòa soạn phải là xác tín thông tin.
Tôi không muốn nhắc đến chuyện kiểm chứng tin giả như một bài học “vỡ lòng” cho mọi phóng viên, nhà báo, tuy nhiên thực tế nó là như vậy. Chúng ta phải dùng các phương tiện, kỹ năng, mối quan hệ nghề nghiệp để xác minh thông tin qua các hình thức khác nhau: phỏng vấn chính nhân vật liên quan, phỏng vấn cơ quan chức năng, tiếp cận hiện trường,… Đặc biệt nhấn mạnh yếu tố hiện trường, bởi vì hiện trường là những thứ mà chúng ta trực tiếp tai nghe mắt thấy, trực tiếp ghi nhận, lưu giữ bằng chứng mà không ai có thể lừa dối được.
Phỏng vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại sẽ giúp phóng viên có sự an toàn nhất định, giảm yếu tố trách nhiệm trong đó, bởi vì nó có sự xác nhận hay phủ nhận. Tuy nhiên, bản thân sự xác nhận hay phủ nhận đó nó đã chắc chắn là sự thật hay chưa, thì sự thực là chưa đủ, dù chúng ta có hai chiều hay nhiều chiều đối với một thông tin thì yếu tố nhìn thấy, ghi nhận mới chính là yếu tố đảm bảo nhất. Trong trường hợp này, với vai trò là một người biên tập, tôi luôn yêu cầu phóng viên trong mọi điều kiện có thể phải trực tiếp đến hiện trường để ghi nhận, “nhìn thấy” thông tin đó.
-Tin giả, thông tin sai sự thật, thông tin chưa kiểm chứng thường có tính lan truyền rất nhanh, dưới góc độ là người tiếp nhận, độc giả cần có những kỹ năng như thế nào để không rơi vào bẫy tin giả?
Dưới góc độ độc giả, hay cả nhà báo đều có những điểm chung, đều là những người tiếp nhận và sống trong dòng chảy của thông tin. Bẫy tin giả có thể được giăng ra với nhà báo thì cũng có thể được giăng ra với độc giả, vì vậy tôi nghĩ kỹ năng vẫn tập trung ở tư duy hoài nghi và linh cảm.
Ngoài ra, các cơ quan thông tấn báo chí chính thống cũng đã là một bộ lọc tương đối tốt để độc giả có những thông tin xác tín. Độc giả nên tìm đến những tờ báo uy tín để giảm thiểu nguy cơ tiếp nhận thông tin sai sự thật và rơi vào bẫy tin giả.
Có một thực tế là những thông tin chưa được kiểm chứng trên MXH thường sẽ nhanh hơn và cuốn hút hơn, do đó độc giả cần có thêm đặc tính là sự kiên nhẫn và một chút tư duy phản biện. Thay vì vội tin, vội chia sẻ hay vội bình luận một thông tin nào đó chưa chắc chắn, độc giả nên chờ đợi và tìm kiếm những nguồn tin chính thống và đã được kiểm chứng uy tín để không mất thời gian và bị đánh lừa rồi vô tình tiếp tay trong việc truyền thông tin giả. Chúng ta cũng có thể sử dụng chính tư duy logic của cá nhân để tự nhận ra những điểm hở trong tin giả. Đa phần các tin giả sẽ có điểm vô lý nào đó, mà nếu trầm tĩnh suy nghĩ và phản biện, chúng ta sẽ nhìn thấy.
Nhà báo Lê Hồng Kỹ. |
-Dấu ấn đáng nhớ của anh về tin giả mà anh từng là người trong cuộc hoặc phải xử lý?
Xử lý tin giả là một trách nhiệm của người làm báo, do đó tôi không nghĩ xử lý tin giả là một dấu ấn đáng nhớ của cá nhân hay nghề nghiệp, mà phải coi đó là yêu cầu bắt buộc. (Box)
Tôi lấy ví dụ để có thể tham khảo trong việc tránh bẫy tin giả. Đó là vừa rồi có rộ lên một tin đồn là một nam sinh lớp 10 làm cho 4 nữ sinh mang bầu. Cũng như đại đa số những người tiếp nhận thông tin này, tôi cũng thấy đây là một thông tin rất sốc, rất gây hiếu kỳ, tuy nhiên với linh cảm và tư duy hoài nghi của mình, ngay lập tức tôi đặt câu hỏi ngược lại: Tại sao lại có những tình tiết vô lý đến vậy, bốn cô bạn gái cùng có bầu trong vòng một tháng?
Tin giả vụ nam sinh làm 4 nữ sinh có bầu gây xôn xao mạng xã hội. |
Chúng tôi chấp nhận không theo đuổi những thông tin mơ hồ ban đầu, dù có thể nó có xác suất đó là thông tin thật, nếu chúng tôi lên thông tin chậm thì sẽ bị thua trong cuộc đua về thông tin. Chúng tôi chọn cách xác minh đúng quy trình, gọi điện đến các nơi liên quan như nhà trường, sở giáo dục đào tạo, chính quyền địa phương. Lúc chúng tôi gọi điện, các đơn vị đều chưa chắc chắn khẳng định hay phủ định 100% thông tin đó, chúng tôi lại tiếp tục cử phóng viên lên trực tiếp gặp gỡ gia đình và những người liên quan xuất hiện trong tin đồn và chúng tôi mường tượng được rằng đây là một tin đồn thất thiệt. Sau đó, thận trọng đưa những thông tin đầu tiên. Vài ngày sau cơ quan chức năng kết luận đây là thông tin thất thiệt, không tới mức nghiêm trọng như những tin đồn được tung ra.
Quy trình xác minh và xử lý tin giả, chúng tôi thường ví von với nhau rằng: “Xử lý tin giả giống như gỡ bom”. Gỡ bom rõ ràng là một công việc nguy hiểm, có rủi ro, nhưng đa phần những trường hợp xảy ra các tai nạn đáng tiếc đều do chúng ta vội vàng, chủ quan, đơn giản hóa và rút ngắn những quy trình sẵn có, bỏ qua các bước cần phải có, và như vậy chúng ta có nguy cơ làm quả bom nổ tung. Tin giả cũng như vậy, nếu như ta vội vàng và không cưỡng lại được nhu cầu đưa tin nhanh, sớm, cạnh tranh thông tin trước áp lực của các tờ báo đối thủ hoặc MXH thì quả bom tin giả cũng có thể nổ tung y như vậy.
-Anh có bài học xương máu nào với tin giả không?
Năm 2012, xuất hiện một khiếu nại, có một người cụ thể đã mua phải gạo mà người đó cho là giả. Cụ thể là sau khi họ mua gạo về họ nấu cơm không chín, nên họ nghi ngờ đó là gạo nhựa, gạo giả. Khi đem thử đốt lên thì nó tạo ra một khói đen và mùi hôi thì họ lại càng củng cố thông tin rằng đó là gạo giả. Phóng viên của chúng tôi cũng đã trực tiếp về gặp người mua gạo, lấy mẫu gạo đó và chứng kiến việc họ nấu cơm không chín, đốt lên có mùi khét. Khi chúng tôi ra tiếp xúc với người bán gạo thì họ trả lời rất cầm chừng, sau đó chúng tôi gửi mẫu gạo đó đi kiểm định ở cơ quan chức năng về kiểm định. Vì niềm tin nội tâm được củng cố lớn, chúng tôi gần như cho rằng đó là gạo giả và đưa tin, vẫn giữ một quan điểm tương đối thận trọng, đặt một tựa đề bằng câu hỏi: “Gạo nghi giả xuất hiện ở Hà Nội?”.
Sau khi thông tin đăng tải thì nhiều báo đã khai thác lại, ở thời điểm đó nhiều báo đổi title và biến từ câu hỏi thành câu khẳng định, thậm chí thêm các tính từ để tăng tính nghiêm trọng của thông tin lên. Các cơ quan chức năng của Hà Nội đã vào cuộc nhanh chóng để xác minh, cử về địa phương để gặp gỡ người bán gạo và lấy các mẫu gạo tương tự để đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy không có gạo giả. Chúng tôi đối mặt với áp lực rất lớn là đưa thông tin không đúng sự thật và gây hoang mang trong dư luận. Thậm chí còn bị xem là gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực, nông nghiệp, nông dân.
Vài ngày sau, cơ quan kiểm định trả kết quả cho chúng tôi, qua đó kết luận đây là gạo thật, tuy nhiên trong gạo thật đó có thành phần amyloza - một hợp chất hữu cơ khó phân hủy - cao bất thường, khiến cho việc nấu cơm ở nhiệt độ 100 độ C không đủ để gạo chín. Chúng tôi đã thông tin lại về việc đó, như lời đính chính và cáo lỗi tới bạn đọc.
Đó là một bài học nghề nghiệp lớn đối với cá nhân tôi vì tôi. Mặc dù đã tương đối cẩn trọng, xác minh, hoài nghi nhưng vẫn không thắng được niềm tin nội tâm và nhu cầu chạy đua thông tin. Nếu như chúng tôi chờ đợi kết quả kiểm định thì chắc chắn đã có thông tin tốt hơn.
Độc giả khi tiếp nhận thông tin cần có “bộ lọc”, cần tập hoài nghi và linh cảm, thận trọng để tránh rơi vào bẫy tin giả. |
-Đưa tin giả, tin vào tin giả và tiếp tục lan truyền tin giả, để lại những hệ lụy khó có thể cứu vãn. Theo nhà báo, trách nhiệm của ai là quan trọng nhất trong việc để tin giả "lũng đoạn" niềm tin của người đọc? Báo chí - mạng xã hội hay người đọc?
Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm: báo chí, người đọc, người dùng MXH đều phải có trách nhiệm với thông tin mà chúng ta cung cấp. Mỗi vị thế có một trách nhiệm khác nhau. Báo chí thì ngoài trách nhiệm công dân thì còn có trách nhiệm nghề nghiệp. Tôi được biết các cơ quan quản lý cũng có động thái rất cụ thể và quyết liệt để đẩy lùi vấn nạn tin giả. Tuy nhiên trong phạm vi nghề nghiệp thì tôi vẫn cho rằng nhà báo cần có trách nhiệm lớn trong việc đẩy lùi tin giả hoặc ít nhất không làm lan truyền những tin giả, vì nhà báo là những người có kỹ năng có hiểu biết và khả năng tiếp nhận thông tin theo quy định của pháp luật, được pháp luật cho phép.
Tất nhiên để giữ được những chuẩn mực đó luôn là một lựa chọn khó khăn trong bối cảnh cuộc đua thông tin được tính bằng giờ, bằng phút như hiện nay.
Độc giả khi tiếp nhận thông tin cần có “bộ lọc”, cần tập hoài nghi và linh cảm, thận trọng để tránh rơi vào bẫy tin giả.
-Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao tranh cãi về vụ nước mắm công nghiệp và nước mắm truyền thống, rồi tương ớt có chất cấm... Là cây viết có nhiều bài phân tích về tính minh bạch trong các khái niệm gây hiểu lầm ở các sự việc này, theo anh, để có thể viết về các đề tài cần nhiều hàm lượng chất xám và đòi hỏi tính chính xác, phóng viên - nhà báo cần làm gì khi tiếp nhận và xử lý những thông tin trái chiều?
Xin đính chính một chút, tôi không phải là cây viết, tôi chỉ là người đưa tin. Về câu hỏi của chị, thông thường các sự việc gây tranh cãi có đặc thù khác so với tin giả, nhưng nó cũng không phải là không liên quan đến vấn đề tin giả, bởi nó chính là những điểm mờ thông tin mà chúng ta đã quá vội vàng hoặc không đủ thông tin để hiểu những thông tin nền tảng. Do đó thường dẫn đến những cuộc tranh cãi không có đúng – sai. Những câu chuyện như nước mắm công nghiệp, nước mắm truyền thống hay tương ớt có chất cấm sử dụng ở Nhật Bản đều là những câu chuyện có nội hàm, quy định, khái niệm, có đúng sai, chúng ta cần phải tìm hiểu.
Ngoài yếu tố kỹ năng của nhà báo nó còn liên quan đến nhận thức, hiểu biết về lĩnh vực đó. Để hiểu biết, cần tìm hiểu các quy định hiện hành, các tài liệu khoa học hoặc phỏng vấn những chuyên gia hiểu biết về lĩnh vực đó để có được một góc nhìn lý tính về câu chuyện.
Quay lại với câu chuyện áp lực chạy đua thông tin mà người làm báo cần đánh đổi để có một thông tin đủ sâu sắc, người làm báo phải bỏ thời gian, công sức và chấp nhận chậm hơn trong cuộc chạy đua. Áp lực sẽ nhân lên gấp bội khi số đông những người tham gia trên MXH có xu hướng tin vào những thông tin đầu tiên, đặc biệt là thông tin mang tính chất tiêu cực. Khi họ đã tin vào những điều đó thì họ sẽ hoài nghi tất cả những điều tích cực hoặc đúng đắn.
-Yếu tố then chốt nhất để đối diện và tuyên chiến với tin giả, với một người làm báo là điều gì?
Phẩm chất của một người làm báo, dù ở giai đoạn nào, cũng phải đưa thông tin đúng sự thật, đúng với diễn biến đã xảy ra, đúng với quy định của pháp luật và thực tế khách quan của khoa học.
Tất cả những điều đó cần sự hiểu biết, trách nhiệm và bản lĩnh của người làm báo. Một yếu tố không thể không nhắc đến là sự may mắn nhất định để vượt qua những tai nạn nghề nghiệp, vốn là điều không thể tránh khỏi với nghề báo. Làm nghề này, tôi không dám nói rằng mình không bao giờ đưa tin sai.
-Cảm ơn nhà báo Lê Hồng Kỹ đã chia sẻ!
Mong báo chí luôn đồng hành, sát cánh cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã bày tỏ mong muốn như trên trong buổi gặp mặt các ... |
Lời chúc ngày Nhà báo Việt Nam hay và ý nghĩa nhất Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 đang đến rất gần, cùng gửi những lời chúc ngày Nhà báo Việt Nam hay và ý ... |
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là ngày gì? Nguồn gốc và ý nghĩa ngày 21/6 Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 là ngày để kỷ niệm, tri ân các nhà báo đã cống hiến trí tuệ, công sức ... |
Kế hoạch triển khai sắp xếp cơ quan báo chí của Bộ TT&TT có gì đáng chú ý? Nhằm triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa ký ban hành kế hoạch triển ... |
Bạo lực tâm lý nhìn từ bức hình đoạt giải "Ảnh báo chí thế giới 2019" Giải "Ảnh báo chí thế giới năm 2019" đã lựa chọn bức hình một bé gái 2 tuổi đứng khóc khi nhân viên tuần tra ... |
Infographic: Toàn cảnh báo chí sau quy hoạch Thông tin mới nhất, toàn diện nhất về bức tranh toàn cảnh báo chí sau quy hoạch vừa được Thủ tướng phê duyệt. |