Những “văn bản ngoại giao” đặc biệt quảng bá hình ảnh Việt Nam
Nhiều tác phẩm văn học Việt Nam đến với bạn đọc thế giới
Trên con đường hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa, ngày càng nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được giới thiệu ra thế giới.
Ngày 18/7, tại thư viện sách thiếu nhi thành phố Kiev, Đại sứ quán Việt Nam phối hợp các đơn vị liên quan của Ukraine tổ chức buổi lễ giới thiệu cuốn truyện thơ Nôm “Lục Vân Tiên” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được dịch ra tiếng Ukraine.
Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Hồng Thạch phát biểu tại buổi lễ giới thiệu cuốn sách "Lục Vân Tiên" của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được dịch ra tiếng Ukraine (Ảnh: Cường Cao). |
Trước đó, ngày 29/6 cuốn sách song ngữ Việt – Hàn “Lục Vân Tiên” cũng ra mắt thành công tại nhà dừa Bến Tre, dưới sự chủ trì thực hiện của Hội Di sản văn hóa tỉnh Bến Tre và sự tài trợ chính của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu (1/7/1822 – 1/7/2022).
Theo các nhà nghiên cứu, tác phẩm “Lục Vân Tiên” có nhiều nội dung triết lý sâu sắc vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Tác phẩm đề cao tình nghĩa ở đời (tình cha con, tình vợ chồng, tình bạn bè, tình thầy trò); đề cao tinh thần nghĩa hiệp, xả thân giúp cộng đồng; thể hiện ước mơ của người dân về công lý trong cuộc sống (ở hiền gặp lành, ác giả ác báo)...
Hiện tác phẩm “Lục Vân Tiên” đã được dịch ra 6 thứ tiếng gồm tiếng Thái cổ (Việt Nam), Anh, Pháp, Hàn, Nhật và Ukraine. Đây là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra ngoại ngữ nhiều thứ ba sau “Truyện Kiều” và “Nhật ký trong tù”. Điều này cho thấy “Lục Vân Tiên” có sức ảnh hưởng lớn trong nước và trên thế giới.
Ngoài truyện thơ “Lục Vân Tiên”, nhiều tác phẩm văn học khác của Việt Nam cũng được các nhà xuất bản, tạp chí, báo trên thế giới dịch và giới thiệu. Vượt qua rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, các dịch giả trên khắp thế giới đã và đang không ngừng giới thiệu đến độc giả năm châu các tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam.
Thông tin tại hội thảo khoa học quốc gia "Nguyễn Du - Truyện Kiều qua văn bản và các liên văn bản văn chương nghệ thuật" hồi tháng 11/2020, Ths. Nguyễn Thị Sông Hương (Nhà xuất bản Ehess, thuộc Trường nghiên cứu cao cấp về Khoa học xã hội, Paris, Cộng hòa Pháp) cho biết: “Truyện Kiều” của Việt Nam đã trải qua 14 thập kỷ dịch và tiếp nhận, được dịch ra 20 ngôn ngữ, với 75 bản dịch. Ngôn ngữ có nhiều bản dịch nhất là tiếng Anh (18 bản), tiếp đó là tiếng Pháp (12 bản), tiếng Trung (11 bản), tiếng Nhật (5 bản), tiếng Nga (3 bản). Ngoài ra còn có bản dịch tiếng Ba Lan, tiếng Hàn Quốc, tiếng Hungary và nhiều ngôn ngữ khác.
Nhà văn - dịch giả nổi tiếng của Nhật Bản Komatsu Kiyoshi từng dành những lời ngợi ca cho tác phẩm kinh điển của Việt Nam: “Truyện Kiều là tác phẩm văn học có tình cảm và giá trị lớn lao, có mùi hương và ý vị rất riêng… Tôi nghĩ rằng, đây không chỉ là một tác phẩm văn học ưu tú, mà còn là một tấm gương phản chiếu một cách rõ ràng tâm hồn người An Nam, và còn hơn là một tác phẩm văn học, có thể gọi nó là cuốn kinh được viết ra bởi một thi nhân. Một tác phẩm văn học gắn liền với vận mệnh của một dân tộc như thế là hiếm có trong suốt lịch sử cổ kim Đông Tây”.
Với việc phổ biến và lưu truyền ở trong và ngoài nước, "Truyện Kiều" như một tấm “căn cước văn hóa”, lan tỏa giá trị văn hóa Việt ra khắp năm châu.
Với “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là tiếng thơ ngân rung từ trái tim một con người vĩ đại trong hoàn cảnh tù đày. Tác phẩm đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới. Gần đây nhất vào tháng 6/2022 tác phẩm đã được dịch ra tiếng Uzbek.
Chia sẻ trên báo chí về động cơ thôi thúc xuất bản tập thơ “Nhật ký trong tù” bản tiếng Uzbek, ông Alishe Mukhamedov - Chủ tịch Hội hữu nghị Uzbekistan - Việt Nam cho biết: "Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của người chiến sĩ đấu tranh vì độc lập dân tộc, với những phẩm chất đạo đức cao quý nhất, đó phải là yêu lao động, hiến dâng hoàn toàn cho sự nghiệp chung, cho đất nước, cho dân tộc, cần kiệm và tránh xa hoa, trung thực và trong sạch, thẳng thắn và hết lòng, đặt lợi ích chung lên trên hết".
Ngày nay, ngày càng nhiều tác phẩm văn học của Việt Nam được các nhà xuất bản trên thế giới lựa chọn để dịch thuật như: “Dế Mèn phiêu lưu ký” (Tô Hoài); “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (Đặng Thùy Trâm); “Áo trắng” (Nguyễn Văn Bổng); “Chinh phụ ngâm” (Đặng Trần Côn); “Tướng về hưu” (Nguyễn Huy Thiệp); “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc”, “Cho tôi một vé đi tuổi thơ” (Nguyễn Nhật Ánh); “Những đứa trẻ chết già”, “Mình và họ”, “Thoạt kỳ thủy”, “Trí nhớ suy tàn” (Nguyễn Bình Phương), “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư)… Đây chính là "cánh cửa" để văn học Việt Nam đến với bạn đọc thế giới.
Gắn kết giá trị nguồn cội của dân tộc với giá trị văn hóa nhân loại
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác đối ngoại nhân dân năm 2022 do Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức hồi tháng 4 đã trích dẫn lời một nhà thơ đoạt giải Nobel: “Thơ ca là một đám mây và những đám mây không bao giờ cần thị thực” và cho biết văn học chính là hồ sơ tin cậy nhất về một dân tộc, về tư cách, ý chí và khát vọng của dân tộc đó.
“Văn học là những văn bản ngoại giao đặc biệt. Nó vẫn mang tinh thần của ngoại giao, đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước nhưng có tính lan tỏa khác biệt và phi biên giới. Mỗi tác phẩm văn học là một văn bản lương tri và thế giới luôn hiểu điều đó”, ông Nguyễn Quang Thiều nói.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Để hiểu rõ căn cốt của nền văn hóa Việt Nam, lịch sử tinh thần và các giá trị làm nên sức mạnh, vẻ đẹp và phẩm giá Việt Nam khó có hoạt động nào so sánh được với việc giao lưu văn học, nghệ thuật. Chỉ có sự khám phá công phu con người qua văn học mới có thể tiếp cận bản chất, đặc thù và chiều sâu văn hóa của một dân tộc, làm cơ sở cho một nhận thức và tầm nhìn đúng đắn về truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam. Làm cho tâm hồn gặp gỡ với tâm hồn, làm cho chia sẻ bù đắp chia sẻ, chính là tạo nên những trụ cột vững chắc cho một tình bạn lâu bền, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nhà văn với thế giới và nhân dân Việt Nam với thế giới”…
Ngày nay văn học của Việt Nam đang từng ngày đổi mới để phản ánh sâu sắc hiện thực đất nước và khám phá chiều sâu của con người Việt Nam hiện đại đang đồng hành với nhân loại trong một thế giới phẳng đồng thời vẫn gắn bó bền chặt với những giá trị nguồn cội của dân tộc, làm nên tính đặc thù, những giá trị bổ sung làm giàu cho thế giới.
Việc dịch, giới thiệu và quảng bá các tác phẩm văn học ra nước ngoài giúp văn học Việt Nam vươn tầm xa hơn, giúp độc giả của các nước trên thế giới có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về diện mạo, giá trị nhân văn, nhân bản của Việt Nam, từ đó có tình cảm nồng hậu dành cho văn học, đất nước và con người Việt Nam.