Người mang Truyện Kiều đến với độc giả Nga
Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi (phải) phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Phạm Linh |
Ngày 02/11, Trung tâm Khoa học và Văn hoá (TTKH&VH) Nga tại Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày thống nhất nước Nga (04/11) và kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Rasul Gamzatov. Tại sự kiện, Giám đốc TTKH&VH Nga Vladimir Murashkin đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì tình hữu nghị và hợp tác” cho nhà giáo ưu tú, dịch giả Vũ Thế Khôi vì những đóng góp của ông trong việc củng cố cây cầu hữu nghị văn hóa Nga - Việt.
Phát biểu tại sự kiện, nhà giáo Vũ Thế Khôi bày tỏ niềm vinh dự khi nhận Kỷ niệm chương “Vì tình hữu nghị và hợp tác” từ phía cơ quan đại diện của Nga. Ông cho rằng đây là sự ghi nhận đối với những nỗ lực bền bỉ của ông trong 62 năm giảng dạy tiếng Nga và lan tỏa thơ ca Nga tại Việt Nam.
Nhà giáo Vũ Thế Khôi kể với phóng viên tạp chí Thời Đại: “Tôi từng dịch tác phẩm của nhiều nhà thơ Nga như Pushkin, Lermontov, Gamzatov, Yesenin… sang tiếng Việt. Nhưng chưa từng dịch tác phẩm nào từ tiếng Việt sang tiếng Nga”.
Năm 2015, nhóm chuyên gia Việt-Nga đã giới thiệu bản tiếng Nga nguyên tác nổi tiếng Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du với các độc giả Việt Nam và Liên bang Nga đúng dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của ông. Nhóm chuyên gia gồm Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng làm chủ biên; dịch giả Đoàn Tử Huyến; nhà giáo Vũ Thế Khôi; nhà thơ Nga Vasili Popov; nhà Việt Nam học người Nga, Phó giáo sư Ngôn ngữ học Anatoli Sokolov đã cho ra mắt bản Truyện Kiều dịch sang tiếng Nga. |
Năm 2010, khi cùng hai cô giáo tiếng Nga là Emma và Sophia tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nhà giáo Vũ Thế Khôi vô tình gặp con gái của nhà Việt Nam học nổi tiếng N.I. Niculin, người đã bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ đề tài Sáng tác của Nguyễn Du (1765 – 1820) năm 1961. Điều đó đã thôi thúc ông dịch Truyện Kiều sang tiếng Nga.
Quá trình chuyển ngữ Truyện Kiều được thực hiện từ năm 2013 trên cơ sở tập khảo đính Truyện Kiều của Giáo sư Nguyễn Thạch Giang tái bản tại Việt Nam lần thứ 7.
Tiến trình chuyển ngữ Truyện Kiều chia ra làm bốn công đoạn: dịch nghĩa - hiệu đính bản dịch nghĩa - dịch thơ - tổng hiệu đính bản dịch thơ. Mỗi một công đoạn đều do những người có trình độ chuyên môn sâu đảm nhiệm.
Sau khi chuyển ngữ sang tiếng Nga, tác phẩm mang tên Kiều và tên thứ hai là Đoạn trường tân thanh.
Cuốn Kiều song ngữ Việt-Nga |
Để giúp độc giả Nga thuộc nhiều lứa tuổi bước đầu tiếp xúc với Truyện Kiều, phần Lời nói đầu của bản dịch đã viết một cách khái quát về thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Du trong bối cảnh xã hội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII.
Phần tóm tắt Truyện Kiều cũng được viết một cách tương đối chi tiết theo tiến trình diễn biến của cốt truyện. Sau đó là sự phân tích ngắn gọn, làm nổi bật Truyện Kiều là tác phẩm mang tính hiện thực và nhân đạo cao cả, là bộ tiểu thuyết bằng thơ được coi là một bộ bách khoa toàn thư về xã hội Việt Nam trong quá khứ.
Truyện Kiều từng hai lần được dịch sang tiếng Nga nhưng đều dang dở hoặc dịch nghĩa, trích đoạn phục vụ nghiên cứu, giảng dạy. Đây là lần đầu tiên Kiều được dịch trọn vẹn 3.254 câu thơ. Bản dịch tiếng Nga gồm hơn 4.000 câu thơ. Điểm đặc biệt trong bản dịch là toàn bộ Truyện Kiều được chuyển sang thể thơ tự do tiếng Nga với đầy đủ các giải thích về điển tích, điển cố. Nhà giáo Vũ Thế Khôi đã nghiên cứu hàng chục cuốn sách tham khảo, các bản dịch Kiều và bỏ công tìm kiếm cả các bản Kiều cổ nhất hiện có ở Việt Nam (bản in năm 1871 và 1872) để có phần chú thích đầy đủ này.
Ông nói: điều quan trọng nhất khi chuyển ngữ Truyện Kiều không phải là chuyển nghĩa thông thường mà làm sao để có một bản dịch nghĩa sát với nguyên bản, một bản dịch thơ hoàn chỉnh, chuyển tải trọn vẹn nội dung Truyện Kiều và không làm mất đi vẻ đẹp nghệ thuật của tác phẩm.
Ngoài giá trị văn học, tác phẩm Truyện Kiều bằng tiếng Nga còn được coi như món quà về tình hữu nghị Việt – Nga, góp phần không nhỏ để độc giả Nga hiểu thêm về một tác phẩm văn học độc đáo trong kho tàng văn học Việt Nam.
Nhà giáo Vũ Thế Khôi sinh năm 1938 tại Hà Nội. Gia đình nhà giáo Vũ Thế Khôi có truyền thống hơn 200 năm làm nghề dạy học tại Thăng Long - Hà Nội, bắt đầu từ khoảng năm 1770 cho đến ngày nay. Trong suốt 8 đời làm nghề giáo, có những cái tên đã ghi danh sử sách, trở thành tên của những con đường như Vũ Tông Phan. Năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử 100 học sinh ưu tú trong đó có Vũ Thế Khôi sang Liên Xô học các chuyên ngành để về phục vụ và xây dựng đất nước. Sau hai năm học chuyên môn tiếng Nga, 80 người phải về nước phục vụ, làm phiên dịch cho chuyên gia Xô Viết. 20 người còn lại, trong đó có ông, được cử học tiếp 5 năm đại học để trở thành giảng viên dạy tiếng Nga. Ở tuổi ngoài bát tuần, nhà giáo Vũ Thế Khôi vẫn miệt mài nghiên cứu tiếng Nga và văn hoá Nga. Hiện ông cùng học trò của mình là TS. Giáo dục Nguyễn Thuỵ Anh biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Nga cho học sinh phổ thông Việt Nam từ lớp 3 đến lớp 12. |
Bồi đắp tình yêu nước Nga cho thế hệ trẻ "Con tôi không học tiếng Nga dù bố mẹ đều từng du học ở Liên Xô. Vì vậy, tôi muốn bồi đắp tình yêu tiếng Nga và nước Nga cho những người trẻ như con tôi bằng cách xây dựng không gian văn hóa Nga". Ông Phạm Ngọc Thủy, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Nga tỉnh Quảng Ninh chia sẻ với PV tạp chí Thời Đại. |
Đào tạo nhân lực – yếu tố then chốt trong hợp tác y tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga Đây là nhận xét của lãnh đạo các trường đại học Nga và chuyên gia y tế Việt Nam tại Diễn đàn học viên nước ngoài tốt nghiệp các trường đại học Liên Xô (trước đây) và Liên bang Nga (ngày nay). Sự kiện do Cơ quan hợp tác Liên bang Nga tổ chức tại Hà Nội, ngày 3-4/10. |