Nhiều kỳ vọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Ma-rốc
Ngày 13/12/2021, tại Hà Nội, Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ma-rốc (Hội), tổ chức thành viên thứ 117 của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam chính thức được thành lập, đánh dấu một cột mốc mới trong thúc đẩy quan hệ giữa hai nước thêm bền chặt và phát triển.
Sự kiện thành lập Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ma-rốc đã mở ra cơ hội tăng cường thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực. Nhân dịp này, nhiều đại biểu đã gửi gắm kỳ vọng vào việc phát triển Hội trở thành cầu nối thúc đẩy các hoạt động giao lưu hợp tác trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại giữa nhân dân hai nước.
Ma-rốc và Việt Nam: đồng cảm lịch sử để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại
Ông Nguyễn Văn Pha (Hà Nội) kỳ vọng Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Ma-rốc ra đời sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị, góp phần tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. |
Là một trong những người đầu tiên viết đơn đăng ký tham gia Hội, ông Nguyễn Văn Pha (Hà Nội) cho biết bản thân rất vui mừng khi Hội chính thức được thành lập. Theo ông Pha, Việt Nam và Ma-rốc là hai dân tộc có sự gắn kết lịch sử. Vào những năm 1945-1954, thực dân Pháp, lúc đó đang đô hộ Ma-rốc đã đưa nhiều thanh niên Ma-rốc và một số nước Bắc Phi sang tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Tuy nhiên, với sự đồng cảm của một dân tộc bị áp bức, lòng yêu chuộng hòa bình, không ít người lính Ma-rốc đã rời bỏ hàng ngũ để gia nhập quân đội Việt Minh, sát cánh cùng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân, cùng lao động sản xuất rồi kết hôn với những phụ nữ Việt Nam.
Đến những năm 1970, được sự đồng ý của Chính phủ 2 nước, những gia đình Việt Nam - Ma-rốc đã hồi hương trở về Ma-rốc. Những gia đình hữu nghị đó nay đã đến thế hệ thứ ba, thứ tư và hình thành một cộng đồng người Việt Nam tại Ma-rốc cần cù chịu khó và khá thành đạt, được người dân bản địa yêu mến, trân trọng. Ở Ma-rốc hiện có một ngôi làng Việt Nam với nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Việt.
Hiện nay, ngày càng nhiều người Việt Nam làm việc, học tập, du lịch tại Ma-rốc và ngược lại. Chính vì vậy, việc thành lập Hội là bước quan trọng trong việc thúc đẩy giao lưu nhân dân, hợp tác hữu nghị giữa hai nước nâng lên tầm cao mới.
"Ma-rốc và Việt Nam có những điểm tương đồng về địa chính trị. Ma-rốc là cửa ngõ của châu Phi và châu Âu, còn Việt Nam là cửa ngõ của Đông Nam Á. Ngoài ra, Ma-rốc có chiến lược đầu tư bài bản vào các quốc gia châu Phi. Chính vì vậy, Ma-rốc sẽ là cánh cửa tốt để hàng hóa của Việt Nam và các nước vào các nước châu Phi. Với những tiềm năng, lợi thế và mối quan hệ tốt đẹp sẵn có, tôi kỳ vọng Hội ra đời sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị, góp phần tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Ma-rốc trong thời gian tới" - ông Pha chia sẻ.
Hợp tác trong giáo dục để tạo cơ hội cho giới trẻ
Em Vũ Đại Đắc, sinh viên Khoa Ngôn ngữ Văn hóa Ả Rập (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) kỳ vọng trong thời gian tới Việt Nam - Ma-rốc sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục. |
Em Vũ Đại Đắc, sinh viên Khoa Ngôn ngữ Văn hóa Ả Rập (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) hào hứng đăng ký tham gia vào Hội để có thêm nhiều cơ hội tìm hiểu về đất nước, con người Ma-rốc.
Vũ Đại Đắc cho biết nhiều sinh viên của trường em có may mắn giành được học bổng do Chính phủ Ma-rốc tài trợ, đây cũng là một trong những mục tiêu của em, vì vậy em rất muốn có thêm cơ hội tìm hiểu về đất nước thuộc Bắc Phi xa xôi, cách Việt Nam hơn 11.000 km này.
"Em kỳ vọng Hội được thành lập sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục để sinh viên hai nước có nhiều cơ hội giành được các học bổng, hoặc giao lưu, học tập, tăng cường hiểu biết của mình. Bên cạnh đó, em cũng mong rằng Hội sẽ tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác, kinh doanh giữa hai nước. Bởi điều này không chỉ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi nước mà còn tạo ra cơ hội việc làm lớn hơn cho những sinh viên chúng em sau khi ra trường" - Vũ Đại Đắc chia sẻ.
Tăng cường quảng bá, giới thiệu về văn hóa, ẩm thực Việt Nam - Ma-rốc
Bà Nguyễn Thị Kim Đức trả lời phỏng vấn Tạp chí Thời Đại. |
Chia sẻ với Tạp chí Thời Đại về niềm vui khi Hội chính thức được thành lập, bà Nguyễn Thị Kim Đức (Hà Nội) cho biết bà đã từng có nhiều năm sống và làm việc tại Ai Cập, có cơ hội đến nhiều nước Châu Phi, nhưng riêng Ma-rốc thì chưa có cơ hội ghé thăm. Tuy nhiên, nhiều bạn bè của bà kể rằng Ma-rốc là một đất nước đẹp, phong cảnh nên thơ, hữu tình, đặc biệt, người dân nơi đây rất yêu quý Việt Nam. Điều này khiến bà dành một tình cảm lớn cho đất nước Ma-rốc.
"Khi có thời gian rảnh, tôi thường xem những hình ảnh, tư liệu về đất nước, con người Ma-rốc trên báo chí, truyền hình. Vì vậy khi nghe thông tin về việc thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Ma-rốc tôi rất hào hứng đăng ký tham gia. Với tôi việc tham gia Hội không chỉ thể hiện tình yêu mến của mình dành cho Ma-rốc mà còn tạo cơ hội để tôi có thêm nhiều hiểu biết về đất nước, con người nơi đây. Tôi cũng hy vọng một ngày nào đó có thể đặt chân đến Ma-rốc, tận mắt chứng kiến vẻ đẹp nên thơ hữu tình quốc gia Châu Phi thân thiện và gần gũi" - bà Đức nói.
Với sự ra đời của Hội, bà Đức kỳ vọng rằng Việt Nam và Ma-rốc sẽ tổ chức nhiều sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu những nét đặc sắc, độc đáo nhất trong văn hóa, ẩm thực của nhau. Đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ma-rốc ngày càng phát triển, để người dân hai nước có điều kiện qua lại lẫn nhau, tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.
Kết nối doanh nhân hai nước
Bà Trần Thị Trang Như mong rằng Hội sẽ có nhiều hoạt động giao lưu kết nối, tổ chức những đoàn doanh nghiệp Việt Nam đến thăm, tìm hiểu thị trường Ma-rốc và ngược lại. |
Bà Trần Thị Trang Như - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu và Phân phối Sài Gòn cho biết: trong quá trình hợp tác với các doanh nghiệp Ả rập, có điều tôi khá ngạc nhiên là doanh nghiệp Việt Nam và Ma-rốc không có nhiều hiểu biết về nhau, đây thực sự là điều đáng tiếc và cũng mở ra cơ hội để chúng ta tìm hiểu, phát triển một thị trường mới và tiềm năng.
Việc thành lập Hội thực sự cần thiết, không chỉ đối với việc tăng cường mối quan hệ hữu nghị mà còn là cơ hội hỗ trợ doanh nhân hai nước biết về nhau và biết về thị trường của nhau nhiều hơn. Sau đại hội, Hội cần có nhiều hoạt động giao lưu kết nối, tổ chức những đoàn doanh nghiệp Việt Nam đến thăm, tìm hiểu thị trường Ma-rốc và ngược lại để giới thiệu các sản phẩm tiềm năng của hai bên, từ đó có sự kết nối về hợp tác thương mại. Hoặc có thể tổ chức những ngày Việt Nam tại Ma-rốc để giới thiệu các lĩnh vực không chỉ thương mại mà còn văn hóa, giáo dục, ẩm thực, du lịch...
Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Ma-rốc thiết thực, hiệu quả
Ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông cho rằng Việt Nam và Ma-rốc có rất nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng. |
Ông Nguyễn Quang Khai, nguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông cho biết, năm 2019, lần đầu tiên được đi thăm Ma-rốc, ông đã nhận ra tình cảm thân thiện và đặc biệt mà người dân Ma-rốc dành cho Việt Nam. Họ rất hiểu biết về Việt Nam và có nhiều cuốn sách viết về Việt Nam.
Chia sẻ về tiềm năng hợp tác nhiều giữa Việt Nam và Ma-rốc, Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho rằng hai nước có những lĩnh vực hợp tác rất tốt như quặng phốt phát (Ma-rốc có những mỏ phốt phát lớn nhất thế giới, đây là quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới sản phẩm này với khối lượng khoảng 30 triệu tấn, chiếm 33,3% thị phần quốc tế) và công nghệ điện quang... Chính vì vậy, Đại sứ kỳ vọng Hội sẽ có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị của hai nước thực chất và hiệu quả.