Việt Nam và Ma-rốc chia sẻ kinh nghiệm về sự đa dạng văn hoá trong thống nhất dân tộc
Buổi hội thảo này bàn về mối quan hệ lịch sử giữa Ma-rốc và Việt Nam, nhằm làm rõ thêm sự đa dạng về văn hóa trong khối đoàn kết dân tộc, đồng thời tìm hướng để hai nước tăng cường hợp tác nghiên cứu học thuật, trao đổi kinh nghiệm trong đối thoại liên văn hóa và học hỏi lẫn nhau giữa các nền văn hóa.
Đến dự có ông Azzeddine Farhane, Đại sứ Ma-rốc tại Việt Nam; ông Lê Phước Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông và các vị Đại sứ Venezuela, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Đại sứ Azzeddine Farhane cho rằng, Ma-rốc và Việt Nam có sự tương đồng trong việc coi bản sắc văn hóa như một sự đa văn hóa, nơi mà từng vùng có lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, bản sắc, tôn giáo, phong tục tập quán độc đáo và nó chỉ có thể được miêu tả trên cơ sở tôn trọng, cùng tồn tại, dung nạp lẫn nhau cũng như chấp nhập sự đa dạng trong khối đoàn kết quốc gia.
Đại sứ Ma-rốc tại Việt Nam Azzeddine Farhane phát biểu khai mạc hội thảo
Đại sứ Azzeddine Farhane tin tưởng rằng, qua những cuộc trao đổi sôi nổi và phong phú trong buổi hội thảo hôm nay, các đại biểu sẽ có thể hiểu rõ hơn về con đường hướng tới sự cân bằng giữa việc tôn trọng sự đa dạng văn hóa và xây dựng một bản sắc dân tộc rộng mở.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Phước Minh nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc tổ chức buổi hội thảo quốc tế này vào đúng dịp hai nước kỉ niệm 57 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (27/3/1961 – 27/3/2018). Ông chia sẻ rằng, Việt Nam và Ma-rốc là hai quốc gia có nhiều nét tương đồng về sự phong phú, đa dạng trong văn hoá nên có thể học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ nhau.
Viện trưởng IAMES Lê Phước Minh chia sẻ ý nghĩa quan trọng của hội thảo
Nhân dịp này, sau buổi hội thảo đã diễn ra Lễ ra mắt cuốn sách: “Chuyện Anh Mã” của tác giả Abdallah SAAF, hiện là giáo sư giảng dạy tại Khoa Luật học, kinh tế học và xã hội học tại Đại học Mohammed V (Rabat Agdal), giám đốc tạp chí Abhath - ấn phẩm chuyên đề khoa học xã hội của Ma-rốc và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu và tác phẩm về Nhà nước và xã hội khu vực Bắc Phi.
Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Đảng Cộng sản Ma-rốc cử một cán bộ đến Việt Nam với nhiệm vụ tập hợp hàng binh, lính đào ngũ và tù binh của quân đội Việt Minh, đồng thời chịu trách nhiệm khuấy động phong trào, tuyên truyền chính trị cho những người lính. Đảng Cộng sản Ma-rốc đã cử M’hamed Ben Aomar Lahrech. Tác phẩm là sự kết hợp giữa công tác điều tra, nghiên cứu, tìm hiểu về kinh nghiệm của ông ở Việt Nam, về một hành trình khác biệt trước và sau khi ông đến Việt Nam./.
Như Quỳnh