Nhạc sĩ Xuân Oanh với bài học đầu tiên về đối ngoại nhân dân từ Bác Hồ
Nhạc sĩ Xuân Oanh (Đỗ Xuân Oanh, 1923-1990) là một người đa tài. Ông còn được nhiều người biết tới với bài hát nổi tiếng “19 tháng 8” ca ngợi thành công của Cách mạng Tháng 8.
Năm 1990 là thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó, nhạc sĩ Xuân Oanh đang là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban hoà bình Việt Nam. Tuy là người ít nói về bản thân nhưng trong một cuộc trao đổi công việc, ông đã say sưa kể cho các cán bộ trẻ nhiều kỷ niệm với Bác Hồ, trong đó có câu chuyện xúc động về cuộc gặp đầu tiên với Bác Hồ.
Những giá trị có được từ cuộc gặp đã là động lực đưa nhạc sĩ đến với công tác đối ngoại nhân dân. Từ những lời giải thích của Bác về công tác đối ngoại nhân dân đã giúp ông hiểu thêm về tầm nhìn tư tưởng và phương châm hoạt động của Người. Đó cũng là lý do giúp nhạc sĩ Xuân Oanh dồn sức cho những hoạt động ngoại giao nhân dân trong suốt những năm tiếp theo của cuộc đời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu Tổng thống Rajendra Prasad - vị khách quý, sứ giả lớn của Ấn Độ - với nhân dân ta (năm 1959). Ảnh: Internet |
Theo nhạc sĩ Xuân Oanh, năm 1950, khi đang là phóng viên báo Cứu quốc, ông đã được cử tham dự đưa tin về Đại hội thành lập Ủy ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam ngày 19/11/1950 và sau đó được chọn chuẩn bị và làm phiên dịch cho đoàn đại biểu Ủy ban tham dự Hội nghị hòa bình châu Á tại Bắc Kinh tháng 10/1952.
Khi chuẩn bị các thủ tục cho đoàn lên đường, ông mới biết Bác Hồ đã trực tiếp chỉ đạo đoàn cần có đủ đại diện các thành phần công - nông - binh - trí, tôn giáo và đoàn thể. Đoàn do bác sĩ Lê Đình Thám - Chủ tịch Uỷ ban Bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam làm trưởng đoàn. Trước ngày lên đường, đoàn đã đến thăm và báo cáo tình hình với Bác tại chiến khu Việt Bắc. Mọi người vô cùng xúc động và háo hức khi chuẩn bị được gặp Bác. Với đa số thành viên trong đoàn, đây là lần đầu tiên được gặp Người.
Khi gặp đoàn, Bác đã ân cần hỏi thăm từng người, công tác thành lập đoàn cũng như các việc chuẩn bị cho ngày lên đường… Sau những phút giây tràn ngập xúc động và thân mật, Bác chợt hỏi: Đoàn đi Bắc Kinh dự Hội nghị để làm gì? Nghe đại diện đoàn trả lời về mục đích chuyến đi là cùng bạn bè quốc tế tham gia vào cuộc đấu tranh chống đế quốc bảo vệ hòa bình thế giới. Bác cười rồi nói ngay: “thế thì ở nhà chứ đi làm gì…”.
Mọi người im lặng nhìn nhau và nhìn Bác. Một lúc sau Bác cười và giải thích, đoàn đi trước hết để giới thiệu về cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam. Cuộc kháng chiến giành độc lập hòa bình cho Việt Nam cũng chính là đóng góp vào sự nghiệp chống thực dân đế quốc vì độc lập dân tộc và hòa bình ở châu Á và thế giới.
Không khí cuộc gặp sôi động trở lại vì mọi người đã hiểu ra chủ ý của Bác. Không những thế, Bác dặn các đại biểu phải hiểu rõ việc mình đã và đang làm, những đóng góp cho kháng chiến để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Từ đó để họ hiểu rõ về cuộc kháng chiến vì độc lập tự do và hòa bình của Việt Nam và đoàn kết, ủng hộ sự nghiệp kháng chiến của Việt Nam…
Sau cuộc gặp đó, ông Xuân Oanh - với tư cách là phiên dịch - còn được gặp Bác trong một số cuộc tiếp các đoàn của Hội đồng hòa bình thế giới và quốc tế đến thăm Việt Nam. Mỗi lần được gặp Bác, nhạc sĩ lại học được nhiều điều mới mẻ và bổ ích cho công tác đối ngoại nhân dân. Nhưng theo hồi tưởng của nhạc sĩ Xuân Oanh, cuộc gặp của ông với Bác lần đầu tiên đã để lại nhiều ký ức không phai mờ về tư tưởng và phương châm hoạt động ngoại giao nhân dân của Bác.
Ký ức đẹp đó đã luôn trong tâm trí của nhạc sĩ tài hoa Xuân Oanh hơn 50 năm công tác, đó là người làm công tác ngoại giao Việt Nam, nhất là hoạt động ngoại giao nhân dân trước tiên phải hiểu Việt Nam càng sâu sắc càng tốt, để từ đó giới thiệu cho bạn bè quốc tế hiểu về mình và tranh thủ được sự ủng hộ và đoàn kết của bạn bè.
Khánh thành tượng đài Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng và đường lên mốc biên giới tại tỉnh Lạng Sơn Nhân kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Thành ủy Bắc Giang, Đồn Biên phòng Chi Lăng (huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) tổ chức khánh thành công trình đường lên mốc 1272 2, 1273 và tượng đài Bác Hồ với chiến sỹ Biên phòng . |
Chuyện về người phụ nữ từng tham gia xây dựng Lăng Bác Hồ Vinh dự được gặp Bác, tham gia xây dựng lăng Hồ Chủ tịch, về già, bà cất công sưu tầm ảnh Bác Hồ với khát vọng giúp thế hệ mai sau biết, hiểu hơn về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. |