Người sáng lập Imagtor Nguyễn Thị Vân và yếu tố lạ kỳ dẫn tới thành công
Nguyễn Thị Vân - giám đốc Trung tâm Nghị lực sống và đồng sáng lập công ty Imagtor. |
Sinh trưởng trong gia đình thuần nông ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An, Nguyễn Thị Vân là em gái của hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng (đã mất). Ở tuổi 32, Vân làm được hơn nhiều so với cơ thể teo tóp chỉ nặng 20 kg.
“Khi gặp quá nhiều khó khăn, mọi khó khăn trở thành bình thường”
“Oán thán số phận, ủ rũ buồn đau thì mọi người cũng có quan tâm đâu. Chẳng ai có thể mãi mãi giúp đỡ mình về vật chất; hỗ trợ, động viên tinh thần cũng chỉ là tạm thời. Sau cùng chỉ có mình ôm lấy bản thân mình. Khi hiểu ra được điều đó thì mình biết rằng tất cả những chông chênh cuộc đời, tự mình phải vượt qua”.
Có lẽ bởi luôn tâm niệm như vậy mà Nguyễn Thị Vân – người vừa được Forbes Việt Nam vinh danh là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 vẫn sống như chưa bao giờ được sống, không ngừng nỗ lực phát triển bản thân, từ đó truyền cảm hứng cho cộng đồng về nghị lực phi thường và tinh thần chiến thắng số phận khắc nghiệt.
Cuối năm 2012, sau sự ra đi đột ngột của anh trai, Vân theo thay anh điều hành hoạt động Trung tâm Nghị lực sống. Vào ngày anh trai mất, Vân vẫn làm việc bình thường để Trung tâm tiếp tục vận hành sau những rối ren và lộn xộn.
Trung tâm Nghị lực sống cung cấp các khóa đào tạo, định hướng nghề nghiệp miễn phí cho người khuyết tật. Các khóa học là miễn phí nhưng học viên phải tự lo chi phí đi lại, ăn ở và đây là vấn đề lớn với người khuyết tật và gia đình họ. Rào cản ngăn người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn không chỉ đến từ xã hội mà từ chính bản thân họ và gia đình họ. Trong rất nhiều lần thuyết phục các gia đình cho con tham gia đào tạo tại Trung tâm Nghị lực sống, Vân luôn nhận được câu hỏi “vậy sau khi học xong có chắc chắn xin được việc không”. Vậy là vừa thuyết phục, truyền động lực cho những người có hoàn cảnh giống mình, Vân kiêm thêm cả nhiệm vụ “làm công tác tư tưởng” cho gia đình họ.
Nhưng đó là câu chuyện của những năm khó khăn về trước. Hiện tại, hoạt động của Trung tâm Nghị lực sống đã đi vào ổn định và được coi là một trong những trung tâm tiên phong trong lĩnh vực hỗ trợ hòa nhập toàn diện cho người khuyết tật, giúp người khuyết tật tự tin và dễ dàng hòa nhập với cộng đồng, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Với Imagtor, Vân xóa bỏ quan niệm thông thường rằng những sản phẩm người khuyết tật làm ra thì không chất lượng. |
Tháng 2/2016, với số vốn ít ỏi, Vân cùng một người bạn thành lập công ty Imagtor chuyên cung cấp dịch vụ xử lý hình ảnh cho các doanh nghiệp bất động sản và thương mại điện tử ở nước ngoài. Imagtor không phải là ý tưởng sáng tạo, chỉnh sửa ảnh/ video cũng chẳng phải dịch vụ gì mới mẻ, tại Việt Nam có đầy những công ty tương tự.
Nhưng điểm làm nên sự khác biệt của Imagtor là một nửa số nhân viên tại đây là người khuyết tật. Làm kinh doanh, đương nhiên ai cũng mang theo mình tham vọng về lợi nhuận, nhưng với Vân, điều quan trọng hơn cả là xóa bỏ quan niệm thông thường rằng những sản phẩm người khuyết tật làm ra thì không chất lượng.
Với thời gian hoạt động tính đến nay là 3 năm, nhưng Imagtor đã gặt hái được thành công bước đầu và đạt được những giải thưởng danh giá.
Năm 2017, Imagtor lọt top 4 dự án xã hội trong cuộc thi Thử thách Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG Challenge 2017) do UNDP Việt Nam và HATCH! VENTURES tổ chức.
Năm 2018, ở cuộc thi sáng kiến xã hội lớn nhất châu Á mang tên Social Venture Asia, Imagtor một lúc giành ba giải doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực áp dụng công nghệ, doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực giáo dục, và doanh nghiệp xã hội tiềm năng của châu Á.
Với số vốn ít ỏi 400 triệu đồng, Imagtor – công ty luôn có ít nhất 40% nhân viên là người khuyết tật, hòa vốn sau 13 tháng hoạt động. Năm 2018, doanh thu của Imagtor đạt hơn 10 tỷ đồng, đồng nghĩa với đem lại cơ hội làm việc cho nhiều người khuyết tật, giúp họ tiến gần hơn đến hành trình tìm lại bản thân và khẳng định bản thân.
Với Vân, "chẳng có khó khăn nào là nhất cả". |
Sẽ thật khó tin khi biết yếu tố chính dẫn tới thành công của người phụ nữ mang trong mình chứng bệnh teo cơ tủy sống, mọi sinh hoạt cá nhân đều cần người hỗ trợ lại nằm ở câu chuyện về sự quan sát.
Vân kể vì ngồi xe lăn và có quá nhiều thời gian nên từ bé cô thích quan sát mọi thứ, từ cử chỉ, hành động đến biểu cảm gương mặt của mọi người. Cũng vì sinh hoạt cá nhân đều cần có người hỗ trợ, nếu muốn nhờ ai đó bế vào nhà vệ sinh, Vân cũng phải xem người đó có đang sẵn sàng hay không. Từ việc quan sát, Vân phần nào vượt qua được trở ngại và khiến cuộc sống của mình dễ dàng hơn.
Quan sát lúc đầu với Vân là sở thích, dần dần qua thời gian thành thói quen, và đến bây giờ đó trở thành một kỹ năng hỗ trợ Vân nhiều trong cuộc sống và công việc. Những câu chuyện xung quanh cũng được Vân để tâm tới, từ đó học hỏi, tích lũy vốn sống và bài học cho mình. Vân hiểu được rằng chỉ có suy nghĩ tích cực, chủ động phấn đấu, ham học hỏi, tìm tòi kiến thức mới làm cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.
Người lần đầu tiếp xúc với Vân, hoặc chỉ cần nhìn qua ảnh thôi, cũng dễ liệt kê và mường tượng ra nhiều trở ngại mà một cô gái mắc chứng teo cơ tủy sống gặp phải. Thế nhưng khi được hỏi quãng thời gian nào khó khăn, đau buồn nhất, Vân trả lời “chẳng có khó khăn nào là nhất cả”.
“Khi bạn đối diện với nỗi đau hàng ngày, cơ thể bạn luôn trong trạng thái đau nhức, không đủ năng lượng, thì khi ấy bạn sẽ học cách chấp nhận và coi đó là phần tất yếu của cuộc sống”.
“Tôi đồng ý lấy anh ấy vì nghĩ mình xứng đáng”
Vân cùng chồng - anh Neil Bowden Laurence. |
Cuối năm 2018, câu chuyện tình yêu giữa Vân và anh chàng kỹ sư người Úc thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận. Người ta tò mò vì lý do gì mà một anh “Tây” khỏe mạnh bình thường lại từ bỏ quê hương, sang Việt Nam để cưới cô gái khuyết tật về làm vợ. Bởi theo lối suy nghĩ thông thường, đây là chuyện hoang đường.
Nhưng với Vân, cô nghĩ mình xứng đáng.“Tôi tin rằng mình xứng đáng có được tình yêu của anh ấy nên mới quyết định kết hôn. Tôi cũng có tài năng, có kiến thức, có tư duy và rạng rỡ. Nếu được ngủ đủ giấc có lẽ tôi còn rạng rỡ và nhiều năng lượng hơn”. |
Là người phụ nữ truyền cảm hứng cho cộng đồng người khuyết tật, Vân nhận thấy những vấn đề chung mà người khuyết tật gặp phải. Không có niềm tin vào bản thân, kỹ năng hòa nhập thấp do nền tảng giáo dục thấp và những rào cản trong xã hội là những vấn đề nổi cộm.
“Có niềm tin mạnh mẽ rằng mình làm được, tin vào năng lực của mình, tin rằng mình xứng đáng có được cuộc sống hạnh phúc. Thành công chỉ đến khi chúng ta nỗ lực, chăm chỉ, làm việc có mục tiêu rõ ràng và có trách nhiệm”, Vân cười và nói.
Xem thêm
Chuyện nhà TS "toán tư duy" POMath Chu Cẩm Thơ - Người phụ nữ ảnh hưởng nhất VN 2019 (TĐO) - Người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019 PGS.TS toán tư duy POMath Chu Cẩm Thơ chia sẻ: Nhiều chị em ... |
20 tiểu tiết vô tình biến bạn thành người bất lịch sự Hâm nóng cá (hoặc những món ăn nặng mùi) trong lò vi sóng của văn phòng là điều tối kỵ. |
Người cha triệu phú viết thư gửi con trai trước đêm tân hôn: Đừng bao giờ coi vợ là bạn, đó là cách con sẽ thành công Bí mật hôn nhân đã khiến ông thành công, có một vị thế quan trọng trước hết là trong gia đình, và sau đó trong ... |