Người dân Campuchia gửi niềm tin vào y tế Việt
Em bé Campuchia hồi sinh nhờ bàn tay bác sỹ Việt
Chúng tôi gặp chị Sây Nia (26 tuổi, quốc tịch Campuchia) trong một buổi chiều tại phòng bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh). Đôi tay gầy guộc của chị đang chăm chút cho con không ngừng nghỉ: khi thì vắt nước cam, lúc lại thoăn thoắt mát xa tay chân cho con trai mình - bé Quang Nấc. Dù chỉ mới 2 tuổi nhưng cậu bé vừa phải đối mặt với một ca phẫu thuật tim sinh tử.
Ngồi bên giường bệnh, chị nghẹn ngào kể cho chúng tôi về hành trình kéo dài nhiều tháng để cứu lấy sinh mệnh bé nhỏ của con. Vào khoảng đầu tháng 8/2024, con trai chị bắt đầu có những dấu hiệu bị sốt về chiều, ho có đờm, thở mệt. Đưa con đi khám tại các cơ sở y tế tại địa phương, bác sỹ cho biết con chị bị viêm phổi, theo dõi lao phổi. Chị nhiều lần đưa con tái khám và được kê thuốc uống tại nhà.
Gần 4 tháng thăm khám, thuốc thang mà con không có dấu hiệu thuyên giảm, chị Sây Nia và gia đình quyết định đưa con sang Việt Nam khám bệnh. Sau khi có kết quả chẩn đoán, chị được thông báo con bị dị tật ở tim và cần phẫu thuật khẩn cấp, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.
Vừa lo lắng cho con, chị vừa phải đối mặt với khoản chi phí phẫu thuật hơn 100 triệu đồng: “Lúc sang Việt Nam, tôi mang theo 10 triệu đồng, tuy nhiên chỉ sau một tuần thì đã gần hết. Đến lúc bác sỹ bảo rằng con phải mổ, tôi chỉ còn hơn 1 triệu đồng. Tôi định đưa con về nhưng các bác sỹ động viên và hỗ trợ chi phí, nhờ vậy con tôi mới được khỏe mạnh như hôm nay”.
Ngồi nhìn con trai lanh lợi, hoạt bát trở lại, chị Sây Nia không khỏi vui mừng. “Tôi biết ơn các bác sỹ Việt Nam rất nhiều. Những người Việt Nam tốt bụng đã cứu sống con trai tôi”, chị Sây Nia nói.
Bác sỹ Bệnh viện Nhi đồng 1 kiểm tra hồi phục cho bé Quang Nấc sau phẫu thuật. (Ảnh: Đinh Hằng) |
Theo bác sỹ Nguyễn Trí Hào, Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, bé Quang Nấc mắc dị tật màng ngăn nhĩ trái ở tim và cao áp phổi nặng. Đây là dị tật rất hiếm gặp, mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ tiếp nhận 1-2 trẻ mắc bệnh này. Dị tật tim này khiến bé thở nhanh, có tình trạng ứ máu ở phổi, dễ bị chẩn đoán nhầm là viêm phổi, phù phổi giống bệnh lao.
Do không được chẩn đoán sớm nên khi tới Bệnh viện Nhi đồng 1, sức co giãn cơ tim của bé Quang Nấc đã giảm mạnh, áp lực động mạch phổi cao, đòi hỏi phải phẫu thuật gấp. Với phương châm “cứu bệnh nhân trước hết, tiền tính sau”, khi người nhà của bệnh nhi xin về với lý do chi phí quá lớn, gia đình không có điều kiện để mổ, các bác sỹ vẫn quyết định phẫu thuật để cứu sống bệnh nhi này.
"Với trường hợp của bé Quang Nấc, Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 đã quyết định liên hệ Phòng công tác xã hội tại bệnh viện để kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ hoàn toàn chi phí tiến hành phẫu thuật. Đến nay, sau hơn một tuần phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định và chuẩn bị được xuất viện", bác sĩ Hào nói.
Hỗ trợ y tế cho người Campuchia như người Việt
Giống với Quang Nấc, cụ bà S.L (75 tuổi, sinh sống tại huyện Bu Nrieng, tỉnh Mondulkiri, Campuchia) cũng đã vượt qua cơn nguy kịch nhờ sự cứu chữa tận tình của các bác sỹ Việt Nam.
Ngày 4/8, bà được đưa đến Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh (tỉnh Đắk Lắk) trong tình trạng nguy kịch, lơ mơ, khó thở, sốt cao liên tục. Sau thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, bà được chẩn đoán bị viêm phổi, tổn thương gan, tiểu cầu giảm nặng. Các bác sĩ nhận định khả năng cao là nhiễm khuẩn huyết và tổn thương đa cơ quan.
Ngay lập tức, các bác sỹ đã tiến hành hồi sức hô hấp tích cực, tiêm kháng sinh phổ rộng để ức chế và tiêu diệt một số vi sinh vật gây bệnh, hỗ trợ chức năng các cơ quan và cấy máu làm kháng sinh đồ. Sau 2 ngày điều trị tại đơn vị Hồi sức tích cực, bà đã tỉnh, tiếp xúc tốt, ăn uống được, hết sốt, các rối loạn chức năng cơ quan dần hồi phục.
Người nhà bà S.L cho biết, trước đó, bà đã sốt liên tục trong khoảng 3 tuần, mệt mỏi, khó thở. Tuy đã được điều trị tại một cơ sở y tế ở địa phương nhưng tình trạng ngày càng nặng nên gia đình quyết định chuyển đến Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh. Qua gần 2 tuần điều trị và chăm sóc tích cực, sức khoẻ bà dần ổn định, tiến triển tốt và được xuất viện.
Cụ bà S.L có chuyển biến tích cực khi điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thiện Hạnh (tỉnh Đắk Lắk). (Ảnh: Nam Trang) |
Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình hàng năm có khoảng 3.500 lượt bệnh nhân Campuchia sang chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Việt Nam. Mỗi ngày trung bình có 250 người Campuchia sang Việt Nam chữa bệnh. Trong 3 năm gần đây, chỉ riêng số bệnh nhân Campuchia đến điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) đã tăng đến 90%. Điều đó cho thấy nhu cầu chăm sóc y tế chất lượng cao của người dân Campuchia ngày càng gia tăng, đồng thời khẳng định uy tín và năng lực chuyên môn của các cơ sở y tế Việt Nam trong khu vực.
Thông cáo chung về Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Campuchia - Việt Nam lần thứ 12 ngày 25/4/2023 diễn ra tại tỉnh Tây Ninh đã chỉ rõ về lĩnh vực y tế: Phía Việt Nam, đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh tại các tỉnh giáp biên với Campuchia cam kết hỗ trợ khám chữa bệnh cho người dân Campuchia với mức viện phí như công dân Việt Nam mà không cần thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời hai bên hỗ trợ nhau xây dựng ngành y tế thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp trang thiết bị cho các tỉnh giáp biên Việt Nam - Campuchia theo khả năng và tình hình thực tế.
Chủ tịch Hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam Samdech Men Sam An đánh giá, hợp tác y tế Campuchia - Việt Nam ngày càng đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân mỗi nước cũng như hội nhập sâu rộng vào nền y tế tiên tiến của khu vực và thế giới. Bà mong muốn trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để người dân Campuchia sang Việt Nam khám chữa bệnh, đặc biệt là tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại. Việc này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng mà còn là biểu hiện sinh động của tình hữu nghị bền chặt Việt Nam - Campuchia.
VCBA: Đẩy mạnh kết nối cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia Trong hành trình xây dựng và phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia đã giúp kết nối xúc tiến thương mại hai nước, hỗ trợ cộng đồng người gốc Việt tại Campuchia. |
286 lưu học sinh Lào - Campuchia bắt đầu học tiếng Việt tại Trường Hữu nghị 80 Trường Hữu nghị 80 vừa tổ chức lễ khai giảng khóa học Dự bị tiếng Việt năm học 2024-2025 cho 286 lưu học sinh Lào - Campuchia. Đây là bước đầu tiên trong hành trình của lưu học sinh hai nước khi đến Việt Nam học tập và nghiên cứu |