Người bắc nhịp cầu kết nối ngôn ngữ Việt Nam - Tây Ban Nha
Trong buổi giới thiệu cuốn từ điển Việt - Tây Ban Nha tại Trường Đại học Hà Nội ngày 9/12, nhìn nhà báo - dịch giả Vũ Văn Âu nhanh nhẹn ký tặng, chụp ảnh cùng các cựu du học sinh Việt Nam tại Cuba, nghe ông hào hứng kể về những ngày thực hiện cuốn từ điển bằng tiếng Tây Ban Nha, ít ai biết ông đã ở tuổi 90.
Ông Vũ Văn Âu là một trong số 23 sinh viên Việt Nam đầu tiên có cơ hội được sang Cuba học tiếng Tây Ban Nha vào tháng 11/1961. Trong suốt quãng thời gian công tác sau đó, tiếng Tây Ban Nha luôn là người đồng hành, hỗ trợ đắc lực trong cuộc đời làm báo của ông.
Nhà báo - dịch giả Vũ Văn Âu chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn Từ điển Việt - Tây Ban Nha (Ảnh: Thành Luân). |
Theo ông Vũ Văn Âu, tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ thứ hai trên thế giới, với khoảng 500 triệu người bản ngữ và những người học tiếng Tây Ban Nha ở các nước trên thế giới sử dụng, chỉ sau tiếng Trung, chiếm gần 10% dân số thế giới. Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với tiếng Anh, tiếng Pháp, từ một ngôn ngữ ít được sử dụng, tiếng Tây Ban Nha đã trở thành một trong những ngoại ngữ được sử dụng ngày càng phổ biến hơn tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam...
Tuy nhiên, điều ông Vũ Văn Âu trăn trở là cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có một từ điển Việt - Tây Ban Nha "chuẩn" theo đúng nghĩa của nó. Với suy nghĩ để cho các nhà nghiên cứu, những người mong muốn học tiếng Tây Ban Nha có một công cụ hỗ trợ, ông Âu nung nấu ý định làm một cuốn từ điển Việt - Tây Ban Nha.
Khi bắt tay vào biên soạn cuốn từ điển này, ông Vũ Văn Âu đã gần 80 tuổi. Kể lại quá trình làm cuốn sách, ông nói: "Người ta thường gọi những người liều là "điếc không sợ súng". Tôi biết mình điếc thật nhưng tôi ở tình thế không thể không làm. Tôi là thế hệ sinh viên Việt Nam đầu tiên được cử đi học ngôn ngữ Tây Ban Nha tại Cuba. Khi ấy tôi đang công tác tại Việt Nam Thông tấn xã, nay là Thông tấn xã Việt Nam. Tôi xác định trách nhiệm trước tiên của mình là phải đóng góp điều gì đó cho đất nước. Bên cạnh đó, gia đình tôi có tới 5 người cần dùng tới tiếng Tây Ban Nha, như vậy nhu cầu là rất lớn".
Chỉ còn nhìn rõ được một mắt, ông Âu phải dùng tới ba kính lúp để tra các loại từ điển khác nhau. Ông tham khảo cuốn Từ điển Việt - Pháp của các tác giả Lê Khả Kế và Nguyễn Lân. Đối với những chú thích, giải thích bằng tiếng Việt, ông tham khảo cuốn Đại từ điển Tiếng Việt do tác giả Nguyễn Như Ý chủ biên. Quá trình soạn thảo, căn cứ vào nhu cầu và mục đích sử dụng, ông lược bớt, bổ sung thêm một số từ vựng cho phù hợp. Bên cạnh đó, để đảm bảo tốt nhất cho các phương án biên tập, ông cũng đã tham khảo một từ điển đơn ngữ Tây Ban Nha - Tây Ban Nha như: Từ điển Bách khoa toàn thư Larousse và Từ điển Ngôn ngữ Tây Ban Nha của Viện Hàn lâm Hoàng gia Tây Ban Nha.
Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen và tác giả Vũ Văn Âu tặng từ điển cho những sinh viên xuất sắc của khoa tiếng Tây Ban Nha, trường Đại học Hà Nội (Ảnh: Thành Luân). |
Nhà báo lão thành gặp khó khăn về đánh máy bởi thế hệ ông được đào tạo từ năm 1955, khi ấy chưa có máy tính. Từ lúc bắt tay vào biên soạn từ điển cho đến nay, ông Âu vẫn gõ mổ cò, có khi lỡ tay làm mất cả trang rồi phải khôi phục lại.
Điều ông thấy may mắn là luôn có gia đình, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp ở bên hỗ trợ. Đó là những người từng học và làm việc ở Mỹ Latinh như ông, là các thầy cô giáo ở khoa tiếng Tây Ban Nha, trường Đại học Hà Nội... Các nhân viên Đại sứ quán Cuba tại Việt Nam cũng hỗ trợ ông nhiệt tình, nhờ vậy ông chỉnh sửa, bổ sung được những từ cần thiết, sát với thực tế trong cuốn sách của mình.
Đặc biệt, ông Vũ Văn Âu đã "số hóa" cuốn từ điển của mình, làm thành một file nén trên máy tính, bất cứ ai có nhu cầu sử dụng, chỉ cần gửi email, lập tức ông sẽ gửi tặng ngay. Cũng nhờ vậy mà ông càng nỗ lực hơn để hoàn thiện cuốn từ điển này.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen cho biết: Từ điển Việt – Tây Ban Nha như một “viên ngọc quý” và là cầu nối giữa thế giới nói tiếng Tây Ban Nha và Việt Nam, giúp thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và phục vụ truyền bá kiến thức lẫn nhau để hiểu nhau hơn. |