Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) đề xuất dự án bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng bền vững
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Saskia Berling - Trưởng phòng Tài nguyên thiên nhiên và Khí hậu châu Á, Trưởng đoàn công tác KfW đánh giá cao sự chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh, sự tham gia phối hợp của các sở, ngành, địa phương đã cùng đoàn đến hiện trường gặp gỡ người dân trong quá trình thẩm định dự án. Qua 4 ngày làm việc tại Gia Lai, đoàn đã có những đánh giá, nhìn nhận rất thực tế và thống nhất về các nội dung tổng quan chung trong báo cáo đề xuất dự án của tỉnh. Sau chuyến công tác, đoàn sẽ ký biên bản với 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, đây là cơ sở báo cáo Chính phủ Đức.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Sơn Ca/GLO |
Trong khuôn khổ buổi làm việc, các thành viên của đoàn công tác KfW đã tập trung trao đổi các nội dung liên quan đến việc thẩm định dự án. Đồng thời, đánh giá các mục tiêu, hợp phần của dự án đề xuất phù hợp với yêu cầu của nhà tài trợ. Để triển khai thực hiện dự án, về thủ tục, Bộ Tài chính và KfW sẽ ký một hiệp định tài chính cho việc thực hiện chương trình này. Khi triển khai thực hiện dự án, nhà tài trợ mong muốn 2 tỉnh thành lập ban chỉ đạo điều hành chung, do lãnh đạo tỉnh chủ trì và có sự tham gia các sở, ngành liên quan.
Ngoài ra, nhà tài trợ mong muốn các cuộc họp của ban chỉ đạo dự án sẽ mời các tổ chức phi Chính phủ tham dự với tư cách quan sát viên. Bên cạnh đó, đoàn cũng lưu ý một số nội dung liên quan trong quá trình thực hiện dự án cần rõ ràng, minh bạch. Đề nghị dự án xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng đánh giá mức độ ưu tiên, chi phí, đánh giá tác động môi trường, ý kiến tham gia của các bên nhằm đảm bảo mục tiêu thực hiện dự án mang lại lợi ích tối đa, đầu tư hiệu quả, bền vững.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Sơn Ca/GLO |
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đã gửi lời cảm ơn đoàn công tác đã đánh giá rất cao việc thực hiện cam kết của tỉnh, nơi thực hiện dự án đã đáp ứng nội dung đoàn đi khảo sát. Hiện nay, tỉnh mới thực hiện việc giao rừng cho các cộng đồng quản lý trên 200.000 ha. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tập trung phát triển rừng, tăng độ che phủ rừng. Bên cạnh việc quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu trồng 8.000 ha rừng mỗi năm.
Dự án “Giảm thiểu các tác động của dịch bệnh Corona tới kinh tế và xã hội thông qua bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng bền vững ở Tây Nguyên” được xây dựng triển khai tại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Tại Gia Lai, dự án bao gồm 3 hợp phần. Trong đó: Hợp phần 1: Cơ sở hạ tầng cơ bản cho các cộng đồng thôn bản người dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng, qua đó đóng góp vào việc cải thiện hiệu quả công tác bảo vệ và quản lý rừng. Hợp phần 2: Rừng tự nhiên là rừng sản xuất được giao cho các cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương để phục hồi và bảo vệ bền vững. Hợp phần 3: Quản lý rừng đặc dụng được tăng cường thông qua cung cấp cơ sở hạ tầng bảo vệ rừng, trang-thiết bị và nâng cao hiệu quả hoạt động tuần tra bảo vệ rừng trong sự phối hợp với các cộng đồng sống ở vùng đệm. Dự kiến, Dự án triển khai từ năm 2022-2028 tại các huyện: Kbang, Ia Pa, Kông Chro, Mang Yang, Đak Đoa và Krông Pa. |