Nga sẽ cử giáo viên tới các trường học ở Việt Nam
Quang cảnh Hội nghị bàn tròn "Nga-Việt Nam: triển vọng hợp tác giáo dục. Ảnh: Hoàng Yến |
Chiều ngày 28/10/2019 tại Trung tâm Khoa học và văn hoá Nga tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị bàn tròn "Nga-Việt Nam: triển vọng hợp tác giáo dục".
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Nga tổ chức Năm chéo (Năm Việt Nam tại Nga và Năm Nga tại Việt Nam trong các năm 2019-2020) nhân dịp 25 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nga (1994-2019) và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (1950-2020).
Tham dự có: Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại Việt Nam K.V.Vnukov; Thứ trưởng thứ nhất Bộ giáo dục LB Nga P.S. Zenkovich; bà Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục và thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Việt Nam; ông Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – Bộ GD&ĐT Việt Nam…
Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền LB Nga tại Việt Nam K.V.Vnukov, hàng trăm nghìn người Việt Nam đã tốt nghiệp từ các trường đại học tốt nhất ở Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Họ đóng góp đáng kể vào hầu hết tất cả các lĩnh vực của đất nước và cũng ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của quan hệ Việt Nam- Nga. Trong bối cảnh quan hệ song phương Việt-Nga đang phát triển tốt đẹp, nổi bật bởi sự tin cậy lẫn nhau và tình hữu nghị giữa các dân tộc Nga và Việt Nam, hai nước có đầy đủ các điều kiện tiên quyết cần thiết cho sự thúc đẩy hơn nữa quan hệ giáo dục Việt-Nga.
Phát triển giáo dục được xác định là một trong ba khâu đột phá để thực hiện phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, đó là “Tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ”.
Bà Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục và thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Yến |
Tại hội nghị, bà Hoàng Thị Hoa cho biết, trong thời gian tới, đại diện Bộ Giáo dục hai nước sẽ trao đổi về những điều kiện cụ thể để phát triển hơn nữa việc giảng dạy tiếng Nga tại một số trường THPT chuyên của Việt Nam. Bà Hoàng Thị Hoa đề nghị các đơn vị phía LB Nga đóng góp cho Việt Nam những giải pháp cụ thể, phù hợp để trong thời gian tới. Điều này giúp các trường đại học ở Việt Nam có thêm nhiều điều kiện tiếp cận các chương trình giáo dục và học hỏi kinh nghiệm từ nền giáo dục tiên tiến của Nga. Sinh viên Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội được học tập tại Liên bang Nga.
Đồng quan điểm, ông Lê Anh Vinh cho biết, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực tế học tập mô hình của Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Liên Xô trước đây, Viện Hàn Lâm sư phạm Nga ngày nay. Hơn nữa, cơ cấu, tổ chức của nền giáo dục của Việt Nam và hệ thống trường THPT chuyên của Việt Nam cũng học tập từ mô hình hệ thống THPT chuyên của các nước Liên Xô trước đây. Bên cạnh đó, bắt đầu từ năm 2013 ở Nga đã bắt đầu tổ chức các kỳ thi quốc gia, còn ở Việt Nam bắt đầu từ năm 2016. Tuy nhiên, trong khoảng 10-15 năm gần đây, những nghiên cứu về khoa học giáo dục của Nga mà phía Việt Nam tiếp cận được lại qua các sản phẩm nghiên cứu của nước thứ ba (các bài báo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, các bài báo bằng tiếng Anh). Vì vậy, Việt Nam mong muốn được tìm hiểu về quá trình phát triển của khoa học-giáo dục của LB Nga trong khoảng 10-15 năm gần đây, hệ thống đào tạo học sinh năng khiếu của Nga hiện nay để có thể học hỏi kinh nghiệm của Nga, từ đó đổi mới và hoàn thiện hệ thống giáo dục Việt Nam.
Thứ trưởng thứ nhất Bộ giáo dục LB Nga Pavel Stanislavovich Zenkovich phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hoàng Yến |
Về phía Nga, Thứ trưởng thứ nhất Bộ giáo dục LB Nga P.S. Zenkovich cho hay, một dự án hợp tác giữa Nga và Việt Nam sẽ được triển khai trong năm 2020 theo các thoả thuận đã đạt được tại khoá họp lần thứ XXI của UBLCP Nga-Việt Nam. Nga sẽ cử giáo viên người Nga tới các trường học ở Việt Nam. Quan hệ hợp tác trong cả lĩnh vực truyền thống (giáo dục trung cấp dạy nghề) và cả lĩnh vực mới (tổ chức nghỉ dưỡng cho trẻ em và đạo tạo từ xa) sẽ được thúc đẩy trong thời gian tới. Các tổ chức giáo dục Nga quan tâm đến việc phát triển liên hệ trực tiếp với các trường đại học tại Việt Nam. Bộ Giáo dục Nga đã nhận được rất nhiều lời đề nghị từ các tổ chức giáo dục tại các cơ sở của Nga (đặc biệt, từ các trường học ở St. Petecburg, Cộng hoà Tatarstan, tỉnh Chelyabinsk và Murmansk, v.v.). Trong số các hình thức hợp tác có thể có là giao lưu văn hoá, thực hiện các dự án chung để nghiên cứu văn hoá Việt Nam, hỗ trợ trong nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá Nga.
Kết thúc Hội nghị, các đại biểu tham dự đều tin tưởng sự kiện hôm nay sẽ là một nền tảng tốt để trao đổi quan điểm về những gì cần phải làm đề tăng sức hấp dẫn của giáo dục Nga và ngôn ngữ Nga tại Việt Nam và đưa lĩnh vực này lên tầm cao mới.
Doanh nghiệp Nga tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam Hội nghị “Kết nối giao thương Việt – Nga” là thời cơ tốt để doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội kinh doanh và ... |
Mùa hè xanh 2019: Tuổi trẻ Việt Nam tại Liên bang Nga hướng về Tổ Quốc Chương trình gắn kết thanh niên, sinh viên đang học tập tại Liên bang Nga với sinh viên trong nước, đưa sức trẻ để đóng ... |
Duy trì và phát triển tình hữu nghị Việt – Nga là trách nhiệm lớn lao đối với tuổi trẻ hai nước Trong khuôn khổ Diễn đàn Thanh niên Việt-Nga 2019, chiều ngày 24/7/2019 tại Đại học quốc gia Hà Nội đã diễn ra buổi toạ đàm ... |