Việt – Nga: Mối quan hệ tin cậy cao, ngày càng đi vào thực chất
Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga - Ngô Đức Mạnh. Ảnh: TTXVN |
Việt Nam - LB Nga: quan hệ chính trị với độ tin cậy cao
Đại sứ Ngô Đức Mạnh cho biết, quan hệ chính trị với độ tin cậy cao giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua cơ chế trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương thường xuyên ở các cấp, đặc biệt là cấp cao và cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược.
Chúng ta triển khai quan hệ với bạn trên tất cả các kênh, trong mọi lĩnh vực từ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đến hợp tác địa phương, ngoại giao nhân dân và điều đặc biệt là tình cảm nồng ấm của nhân dân hai nước đối với nhau ngày càng được củng cố và tăng cường. Hai bên cũng luôn hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, APEC, ASEM, ASEAN-Nga…
Biểu diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc Năm chéo Việt Nam - LB Nga. Ảnh: Nhân dân |
Hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư giữa hai nước tiếp tục phát triển năng động
Theo Đại sứ Ngô Đức Mạnh, các dự án hợp tác dầu khí được triển khai hiệu quả tại cả hai nước, đặc biệt là Liên doanh Vietsovpetro thành lập năm 1981 đến nay vẫn tiếp tục là biểu tượng của sự hợp tác Việt-Nga, là trụ cột của ngành thăm dò và thai thác dầu khí của Việt Nam. Việc mở rộng hợp tác trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất ô tô hứa hẹn đem đến những chuyển biến tích cực trong quan hệ kinh tế Việt - Nga.
Phát huy những thành công trong hợp tác trên lĩnh vực năng lượng truyền thống, hai bên đang tích cực nghiên cứu triển khai các dự án hợp tác về năng lượng tái tạo, giống cây trồng, thuốc trừ sâu cho nông nghiệp. Hợp tác trong sản xuất thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh như thuốc chữa ung thư, thuốc đông y có nhiều triển vọng.
Về du lịch, Đại sứ cho biết, năm 2018 có hơn 600 nghìn lượt người Nga đi du lịch Việt Nam, tăng 5,7% so với năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2019, lượng khách Nga vào Việt Nam đạt 319.000 lượt, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2018. Nga trở thành nước đứng đầu châu Âu và xếp thứ 6 về số lượng khách thăm Việt Nam nhiều nhất. Ngược lại, có hàng chục nghìn người Việt Nam đã sang Nga du lịch trong hai năm trở lại đây.
Hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cũng phát triển năng động. Từ năm 2000 đến năm 2018, có 67 công trình nghiên cứu khoa học chung đã và đang được triển khai theo những lĩnh vực ưu tiên như kỹ thuật sinh học, y tế và dược; công nghệ vật liệu mới và công nghệ nano; công nghệ vũ trụ; sử dụng hợp lý có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; nghiên cứu về biển; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân; công nghệ khai thác dầu khí và than; công nghệ chế biến các sản phẩm nông nghiệp và đồ uống, chế tạo máy và đóng tàu.
Một trong những điểm sáng của sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. Hiện nay, hai bên đang tích cực triển khai xây dựng ở Việt Nam Trung tâm Khoa học và công nghệ hạt nhân với số vốn đầu tư 350 triệu USD, đây là một biểu tượng mới trong hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước trong thế kỷ XXI.
Quốc phòng, an ninh là trụ cột trong quan hệ hai nước
Quan hệ quốc phòng, an ninh giữa Việt Nam - LB Nga có bước phát triển mới, đi vào chiều sâu, thực chất, nhất là trong hợp tác về đào tạo cán bộ, chuyển giao vũ khí, trang bị… Việt Nam xác định Nga là đối tác tin cậy và triển vọng nhất trong hợp tác quân sự. Trên thực tế, Nga đã cung cấp cho Việt Nam nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại và hợp tác trong sửa chữa, tăng hạn sử dụng của các thiết bị; chuyển giao công nghệ, nhất là trợ giúp đào tạo, huấn luyện và cử chuyên gia sang giúp Việt Nam…
Sách "Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất". Sách do Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội biên soạn. Ảnh: Hoàng Yến |
Quan hệ giữa các địa phương phát triển mạnh và ngày càng đi vào thực chất. Bên cạnh việc củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác kết nghĩa đã có giữa Hà Nội và Moskva, Khánh Hòa và Khabarovsk, Đà Nẵng và Yaroslavl, Nghệ An và Ulianop, TP Hồ Chí Minh và St. Petersburg, nhiều địa phương hai nước đang đẩy mạnh việc trao đổi đoàn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, giao lưu, hình thành nên các cặp quan hệ mới như Bình Thuận - Kaluga, Thanh Hóa - Tula, Quảng Ninh với Irkutsk, Bà Rịa - Vũng Tàu với Tatarstan.
Về hợp tác giáo dục - đào tạo: Trong những năm gần đây, Chính phủ Nga đã cấp gần 1000 học bổng đào tạo ở tất cả các trình độ cho công dân Việt Nam sang theo học tại các trường đại học Nga. Diễn đàn Hiệu trưởng các trường đại học Việt - Nga lần thứ nhất được tổ chức thành công tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2019 đã tạo ra một mạng lưới cơ sở giáo dục đại học giữa hai nước, góp phần cụ thể hóa và triển khai hiệu quả hơn nữa các thỏa thuận hợp tác về giáo dục đã ký giữa hai nước.
Hợp tác dịch và xuất bản sách ''Bác Hồ viết Di chúc'' tại Nga. Ảnh: Hoàng Yến |
6 biện pháp phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước
Thứ nhất, cần tiếp tục duy trì các cuộc tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, đặc biệt là ở cấp cao, tạo động lực cho phát triển quan hệ. Hai bên cần đẩy mạnh phối hợp hành động với nhau trên các diễn đàn quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020 và tư cách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Thứ hai, nâng cao vai trò hoạt động của Ủy ban Liên chính phủ trong việc đôn đốc, triển khai thực hiện Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên hàng năm; phát huy vai trò giám sát của các cơ quan Quốc hội hai nước đối với các thỏa thuận đã ký, đặc biệt là vai trò của Ủy ban Liên nghị viện hai nước.
Thứ ba, xây dựng các biện pháp thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa hai bên, giải tỏa các vướng mắc trong lĩnh vực này như: tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), các lợi ích, ưu đãi mà Hiệp định đem lại; giải quyết các vấn đề kiểm dịch động thực vật, cho phép tăng số lượng doanh nghiệp hai nước được xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản sang thị trường của nhau; tăng mức thanh toán bằng đồng nội tệ để có thể khắc phục những hạn chế do lệnh cấm vận.
Thứ tư, cần tiếp tục cải tiến thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường giao lưu nhân dân, nhất là tháo gỡ các khó khăn trong việc đi lại, nhập cảnh; sớm ký kết Hiệp định mới về lao động có thời hạn trên lãnh thổ của nhau cho công dân hai nước.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương hai nước ngày càng hiệu quả và đi vào thực chất hơn, trong đó chú trọng đến hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.
Thứ sáu, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giới thiệu về đất nước con người của nhau, các hoạt động giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước. Xúc tiến các hoạt động quảng bá văn hóa giữa hai nước thông qua hình thức xã hội hóa. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông hai nước tăng cường quảng bá về đất nước và con người của nhau, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.
Năm Chéo Việt Nam - Nga mở ra cơ hội mới cho việc thực hiện các biện pháp trên. Đại sứ Ngô Đức Mạnh tưởng rằng, với ý chí và nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển vì lợi ích của hai dân tộc, vì hòa bình, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
“Đời sống quốc tế” là nguyệt san thuộc Bộ Ngoại giao Nga là ấn phẩm uy tín hàng đầu về các vấn đề quốc tế, đối ngoại và an ninh quốc gia, được xuất bản từ năm 1954. Chủ tịch Hội đồng biên tập hiện nay của Tạp chí là Ngoại trưởng Nga S.V.Lavrov. |
Nga trưng bày hàng loạt súng, xe tăng tối tân nhất tại Hà Nội Khu trưng bày của Nga bao gồm các gian hàng của Tập đoàn Nhà nước Rostec và các nhà sản xuất các sản phẩm quân ... |
Dạy tiếng mẹ đẻ cho thế hệ trẻ người Việt ở Nga: Cần sự chung sức, chung lòng từ nhiều phía Đến nay, ở thủ đô Liên bang Nga, nơi có đông người Việt sinh sống nhất (chiếm 20% trong tổng số 80.000 người) vẫn chưa ... |
Sách về Liên Xô và Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương bản tiếng Việt Cuốn sách là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả nhiều năm giữa hai cơ quan Lưu trữ của hai nước Việt Nam và ... |