Nga phản ứng gay gắt trước Thỏa thuận Đức - Mỹ về Nord Stream 2
Ngày 21/7, truyền thông Nga đã đưa tin tiết lộ những điều khoản trong thoả thuận giữa Mỹ và Đức liên quan dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2.
Nord Stream 2 sắp hoàn thành. Ảnh: Nord Stream 2 |
Thoả thuận này ngay lập tức đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ chính giới Nga. Cụ thể, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov bày tỏ sự quan ngại trước những nỗ lực của một số quốc gia nhằm xác định số phận của đường ống dẫn khí đốt bằng các động cơ chính trị.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov cho rằng, thoả thuận đặt ra những vấn đề nghiêm trọng, giọng điệu thoả thuận này trái ngược với tinh thần cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden ngày 16/6 tại Geneva, đồng thời lên án những nỗ lực quy chụp Nga là “kẻ xâm lược”, chỉ trích một quốc gia tiến hành các hoạt động ác ý, thực thi chính sách bài Nga.
Ông Antonov khẳng định những lời đe dọa đối với Nga là vô căn cứ và vô ích. Nga không chấp nhận những lời ngụy biện như vậy, cũng như không thể chấp nhận các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp; nhấn mạnh Nga là đối tác tin cậy, trung thực của châu Âu, không bao giờ áp đặt nguồn cung khí đốt cho bất kỳ đối tác nào, không sử dụng năng lượng như một công cụ gây áp lực chính trị.
Nga bác bỏ mọi cáo buộc về vấn đề này, coi những nỗ lực như vậy là cạnh tranh không lành mạnh.
Được biết, theo Thỏa thuận Đức - Mỹ về Nord Stream 2, Đức sẽ hành động nhanh chóng ở cấp quốc gia và thúc đẩy các biện pháp hiệu quả ở cấp EU. Đức cam kết sẽ bổ nhiệm một đặc phái viên về vấn đề Nord Stream 2 và sử dụng mọi ảnh hưởng của mình để đảm bảo kéo dài thời gian vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sau năm 2024 và các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu không muộn hơn ngày 1/9/2021.
Ngoài ra, Đức sẽ thành lập một "quỹ xanh" cho Ukraine và phân bổ 1 tỷ USD để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng, hiệu quả năng lượng và an ninh năng lượng của đất nước. Đức ban đầu sẽ đóng góp 175 triệu USD.
Cùng với đó, Đức sẽ tuân thủ các yêu cầu của gói năng lượng thứ ba của EU. Theo đó, các cơ sở hạ tầng năng lượng của các nước EU phải độc lập với các nhà cung cấp năng lượng điện hoặc tài nguyên năng lượng.
Về phần mình, Mỹ đánh giá rằng các lệnh trừng phạt không thể ngăn cản việc thực hiện Nord Stream 2 trên thực tế. Đồng thời, Mỹ bảo lưu quyền hành động để đáp trả nếu Nga sử dụng năng lượng như một “vũ khí địa chính trị” ở châu Âu và “hành động gây hấn” chống lại Ukraine.