Nga đã chuẩn bị từ lâu cho sự trở lại của Taliban?
Khi chính phủ Afghanistan sụp đổ trong tuần trước ở Kabul, Mỹ và phương Tây tăng tốc nỗ lực sơ tán thì hàng trăm xe bọc thép và pháo của Nga lại xuất hiện cách đó vài trăm dặm trên vùng biên giới Tajikistan. Đó là một phần của cuộc tập trận, diễn ra chỉ cách vị trí của Taliban chưa đến 20km.
Hôm 17/8, Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov, tuyên bố về việc NATO và các lực lượng Mỹ rút khỏi Afghanistan: “Đây là một nhóm các quốc gia đang trên con đường rất khó khăn khi từ bỏ những vị trí trên thế giới mà họ đã quen thuộc trong nhiều thập kỷ.”
Quân đội Nga tham gia các cuộc tập trận chung với Uzbekistan và Tajikistan gần biên giới Tajik-Afghanistan trong tháng 8 này. Ảnh: Reuters |
Đối với Moskva, cuộc rút lui hỗn loạn của Mỹ là một chiến thắng về mặt tuyên truyền trên quy mô toàn cầu. Từ Mỹ Latinh đến Đông Âu, Nga đã tranh giành ảnh hưởng bằng cách khẳng định rằng không thể tin cậy được Mỹ.
Sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Tổng thống Ashraf Ghani cũng là minh chứng cho chiến lược xây dựng mối quan hệ ngoại giao kéo dài nhiều năm của Nga với Taliban, bất chấp mối quan hệ cựu thù ở thập niên 1980, trong cuộc nội chiến Afghanistan.
Theo diễn biến, khi các nhà ngoại giao phương Tây chạy khỏi Kabul trong tuần này, các quan chức Nga đã ở lại, và Đại sứ quán Nga được Taliban đảm bảo an ninh.
Họ đã tạo ấn tượng tốt với chúng tôi. Họ là những người tử tế, được trang bị tốt”, Đại sứ Nga tại Kabul, Dmitri Zhirnov, nói về lực lượng bảo vệ Taliban mới của Đại sứ quán Nga.
Tại cuộc gặp gần đây nhất của Nga với đại diện Taliban ở Moskva hồi tháng 7, nhóm này đã cam kết rằng lợi ích quân sự của họ sẽ không phải là mối đe dọa đối với Nga hay các lợi ích của Nga.
Moskva đã đăng cai tổ chức nhiều vòng đàm phán với Taliban mặc dù về mặt chính thức, nhóm này vẫn nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố bị cấm với Nga và bất kỳ liên hệ nào với Taliban đều có khả năng trở thành tội phạm.
Arkady Dubnov, một chuyên gia người Nga về Trung Á, mô tả chiến lược của Chính phủ Nga trong việc xây dựng mối quan hệ với Taliban dựa trên “chủ nghĩa thực dụng”.
Các nhà phân tích cho rằng, Điện Kremlin muốn bảo vệ lợi ích của mình ở Trung Á, và muốn tránh bất ổn và nguy cơ khủng bố lan rộng qua khu vực "sân trước".