Mỹ - NATO lo Nga hiểu lầm, Ukraine sẽ vẫn "chơi vơi"?
Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến các quốc gia thuộc cánh phía Đông của Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hay còn gọi là nhóm Bucharest Nine diễn ra ngày 10/5 (giờ địa phương).
Tổng thống Mỹ Joe Biden chuẩn bị lên chuyến bay đến dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bucharest Nine. Ảnh: Reuters |
Reuters cho hay, bài phát biểu của Tổng thống Mỹ dự định sẽ đề cập đến trọng tâm là an ninh ở khu vực Biển Đen và Ukraine. Tờ báo không đề cập rõ đến khả năng Mỹ thúc đẩy Ukraine gia nhập NATO hay không bởi trước đó, ngay trong các văn bản chính thức từ Nhà Trắng, cũng đã có sự thay đổi quan điểm này.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karin Jean-Pierre, bà đã đề cập đến việc Mỹ "ủng hộ nỗ lực của Ukraine trong việc thúc đẩy cải cách pháp quyền và tăng trưởng kinh tế cũng như biên giới và cuộc chiến chống lại sự xâm lược của Nga ở biên giới”, theo đoạn ghi âm được tờ New York Post đăng tải.
Nhưng sau đó, Nhà Trắng đã sửa đoạn ghi âm, phần có đề cập trực tiếp đến Ukraine đã biến mất, đặc biệt, dòng chữ đã biến mất khỏi đoạn ghi âm: “Tôi nói rằng Ukr (aina) ... đúng. Đúng”.
Một quan chức Nhà Trắng xác nhận với The New York Post rằng những lời này đã bị xóa bởi vì chúng không phản ánh chính sách chính thức, Jean-Pierre đã có lầm lẫn khi nói như vậy.
Liên quan diễn biến, đầu tháng này, Washington cho biết họ có thể tăng cường trợ giúp an ninh cho Kiev sau khi Nga chuyển quân đến gần biên giới với khu vực Donbass phía đông Ukraine, nơi quân đội Ukraine đang xung đột với phe ly khai do Moscow hậu thuẫn.
Động thái này đã kích hoạt phản ứng gay gắt từ Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, bất cứ sự điều động binh sĩ nào của NATO đến Ukraine đều sẽ làm gia tăng căng thẳng với Nga và buộc Nga có thêm biện pháp đảm bảo an ninh và "Nga buộc phải đáp trả nếu Mỹ điều quân đến Ukraine".
Trong bối cảnh NATO luôn hứa hẹn và luôn hành động ngược lại chính sách mở rộng về phía Đông, Ukraine là ranh giới cuối cùng mà Nga đặt cho NATO. Như vậy, nếu chính quyền của ông Biden muốn thúc đẩy những tham vọng của Kiev biến thành hiện thực, đó sẽ là một thảm kịch.
Người Mỹ chắc chắn đã hiểu được điều này. Bằng chứng là họ thừa nhận Phó Thư ký báo chí của Nhà Trắng hiểu chưa rõ quan điểm về chủ đề nói trên.
Ukraine đã rất mong mỏi được gia nhập khối NATO một phần bởi ô bảo hộ quân sự được Mỹ củng cố cũng như Điều khoản bảo vệ đồng minh trong tình huống bị tấn công. Bởi vì nếu được vậy, một khi Nga tấn công Ukraine, Kiev sẽ được khối đồng minh bảo vệ. Tuy nhiên, khi người Mỹ và cả người châu Âu cũng e dè về điều này, Ukraine sẽ vẫn chơi vơi.
Nhằm tạo lòng tin cho Kiev, chính quyền của ông Biden sẽ vẫn đưa ra các tuyên bố ủng hộ Ukraine về những nỗ lực cải cách quốc phòng của họ, về cuộc chiến bảo vệ lãnh thổ, đảm bảo toàn vẹn chủ quyền và lên án những nỗ lực gây hấn từ phía Nga.
Ý nghĩa của các tuyên bố như vậy sẽ vừa tạo được niềm tin cho Kiev lại vừa tránh sự hiểu nhầm từ phía Nga.