Mỹ đã đưa hệ thống tên lửa chống tăng “cổ" tới Ukraine?
Theo thông báo, phương tiện tác chiến này được lên kế hoạch sử dụng tại một trong những địa điểm thử nghiệm phía Nam trong giai đoạn tích cực của cuộc tập trận chung Sea Breeze 2021.
Tổ hợp tên lửa chống tăng tự hành LAV-AT. Ảnh minh họa |
Được biết, những hệ thống tên lửa chống tăng (ATGM) tự hành này được phát triển từ cuối những năm 1980 trên cơ sở xe chiến đấu bộ binh bánh lốp LAV-25. Ban đầu chúng được trang bị tên lửa dẫn đường TOW. Sau đó được hiện đại hóa và điều chỉnh để mang loại TOW-2 tiên tiến hơn.
Tên lửa mới có đầu đạn song song với khả năng xuyên giáp được cải thiện và đủ khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 3.750 mét. Hệ thống quan sát với kính ngắm ảnh nhiệt cho phép sử dụng vũ khí vào ban đêm một cách tin cậy.
Theo thiết kế, kíp chiến đấu của LAV-AT bao gồm 4 người: chỉ huy, xạ thủ - vận hành, lái xe và nạp đạn. Một khẩu súng máy 7,62 mm với cơ số đạn 1.000 viên được sử dụng làm vũ khí bổ sung. Ngoài ra còn có hai ống phóng đạn khói ngụy trang.
Tổng trọng lượng chiến đấu của xe thiết giáp chống tăng LAV-AT ở mức 12.260 kg, trang bị động cơ diesel công suất 275 mã lực, cốc độ tối đa là 100 km/h. Dự trữ năng lượng cung cấp tầm hoạt động 660 km.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Nga, LAV-AT ở thời điểm hiện tại bị coi là phương tiện tác chiến khá lạc hậu, chúng chưa đủ khả năng bảo vệ cho nhân lực bên trong, đặc biệt là trước tác động của bom mìn. Tuy nhiên sau khi xe tăng M1 Abrams ngừng hoạt động hoàn toàn và bị loại khỏi đội hình, Thủy quân lục chiến Mỹ không còn phương tiện mặt đất tự hành nào có khả năng chống lại xe bọc thép, ngoại trừ những tổ hợp ATGM này.