MCNV: Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật
Tháng 9/2023, bà được tham gia lớp hướng dẫn kỹ năng chăm sóc người khuyết tật kéo dài 02 ngày. Tại đây, bà Tốt được các chuyên gia hướng dẫn kỹ năng chăm sóc cơ bản hàng ngày cho người khuyết tật như hỗ trợ ăn uống, chăm sóc vệ sinh, phòng chống té ngã... Đồng thời bà cũng được lắng nghe những người chăm sóc khác chia sẻ kinh nghiệm của mình.
Bà Tốt cho biết bà đã học được nhiều kiến thức mới và kỹ năng thiết thực, giúp cho công việc chăm sóc người thân hàng ngày của bà trở nên dễ dàng hơn.
Bà Hoàng Thị Tốt (thứ hai từ trái sang phải) đang thực hành vệ sinh mắt, mũi, tai cho người khuyết tật tại lớp học. (Ảnh: MCNV). |
Lớp hướng dẫn kỹ năng mà bà Tốt tham dự nằm trong khuôn khổ Dự án Hoà nhập 1, một hợp phần của Dự án “Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật ở các tỉnh phun rải nặng chất da cam” tại khu vực miền Trung (Gọi tắt là Dự án Hoà nhập 1). Dự án do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) thực hiện, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, chủ Dự án là Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học và môi trường (NACCET) - Bộ Quốc phòng, đơn vị quản lý Dự án là Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP).
Theo ThS. Bs. Trần Thu Thủy, Phó Giám đốc Dự án Hòa nhập 1/MCNV, đây là một trong những dự án nổi bật được MCNV thực hiện từ năm 2022 và đặc biệt đẩy mạnh trong giai đoạn 2023-2025. Năm 2023, dự án được tiếp tục triển khai thực hiện trên 3 tỉnh gồm Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.
Mục tiêu chính của dự án là nâng cao năng lực cho cán bộ phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã; cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng và dịch vụ chăm sóc cho người khuyết tật tại cộng đồng và cơ sở y tế và tăng cường năng lực hệ thống phục hồi chức năng tại các tỉnh dự án. Qua hơn 2 năm triển khai, có 1.760 người khuyết tật được thụ hưởng thành quả của dự án; 424 cán bộ y tế được đào tạo.
Bà Thuỷ cho biết, trong năm 2024, MCNV sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trong khuôn khổ dự án nhưng mở rộng địa bàn thực hiện ở các tỉnh dự án và tăng thêm số người hưởng lợi.
Đặc biệt, dự án sẽ tăng cường đào tạo cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã thông qua tổ chức các lớp dài hạn (chuyên khoa 1 về phục hồi chức năng), trung hạn (6 - 9 tháng) và các lớp đào tạo liên tục với các chủ đề thiết thực, phù hợp với nhu cầu của địa phương. Bên cạnh đó, tại các cơ sở y tế, MCNV cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng đa chuyên ngành. Hiện MCNV đang hỗ trợ 16 cơ sở y tế (gồm các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tỉnh và trung tâm y tế huyện) ở 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế cung cấp dịch vụ đa chuyên ngành cho người bệnh đột quy. “Thông qua việc đẩy mạnh các lĩnh vực nêu trên, MCNV hy vọng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật một cách bền vững. MCNV cho rằng khi cán bộ y tế có kiến thức và kỹ năng chuyên môn tốt, họ sẽ cung cấp dịch vụ có chất lượng và toàn diện, góp phần cải thiện chất lượng sống cho người khuyết tật ở địa phương” - bà Thuỷ nhấn mạnh.