MCNV tạo ra sự thay đổi trong phương thức canh tác cây ăn quả cho nông dân
Trong hai ngày 11-12/1, “Ngày hội thu hoạch” đã được tổ chức tại ấp Hòa Long, xã Hòa An (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), và xã Quới Sơn, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) trong khuôn khổ dự án “Tăng cường chất lượng trái cây tại Việt Nam”.
Dự án do Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam triển khai thực hiện tại 4 tỉnh Bình Thuận, Long An, Bến Tre và Đồng Tháp, với mục tiêu cải thiện chất lượng của trái thanh long, bưởi và xoài trồng tại đây.
Một phần kinh phí do chính phủ Hà Lan tài trợ thông qua Cơ quan doanh nghiệp Hà Lan (RVO).
Trong dự án này, MCNV đóng vai trò triển khai thực hiện, phối hợp với các đối tác kỹ thuật là các doanh nghiệp Hà Lan có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường như Eurofins, YARA, Bayer, Prins, các đơn vị nghiên cứu trong nước.
Chuyên gia trình bày báo cáo về dự án "Tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam" tại “Ngày hội thu hoạch” tại xã Hòa An, TP Cao Lãnh. Ảnh: Cao Lãnh |
Tại Đồng Tháp, dự án được triển khai từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2023, đã chọn cây xoài là chủ lực.
Thông qua dự án, 25 nông dân trồng xoài trên địa bàn xã Hòa An đã được hỗ trợ thu thập dữ liệu sản xuất, phân tích và tư vấn, tập huấn kỹ thuật, phổ biến tối ưu hóa về phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với đó, xây dựng mô hình trình diễn sản xuất trái xoài đảm bảo chất lượng xuất khẩu, an toàn đối với người sản xuất và tiêu dùng.
Theo Ban Quản lý Dự án, mô hình bước đầu cho thấy vườn xoài của nông dân tham gia dự án, đạt kết quả về năng suất tương đối vượt trội do sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng cao.
Hơn nữa, việc áp dụng hệ thống tưới cũng đã giúp cho nông dân tiết kiệm được chi phí nhân công rất nhiều, đồng thời kết hợp bón phân qua hệ thống tưới giúp tiết kiệm được phân bón tránh thất thoát.
Từ đó, chi phí đầu vào trong quá trình sản xuất trái xoài giảm từ 30 - 40 triệu đồng/ha/vụ, đồng thời năng suất tăng từ 5 - 10/tấn/ha/vụ so với sản xuất theo cách truyền thống.
Tại “Ngày hội thu hoạch”, nông dân còn được các công ty đối tác của dự án, và doanh nghiệp thông tin thêm về hiệu quả của sử dụng phân bón an toàn, nhu cầu thu mua sản phẩm.
Tham gia dự án, bà con nông dân được tiếp cận với các thành quả của khoa học công nghệ, được học hỏi từ các chuyên gia, cùng trao đổi, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong canh tác. Ảnh: Thành Lập |
Còn tại Bến Tre, dự án đã được chọn thí điểm tại 2 xã Bình Phú, TP. Bến Tre và xã Quới Sơn, huyện Châu Thành.
Các chuyên gia tại ngày hội đã công bố, phân tích kết quả các mẫu xét nghiệm trái bưởi da xanh của 2 hộ được hỗ trợ từ dự án. Theo Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Trần Dương Thuấn, kết quả rất tốt, các dư lượng trong điều kiện cho phép và hoàn toàn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Với kinh nghiệm sẵn có và ứng dụng các kiến thức mới từ các chuyên gia, bước đầu, bà con đã tạo ra được những sản phẩm tốt, đủ tiêu chuẩn phục vụ cho các thị trường cao cấp trong nước và xuất khẩu, ông Thuấn nhận định, nhấn mạnh thêm: Canh tác hữu cơ, liên kết hợp tác và cùng nhau để tạo ra vùng nguyên liệu sản phẩm bền vững sẽ mang lại giá trị cao và bền vững hơn cho người nông dân địa phương.