Mạng xã hội, ai dẫn dắt ai?
Chê nhà xấu, cư dân MXH bị phạt gần 650 triệu Facebook, YouTube sẽ bị phạt nặng nếu để xuất hiện nội dung khủng bố trong 1 giờ Mối lo "giang hồ sống ảo": Rao bán vũ khí, mua bán xe gian |
Những thánh chửi, học sinh chửi thầy cô giáo, con cái chửi bố mẹ, chửi đồng nghiệp, chửi xã hội... cũng cho lên facebook. Khoe cuộc sống giàu sang, chảnh choẹ, thú tiêu tiền triệu, dùng hàng hiệu… để câu like.
Rồi thẩm mỹ viện, hình ảnh “đập” mặt xây lại, từ “vịt hoá thiên nga” của cả dàn hotgirl, đến những cô nàng với những trang phục thiếu vải để khoe da thịt, cốt cũng chỉ để muốn có người like. Hết trò, có hotgirl chơi ngông làm việc dị thường, ghi hình đốt tiền up lên facebook như một trò tiêu khiển.
Và, kinh khủng nhất, mới đây trong đám tang của nghệ sĩ Anh Vũ, để câu view, người ta không ngần ngại cười nói rôm rả, dẫm đạp lên vòng hoa cốt chỉ để livestream nhận lời tán thưởng vô bổ!
Đội quân livestream ở đám tang nghệ sĩ Anh Vũ vui cười rất phản cảm. |
Đến đám tang để giở trò câu view
Không còn là hy hữu, sau đám tang của Wanbi Tuấn Anh, Duy Nhân, Minh Thuận, những đội quân “facebooker”, “Youtuber” ngày càng trở nên dữ dội, điên cuồng để câu view. Mới đây nhất tại đám tang của nghệ sĩ Anh Vũ, người ta thấy bất bình với đội ngũ livestream lấy sự mất mát, ra đi của người khác làm trò tiêu khiển.
Trong dòng người đưa tiễn nghệ sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng với sự bồi hồi, tiếc thương thì những kẻ này tay lăm lăm máy ảnh livestream, ánh mắt dớn dác, tươi cười hét to: “Like và chia sẻ liên tục các bạn nhé”. Những vòng hoa viếng của gia đình, bạn bè thân hữu bị những người cầm máy điện thoại tranh nhau ghi hình để “selfie” xô đẩy, đổ rạp xuống, khung cảnh hỗn loạn.
Chứng kiến giữa không khí tang thương, đội quân livestream vẫn vô tư cười đùa khi thu về một lượng view, người theo dõi tăng đến chóng mặt, nhiều nghệ sĩ đã không thể cầm lòng và đầy bức xúc. Ca sĩ Pha Lê trên trang cá nhân của mình chia sẻ hình ảnh nhóm YouTuber và người dân cười nói rôm rả chụp hình chung với một vị khách nước ngoài ngay trong sân chùa, nơi tang lễ đang diễn ra.
Nghệ sĩ viết trên trang cá nhân của mình: “Trưa nay lúc tới thăm anh, thấy cảnh này đã rớt nước mắt nói với diễn viên Minh Nga tại sao đám tang lại trở thành như thế này? Buồn lắm là buồn!”. Trên trang cá nhân diễn viên - MC Ngọc Trai cũng vô cùng bất bình lên tiếng: “Tôi không ngờ là các bạn đói view một cách bất chấp như vậy? Sao các bạn lại lấy ngày buồn nhất của gia đình người ta làm dụng cụ câu sự chú ý”.
Nghệ sĩ đầy phẫn nộ viết: “Tang gia đang bối rối mà ống máy quay cứ chĩa như thảm đỏ lễ trao giải Oscar, người với người ồn ào bát nháo thì xin hỏi còn gì sự trang nghiêm, còn chút gì tôn trọng người đã khuất?”.
Diễn viên Ngọc Lan bức xúc lên tiếng trên trang cá nhân: “Khi mà người ta chẳng cần quan tâm đến nội dung, chỉ cần lượt view cao là họ có thể chễm chệ mỗi tháng nhận 400-500 triệu đồng, thì hệ quả của việc này là đây”. Cô bực dọc: “Đồng tiền rót về tài khoản của các bạn mỗi tháng vì những chiêu trò như thế này các bạn ăn có ngon miệng không?”.
Nhiều lời bình luận tỏ ra phẫn nộ trước đám đông hám lợi này. Tiếc thay đây lại là sự thật và họ chưa có ý định dừng lại.
“Thánh chửi” hotgirl xăm trổ Hồ Xuân Hương. |
1.001 trò câu view... bẩn, bệnh.
Nếu không có mạng xã hội, người ta sẽ không biết được bạo lực học đường lại gia tăng như thế, học sinh đang ở lứa tuổi áo trắng cắp sách đến trường lại hung bạo, côn đồ đến vậy. Chúng đánh nhau rồi ghi hình up lên facebook như một phần khoe chiến tích, thích nổi tiếng và thích sự yêng hùng. Sự việc 5 em học sinh đánh một bạn nữ phải nhập viện ở Hưng Yên, điều đáng xấu hổ và tồi tệ hơn là khi đánh bạn, chúng còn ghi hình lại để up lên facebook.
Trên mạng xã hội, những đứa trẻ áo trắng còn chửi bố, mẹ và thầy cô giáo bằng những lời lẽ vô cùng tục tĩu. Không chỉ ở lứa tuổi học sinh là những thanh nữ đã đến tuổi trưởng thành vẫn thích những phát ngôn sốc và hình ảnh sốc. Thiếu nữ khoe ảnh “đập mặt xây lại” (phẫu thuật thẩm mỹ) - một kiểu khoe chiến tích về lòng can đảm như một chiến binh.
Mới đây cặp đôi tình yêu chú cháu, ca sĩ Lương Bằng Quang và hotgirl Ngân 98 sau khi có nhiều phát ngôn gây sốc trên mạng xã hội và có hình ảnh rất khêu gợi mát mẻ, cặp đôi này lại tiếp tục rủ nhau vào thẩm mỹ viện. Cả hai từng ngày cho đăng ảnh sửa các chi tiết trên khuôn mặt, từ mắt, mũi, miệng... Điều đáng nói, sau khi cả hai đại tu nhan sắc thì không ai nhận ra diện mạo mới của họ. Ngay cả bà mẹ của ca sĩ Lương Bằng Quang cũng không nhận ra con trai, phải thốt lên kinh ngạc: “Thằng này là thằng tây, không phải thằng Quang”.
Kì lạ thay, cả hai đại tu nhan sắc lại là cái tên “hot” và được tìm kiếm nhiều trên các trang mạng. Lượt xem của họ tăng lên đáng kể, trở thành tâm điểm chú ý của giới trẻ(?)
Giới trẻ ngày nay đã không ngần ngại đi thẩm mỹ viện phẫu thuật để được có những bức hình liên tục selfie gây sự chú ý, nhiều hotgirl cho công khai đăng ở trên mạng như một trò câu view như những cái tên: Quách Kim Phượng cô gái đến từ Đắk Nông.
Sau khi được khen là thẩm mỹ thành công “Thị Nở hoá thiên nga”, cô gái này liên tục nhận hàng nghìn lượt yêu thích và các hợp đồng quảng cáo tới tấp. Hay những cái tên như: Vân Tokyo, hotgirl Ivy, Hà Lake... cũng vậy. Hiện tượng trên rõ ràng đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý, xu hướng tiêu cực về cái đẹp của giới trẻ.
Hầu hết các YouTuber đều đọc được sở thích của người xem. Nếu nội dung không hay thì phải gây sự nhảm, bậy, kiểu như “đã xấu lại còn đầu gấu” thì càng thích, hoặc “đã xinh lại còn chụp hình hở linh tinh” nữa thì càng ham. Kiếm view bằng mọi cách đã làm các thanh nữ ngực nở eo thon đứng ngồi không yên, các cô nàng hotgirl thi nhau “thả thính” người xem bằng trang phục mát mẻ hay nhả câu chữ khêu gợi, tình tứ.
Cái thời “cởi để nổi” của Lê Thị Huyền Anh (bà Tưng) từ một cô gái vô danh biến thành người nổi tiếng trên mạng xã hội nhiều đàn em học theo. Những cô gái mặc như không, sẵn sàng phô trương hình thể như B.T.U.My và L.T.K.Liên khiến cho dân mạng bỏng mắt. Không chỉ có hai cô gái trẻ mà hiện tượng up ảnh “đốt mắt người nhìn” có thể thấy nhan nhản trên facebook.
Nếu không khoe nhan sắc thì khoe tiền. Hotgirl xăm trổ Hồ Xuân Hương có clip trên mạng xã hội khoe: “Mọi người nhìn đi Hương ăn là phải tiền chất đống xung quanh thì ăn mới thấy ngon, điện thoại nào ra là phải xài dòng mới nhất...”. Vừa ăn cô gái này khoe nhẫn kim cương và chiếu đèn vào tiền bảo “mọi người nhìn đi đây là tiền của Hương. 20 triệu không đủ để trả tiền ăn ở trên bàn này…”.
Rồi cô này quay ra chửi đổng những kẻ đang ghen tị với sự “sang, chảnh” của cô nàng. Và đỉnh điểm là màn đốt xe máy của hot girl xăm trổ: “Nghe nói miền Bắc và miền Trung đang có lũ, tao đốt chiếc xe này gửi ra ngoài làm than cho đồng bào sưởi ấm...”. Sau rất nhiều màn “nổ” theo kiểu nói lấy được, người ta cũng phong cho cô chức “thánh chửi” trên mạng xã hội. Cùng hội “thánh chửi còn có Dương Minh Tuyền, Huấn hoa hồng...
Hotgirl dao kéo đổi đời từ Thị Nở thành thiên nga, câu ngàn like. |
Ai “câu” ai?
Lý giải về việc cộng đồng mạng thích nghe chửi, những livestream chửi được nhấn nút “like” nhiều, dịch giả - Facebooker Thiên Lương lý giải: Ta có thể thấy ở ngoài đời khi gặp đám cháy trong nhà hát, đám đông thường dồn hết về một chỗ để rồi kẹt cứng ở đó chứ ít ai bình tĩnh nghĩ xem còn lối nào khác để thoát thân.
Một điều dễ nhận thấy là đám đông facebook cũng tương tự thế, có một dạng trí tuệ tập thể. Facebook là một môi trường đặc biệt phù hợp với trí tuệ tập thể do nó được xây dựng sao cho kích thích đám đông tự dạy nhau cách đưa tin để được like nhiều.
Nhiều người nổi tiếng trên facebook Việt Nam bài viết thường được vài nghìn like, nhưng họ chẳng khác gì những diễn viên thú trong rạp xiếc. Thời gian đầu mới lên mạng họ khá hiền lành, mỗi ngày than thở vài câu, tản mạn dăm dòng, tối đến làm nửa tá thơ cóc, chia sẻ ảnh vợ con, cảnh đẹp quê hương đất nước... Đến một ngày nọ, do bức xúc gì đó, họ chửi bới xã hội và thấy được like nhiều hơn, thế là họ nhớ cái cảm giác được like ấy. Khi họ quay lại viết thơ tản mạn, tâm sự, chụp ảnh nói những điều tử tế thì chẳng mấy ai quan tâm. Dần dần họ thành kẻ chê bai mọi thứ…
Thật ra rất nhiều facebooker là nạn nhân của những kẻ like nọ, họ bị đám đông huấn luyện, chứ không phải là người dẫn dắt đám đông như họ lầm tưởng về mình. Cuộc sống thật tươi đẹp và lạc quan hơn nhiều so với những gì chúng ta chứng kiến hằng ngày trên mạng. Tuy nhiên mạng xã hội làm cho sự bất mãn dễ cộng hưởng, làm cho cái xấu và tin tức giả mạo dễ lan truyền nhanh và rộng. Đó cũng là điều mà rất nhiều người nhận ra. Tuy nhiên hiện nay họ vẫn kiếm được rất nhiều tiền từ đó, cho nên khó có hy vọng là họ sẽ làm gì để thay đổi triệt để.
Còn nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Ngọc thì cho rằng không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở phương Tây người ta đã ví đám đông là những con cừu, khi đi trên một cái thuyền người ta đẩy một con cừu xuống nước thì những con khác sẽ nhảy xuống theo. Mạng xã hội là một kênh thông tin, người ta có thể thông qua đó lôi kéo cộng đồng mạng, nên từ một vài người like rồi chục người like, trăm người like, thậm chí triệu người like cũng là theo một quán tính dễ hiểu. Chỉ có điều việc like ấy có thực sự là tốt đẹp không? Có văn hoá không là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Xu hướng của con người là thường thích những gì bất thường, cái bình thường thì họ lại không quan tâm. Nhưng những cái bất thường ấy đôi khi lại rất tầm thường. Rồi thị hiếu của đám đông là tò mò. Trong những năm tháng kháng chiến người ta sống với nhau thật đẹp, đối xử có lòng nhân ái vì những mục đích cao cả.
Người ta dâng hiến của cải, sẵn sàng từ bỏ gia đình giàu sang để vì những mục đích cho dân cho nước, người ta không hưởng thụ cá nhân, không sa vào chủ nghĩa duy vật tầm thường. Còn ngày nay, một bộ phận không nhỏ chú trọng thoả mãn nhu cầu cá nhân, ăn uống, chơi bời, hưởng thụ, thích gây ấn tượng bằng mọi cách, như bây giờ giới trẻ có từ “Sống ảo”. Sống ảo là khoác cái áo màu mè tô vẽ, diêm dúa không thực chất cốt chỉ để gây sự tò mò, chú ý.
Nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Ngọc đưa ra khẳng định: “Hiện nay người ta xây dựng gia đình văn hoá, lối sống văn hoá, nhưng vẫn chỉ là hình thức. Muốn xây dựng gia đình văn hoá thì trước tiên bố mẹ phải chú trọng đến văn hoá, phải là tấm gương cho con cái, ở cơ quan thì lãnh đạo phải gương mẫu. Nhưng cốt lõi nhất thì vẫn là giáo dục. Tại sao thanh niên bây giờ thờ ơ với văn hoá truyền thống? Giới trẻ thích mặc hở hang táo bạo hơn là áo dài cổ truyền kín đáo?
Xu hướng thích, cổ xuý cho phát ngôn gây sốc với cộng đồng mạng hơn là nói năng lễ độ, cử chỉ khuôn phép chuẩn mực. Phải định hướng để ngay từ nhỏ biết hướng đến cái đẹp. Giáo dục vẫn là điều cốt lõi, hình thành nhân cách, lối sống từ gia đình đến nhà trường, từ lứa tuổi nhỏ...”.
Xem thêm
Sau Khá Bảnh, kênh Youtube của Dương Minh Tuyền cũng bị khóa Youtube tiếp tục có động thái xóa các kênh bạo lực có truy cập cao tại Việt Nam. Sau Khá Bảnh, kênh Youtube của Dương ... |
Không chỉ Khá Bảnh, showbiz ở YouTube cũng ngập tràn giang hồ xăm trổ Không chỉ Khá Bảnh và những giang hồ mạng, chính trong giới nghệ sĩ cũng có không ít người đang kiếm tiền và cầu danh ... |
Đau đầu quản lý luồng tiền của các triệu phú online Từ trường hợp Khá "bảnh" đến nhiều trường hợp trước đó có thể thấy, khung pháp lý của Việt Nam hiện nay còn nhiều bất ... |
Khá Bảnh thực chất chỉ là ...văng tục, khoe của và bạo lực! (TĐO) - Bị công an bắt giữ điều tra, Khá Bảnh đặt dấu chấm hết cho một "hiện tượng MXH" thực chất là sự tổng ... |
Khá Bảnh đốt xe - dung dưỡng quảng cáo bẩn, YouTube có phạm luật? Việc một kênh YouTube đốt xe, so sánh và kêu gọi người xem mua một sản phẩm khác tạo tiền lệ xấu cho ngành quảng ... |
Nếu có ngày con bạn hâm mộ Khá Bảnh (TĐO) - Nếu có một ngày nào đó con trai mình cũng hâm mộ hay hứng thú với một nhân vật như Khá Bảnh mình ... |
Sự hâm mộ lệch chuẩn Khá Bảnh đang nổi lên như một thần tượng trên mạng xã hội (MXH) với không ít người, nhất là các em học sinh. |