Khá Bảnh đốt xe - dung dưỡng quảng cáo bẩn, YouTube có phạm luật?
Khá Bảnh đốt xe máy, luật sư nói gì? Nếu có ngày con bạn hâm mộ Khá Bảnh Sự hâm mộ lệch chuẩn |
- Các mặt hàng cấm tự do tiếp cận hàng triệu người dùng thông qua các video quảng cáo của KOLs. - YouTube chưa có chính sách cụ thể cho hình thức quảng cáo này. - Trách nhiệm của YouTube là gỡ bỏ các quảng cáo sai phạm núp bóng nội dung video. |
Ngày 28/3, nhân vật mạng Khá Bảnh đăng một video lên YouTube với tựa đề “đi xe máy tốn xăng bực mình đập xe”. Trong clip, Ngô Bá Khá (tên thật của Khá Bảnh) đi một chiếc xe tay ga nhưng kêu tốn xăng, sau đó rủ bạn của mình dùng gậy sắt đập nát chiếc xe.
Không dừng ở đó, Khá Bảnh còn châm xăng, đốt xe và khẳng định “đốt luôn không mọi người lại bảo đập xong lại sửa lại cho mới”. Hiện video này đã được kênh Khá Bảnh chủ động gỡ bỏ.
Tuy vậy, đây được xem là tiền lệ xấu của ngành quảng cáo khi nội dung so sánh, ảnh hưởng uy tín thương hiệu núp bóng nội dung trên YouTube. Từ đây, bất cứ thương hiệu nào cũng có thể bị ảnh hưởng xấu bởi sự tự do về nội dung trên các nền tảng mạng xã hội.
Sân chơi mới cho quảng cáo bẩn
Từ lâu, nội dung quảng cáo liên quan đến web cờ bạc, rượu mạnh hay so sánh trực tiếp hai thương hiệu bị nghiêm cấm trong Luật Quảng cáo.
Điều 7 Luật Quảng cáo 2012 quy định sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo “Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật".
Một mẫu quảng cáo lô đề, cờ bạc bên trong nội dung YouTube trên kênh Khá Bảnh. |
Dẫn quy định của Bộ luật Hình sự thì hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc đều là hành vi vi phạm pháp luật, Luật sư Phan Vũ Tuấn cho rằng việc quảng cáo cho các hành vi trên đã vi phạm quy định về quảng cáo do đã quảng cáo những sản phẩm, dịch vụ thuộc danh mục cấm quảng cáo. Có thể bị xử phạt như sau theo quy định tại nghị định 158/2013/NĐ-CP.
Các kênh quảng cáo chính thống như báo chí, truyền hình hay Facebook và Google Adsense đều nghiêm cấm quảng cáo cờ bạc, rượu...
Thế nhưng, KoLs (người có sức ảnh hưởng) đã tạo ra một khái niệm quảng cáo phái sinh trên nền tảng mạng xã hội được rất nhiều mặt hàng cấm hay những thương hiệu muốn chơi xấu đối thủ lợi dụng.
Mối nguy hại lớn nhất của hình thức quảng cáo này là chính người quảng cáo cũng không hiểu rõ hoặc cố tình không hiểu thứ mà mình đại diện truyền bá có ảnh hưởng xấu tới xã hội.
Trên YouTube cá nhân, rất nhiều lần Khá Bảnh quảng cáo cho các trang web cá cược bóng đá, lô đề, xóc dĩa...
Theo luật sư Vũ Tuấn, hành vi quảng cáo này còn vi phạm quy định tại Điều 18 Luật An ninh mạng 2018. Phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội “Chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng Internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền Internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng”.
Bên thuê dễ dàng chối bỏ trách nhiệm
Điển hình dễ thấy nhất cho việc YouTube bất lực trước nội dung quảng cáo thông qua KoLs là việc Khá Bảnh nhiều lần quảng cáo nền tảng Binomo - hình thức đánh bạc theo mô hình quyền chọn nhị phân.
Trong chính sách quảng cáo của mình, Google nêu rõ, việc quảng cáo quyền chọn nhị phân gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế. Vì vậy, các mẫu quảng cáo liên quan đến quyền chọn nhị phân bị cấm trên Google Adsense.
Thế nhưng, với việc kết hợp quảng cáo trong nội dung video, những sản phẩm độc hại này vẫn tiếp cận đến hàng triệu người xem mà không có cách nào quản lý.
Giao dịch nhị phân là hình thức cá cược bằng việc dự đoán chiều tăng hay giảm của một biểu đồ tiền tệ. Nhìn qua dễ lầm tưởng giao dịch nhị phân giống chứng khoán nhưng thực chất đây là cá cược ăn thua, một mất một còn.
Việc Khá Bảnh kêu gọi đốt xe để được tặng xe điện khó ai có thể nghĩ là "hành vi tự phát". |
Bên cạnh Khá Bảnh, nhiều kênh YouTube được nhãn hàng rượu mạnh đầu tư nội dung. Thực chất những nội dung này lợi dụng hình ảnh người nổi tiếng để quảng cáo.
Mối nguy hại thứ hai là việc bên thuê quảng cáo và KoLs có thể tuyên bố vô can bất cứ lúc nào. Từ đó, việc truy cứu trách nhiệm gần như là không thể.
Trong trường hợp Khá Bảnh quảng cáo cho hãng xe điện, dù nhiều YouTuber đã trình bằng chứng bộ phận KoLs Marketing của hãng chào mời họ tham gia chương trình quảng cáo phản cảm nhưng hãng vẫn một mực cho rằng đây là "hành vi tự phát" từ phía Khá Bảnh.
Chính điều này tạo ra tiền lệ xấu cho ngành quảng cáo. Một thời đại mà ai cũng có thể quảng cáo và nội dung quảng cáo rất khó kiểm soát dù ảnh hưởng rất lớn.
Từ tiền lệ của Khá Bảnh bất kỳ hãng nào cũng có thể thuê các nhà sáng tạo nội dung, đưa thông tin bất lợi về đối thủ. Chỉ cần không chứng minh được sự liên quan giữa hãng và chủ kênh thì thương hiệu bị hại không thể khiếu nại theo Luật Quảng cáo. Việc hãng xe điện cho rằng video đốt xe là "hành động tự phát" phần nào làm rõ được mối nguy hại của hình thức quảng cáo mới này.
Trách nhiệm của YouTube
Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng hiện đại, các phương tiện truyền thông như YouTube phát triển rất mạnh và thu hút lượng lớn người dùng, việc có quá nhiều đối tượng sử dụng YouTube bộc lộ ra nhiều thiếu sót trong khâu quản lý.
"Điển hình là gần đây YouTube đã phải xóa bỏ rất nhiều video có nội dung không phù hợp. Trong vụ việc trên, YouTube phải có trách nhiệm với những nội dung được phát hành từ người sử dụng YouTube", luật sư Vũ Tuấn nói.
Với gần 2 triệu người theo dõi, quảng cáo trên kênh YouTube của Khá Bảnh có sự ảnh hưởng không thua kém bất kỳ hình thức nào. |
Cũng theo luật sư, nếu các nội dung được phát hành vi phạm quy định của pháp luật thì YouTube phải có những biện pháp ngăn chặn trước khi phát hành. Việc YouTube thu lợi nhuận từ các nội dung được đăng tải thì YouTube phải chịu trách nhiệm về việc kiểm soát những nội dung phù hợp để đăng tải. YouTube cho phép phát hành những clip có nội dung vi phạm quy định về quảng cáo trước tiên YouTube sẽ phải gỡ bỏ những video vi phạm.
"YouTube là trang web của tổ chức nước ngoài có hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới được sử dụng rất nhiều tại Việt Nam, do đó YouTube thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 38/2016/TT-BTTT", luật sư Vũ Tuấn chia sẻ.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư này các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin công cộng qua biên giới đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam khi cung cấp thông tin công cộng cho người sử dụng tại Việt Nam. Nếu có hành vi vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ có Nguyên tắc, biện pháp và cơ chế phối hợp xử lý thông tin vi phạm trên mạng. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP để xác định các thông tin vi phạm cần gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập đến.
XEM THÊM
Tẩy chay phim có nghệ sĩ nhiều scandals: Quyền lực của người hâm mộ Sự việc tẩy chay bộ phim “Vu quy đại náo” và bộ phim “Hạnh phúc của mẹ” đang bị người hâm mộ tẩy chay đã ... |
Ra mắt tác phẩm mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: “Cảm ơn người lớn” TĐO-“Cảm ơn người lớn” còn là sự nhớ nhung của những người lớn vốn dĩ đã trưởng thành, bỗng nhớ lại những “vẻ vang” xưa ... |