Lãnh đạo ‘Bộ tứ’ chuẩn bị họp bàn chiến lược đối phó Trung Quốc
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Bloomberg |
Hoạt động này diễn ra khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như đang muốn thúc đẩy khuôn khổ hợp tác của 4 quốc gia lớn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan gọi đây là “nền tảng để xây dựng chính sách của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Theo nguồn tin, Mỹ đã đề xuất với 3 nước còn lại về việc tổ chức một hội nghị trực tuyến. Hội nghị có diễn ra hay không sẽ phụ thuộc vào Ấn Độ, quốc gia vốn giữ quan điểm thận trọng với khuôn khổ này.
Được biết, Ấn Độ là nước duy nhất trong “bộ tứ” có chung biên giới trên bộ với Trung Quốc và nằm ngoài các liên minh an ninh do Mỹ dẫn dắt.
Trong hội nghị dự kiến, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc hợp tác để hiện thực hoá chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do”, giữa bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động quyết liệt trong khu vực.
“Bộ tứ”, với tên đầy đủ là Đối thoại an ninh Bộ Tứ, ra đời từ năm 2004 nhằm ứng phó với trận động đất và sóng thần kinh hoàng trên Ấn Độ Dương.
Sau một giai đoạn gián đoạn, “bộ tứ” được hồi sinh từ năm 2017 và đã phát triển vượt ra khỏi lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, để gần đây tập trung thúc đẩy khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương “mở, tự do và bao trùm”, theo khẳng định của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Các ngoại trưởng của 4 quốc gia thuộc nhóm này gặp nhau lần đầu tiên ở New York vào năm 2019. Cuộc gặp thứ hai diễn ra ở Tokyo vào tháng 10 năm ngoái dù đại dịch COVID-19 đang diễn ra.
Sau cuộc gặp đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompoe hồi đó nói rằng chính phủ Mỹ hy vọng sẽ “thể chế hoá” nhóm “bộ tứ”, nói rằng nhóm này có năng lực để “đầy lùi” Trung Quốc.