Làm thế nào để ngăn ngừa đuối nước ở bể bơi và những khu vui chơi dưới nước?
Theo đó, chiều 12/6, bé trai hai tuổi cùng người thân vào công viên nước Thanh Hà ở phường Phú Lương, quận Hà Đông (Hà Nội) chơi, khi đang đi trên bờ sông lười (sông nhân tạo) bé bất ngờ ngã xuống nước và bị cuốn trôi. Nhân viên cứu hộ sau khoảng vài phút đưa cháu bé lên bờ, sơ cứu rồi đưa đi bệnh viện. Tuy nhiên, đến khoảng 5h30 ngày 13/6 cháu bé không qua khỏi.
Trước đó, ngày 4/6, tại bể bơi Đền Lừ thuộc trường Thể dục thể thao thanh thiếu nhi quận Hoàng Mai cũng xảy ra một vụ đuối nước. Chiều sâu nơi bé T. bị đuối nước khoảng 1,1m. Thời điểm sơ cứu tại chỗ, lúc này tim cháu vẫn đập. Lúc hô hấp nhân tạo, cháu nôn ra rất nhiều rau, phun cả vào nhân viên y tế. Hiện cán bộ nhà trường đang cùng gia đình túc trực, chăm sóc sức khỏe cho cháu T. ở bệnh viện.
Những trường hợp tai nạn đuối nước thường xảy ra ở trẻ em, nhất là vào những ngày hè, khi các em được nghỉ ngơi sau một năm học căng thẳng. Theo số liệu, tỷ lệ trẻ em Việt Nam bị đuối nước cao gấp 10 lần các nước đang phát triển. Để hạn chế tai nạn này, bố mẹ cần lưu ý những nguyên nhân gây đuối nước và biết các biện pháp phòng chống cho phù hợp.
Theo anh Thăng, Trưởng bộ phận cứu hộ công viên nước Royal City, rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra đuối nước tại các bể bơi và các bậc phụ huynh phải nắm được những nguyên nhân này để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Bé trai được sơ cứu sau khi đuối nước tại Công viên nước Thanh Hà. |
Thứ nhất, không nên cho trẻ con chơi cùng những đồ chơi như quả bóng, con vịt tại các bể bơi. Bởi trẻ con rất thích những vật lạ, nên khi ngồi trên phao, sẽ với tay để lấy được những món đồ chơi đó, rất dễ dẫn đến lật phao, chân tay các em sẽ đạp vào nước. Khi đó người lớn có khi lại tưởng các em đang đùa, nên thờ ơ với những hành động đó. Điều này vô cùng nguy hiểm. Nhân viên cứu hộ phải là người thực sự tỉnh táo, quan sát và cảnh báo được những điều đó mới có thể hạn chế được tai nạn đuối nước.
Thứ hai, khi đưa các bé đi bơi không được cho các bé ăn quá no dễ gây nôn ói khi xuống hồ, và trong trường hợp này nạn nhân dễ bị chết vì ngạt nước.Máu được lưu thông đến dạ dày nhằm phục vụ hệ tiêu hóa nghiền nát thức ăn, dẫn đến lượng máu lên não và các cơ quan khác không đủ nên có thể gây choáng váng, tạm mất ý thức hoặc các chứng chuột ruốt, vọp bẻ (chuột rút)khi bơi.
Cuối cùng, các bậc phụ huynh phải lựa chọn những bể bơi đạt tiêu chuẩn, có nhân viên cứu hộ, và đồng thời phải quan sát các bé 24/24 khi các bé xuống hồ bơi. Bởi chỉ sảy chân 1 phút cũng có thể gặp sự cố đáng tiếc.