Khoa học công nghệ là lĩnh vực cần thiết và thuận lợi cho hợp tác Việt Nam - Ấn Độ
Thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Ấn Độ Ngày 18/12, tiếp tục các hoạt động thăm chính thức Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến thăm bang Karnataka, gặp Thống đốc bang Thawar Chand Gehlot và lãnh đạo bang Karnataka. |
Việt Nam và Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Việt Nam sẵn sàng đón các nhà làm phim Bollywood sang quay phim tại các danh lam thắng cảnh nổi tiếng; xem xét tổ chức nhiều hơn nữa các hội thảo xúc tiến du lịch. |
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu. |
- Thưa Đại sứ, sự kiện lớn nhất gần đây của quan hệ hai nước về hợp tác khoa học công nghệ và khởi nghiệp là gì? Vì sao chúng ta chọn chủ đề này?
Tháng 8 năm 2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Gặp gỡ Việt Nam: Đầu tư công nghệ cao và khởi nghiệp”. Đại sứ quán cũng đã tổ chức các hội thảo kết nối hai nước trong nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, đây là lần đầu tiên đại sứ quán tổ chức hội thảo trong lĩnh vực công nghệ cao và khởi nghiệp. Có 3 lý do để đại sứ quán tổ chức hội thảo về chủ đề này:
Thứ nhất, hội thảo được tổ chức nhân dịp Đại sứ quán khai trương văn phòng lãnh sự danh dự của Việt Nam tại bang Karnataka. Đây là bang có thủ phủ là thành phố Bangalore, nơi được mệnh danh là thung lũng silicon của Ấn Độ, nơi tập trung rất nhiều công ty, tập đoàn công nghệ lớn của Ấn Độ và thế giới. Nơi đây cũng là cái nôi với nhiều chính sách thúc đẩy phát triển hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, là bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của Ấn Độ trở thành các công ty unicorn (công ty có trị giá trên 1 tỷ USD). Trong số 81 công ty unicorn của Ấn Độ, có 33 công ty (chiếm 40,5%) có khởi đầu và đặt trụ sở chính tại thành phố Bangalore.
Tháng 8 năm 2021, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Gặp gỡ Việt Nam: Đầu tư công nghệ cao và khởi nghiệp”. |
Thứ hai, Ấn Độ là quốc gia có thế mạnh về khoa học công nghệ (KHCN) và khởi nghiệp. Trong năm 2021, Ấn Độ đã ban hành chính sách mới về KHCN và Đổi mới sáng tạo, trong đó đặt mục tiêu trở thành cường quốc đứng thứ 3 trên thế giới về lĩnh vực KHCN. Trong những năm qua, Ấn Độ cũng tập trung thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực khoa học mà Việt Nam có thể hợp tác, học hỏi kinh nghiệm. Đối lĩnh vực khởi nghiệp, hiện Ấn Độ có hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đứng thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Ấn Độ có nhiều trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo lớn như Bangalore, Delhi, Mumbai, Hyderabad, Gujarat... và hệ thống các công ty khởi nghiệp với số lượng rất lớn (hơn 6.000 doanh nghiệp). Nhiều công ty đã trở thành các công ty unicorn.
Thứ ba, lĩnh vực KHCN là lĩnh vực mà Việt Nam đang muốn thúc đẩy hợp tác với các quốc gia có tiềm năng, thế mạnh, bao gồm cả Ấn Độ. Ngoài ra, KHCN cũng là một trong các trụ cột hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Trong thời gian qua, Đại sứ quán và đơn vị chuyên trách về KHCN là Văn phòng KHCN Việt Nam tại Ấn Độ đã tích cực triển khai các hoạt động hợp tác nhằm thúc đẩy lĩnh vực KHCN giữa 2 nước. Năm 2021, nhiều hoạt động đã được tổ chức và đạt kết quả tích cực.
- Thưa Đại sứ, ông kỳ vọng gì vào sự hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp của hai nước?
Việt Nam đang thúc đẩy hợp tác lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với nhiều quốc gia có thể mạnh như Mỹ, Israel, Singapore... Tuy nhiên, đối với Ấn Độ, việc hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này còn hạn chế. Hội thảo tại Karnataka do Đại sứ quán tổ chức hồi tháng 8 là sự kiện lớn đầu tiên trong năm 2021 trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, tháng 11 vừa qua, Văn phòng KHCN Việt Nam tại Ấn Độ cũng đã kết nối để Việt Nam tham gia Diễn đàn công nghệ Bangalore 2021, trong đó giới thiệu các chủ chương, chính sách và tình hình phát triển, các mô hình hỗ trợ phát triển lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam với cộng đồng thế giới và Ấn Độ.
Tháng 12, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam cũng tham dự Diễn đàn công nghệ toàn cầu năm 2021 do Viện Carnegie Ấn Độ kết hợp với Bộ Ngoại giao Ấn Độ tổ chức. Đây là các sự kiện rất uy tín về lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Ấn Độ được tổ chức trong nhiều năm qua. Các sự kiện này cũng được thế giới hết sức quan tâm; nhiều lãnh đạo, chuyên gia của các công ty, tập đoàn lớn về công nghệ của thế giới đã tham gia.
Đại sứ Phạm Sanh Châu trong lễ ký Bản thoả thuận giữ bí mật (NDA) giữa Công ty Vekaria Healthcare LLP của Ấn Độ với Công ty Nanogen của Việt Nam để chuyển giao công nghệ, sản xuất và phân phối vaccine Nanocovax, ngày 9/8/2021. Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Ấn Độ |
Ấn Độ đã rất thành công trong việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nên Việt Nam cần tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và kêu gọi các nguồn lực, sự hỗ trợ của các đối tác, nhà đầu tư Ấn Độ để giúp hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam phát triển, các công ty khởi nghiệp của Việt Nam có điều kiện mở rộng hợp tác, tiến vào thị trường thế giới nhanh hơn, vững chắc hơn. Thông qua việc tổ chức và kết nối để Việt Nam tham gia các sự kiện lớn về công nghệ, khởi nghiệp tại Ấn Độ, Đại sứ quán hy vọng các tổ chức, cá nhân của hai nước sẽ có nhiều hợp tác cụ thể trong lĩnh vực này trong thời gian tới.
- Xin ông cho biết đánh giá của mình về tiềm năng phát triển khoa học – công nghệ của Ấn Độ?
Năng lực và tiềm năng phát triển lĩnh vực KHCN của Ấn Độ đã được khẳng định từ lâu. Trong quá khứ, nhiều phát minh, công trình khoa học trong lĩnh vực toán học, thiên văn học, y học... là do người Ấn Độ nghiên cứu, phát triển. Thời hiện đại, các nhà khoa học của Ấn Độ cũng đã thành công trong nhiều lĩnh vực như: hạt nhân, vũ trụ, nông nghiệp như cuộc cách mạng xanh trong nâng cao năng suất lương thực, cách mạng trắng trong chăn nuôi bò sữa... Và hiện nay, các nhà khoa học Ấn Độ tiếp tục khẳng định năng lực và vị trí của mình trên bản đồ khoa học của thế giới. Hàng năm, các nhà khoa học Ấn Độ công bố số lượng bài báo khoa học đứng thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ. Ấn Độ đã thành công trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ hiện đại trong lĩnh vực năng lượng như: năng lượng hạt nhân, điện mặt trời, sinh khối...; y tế như :sản xuất thuốc generic, vắc xin, các trang thiết bị y tế… nói chung và đặc biệt là phòng chống dịch Covid-19, đã nghiên cứu, phát triển thành công nhiều vắc xin bản địa và các thiết bị y tế phục vụ trực tiếp cho phòng chống dịch, không phụ thuộc vào nước ngoài, nông nghiệp như nghiên cứu, chọn tạo nhiều giống cây có năng suất, chất lượng, cơ khí chế tạo về sản xuất ô tô, xe máy, đóng tàu thủy, điện tử - công nghệ thông tin gồm: sản xuất phần mềm, các nền tảng chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực y tế, ngân hàng, giáo dục...; môi trường như: xử lý rác thải, nước thải, bảo tồn nguồn nước sạch...
Nhiều lĩnh vực Ấn Độ đã có thể tự chủ hoàn toàn trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất. Ấn Độ có thể tự cung ứng cho nhu cầu trong nước quy mô 1,3 tỷ dân và xuất khẩu cho các nước khác. Việc nhanh chóng triển khai nghiên cứu, phát triển và sản xuất đáp ứng nhu cầu trong nước và cung ứng cho nước ngoài các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua như khẩu trang, đồ bảo hộ, ô xy y tế, vắc xin, máy thở... là bằng chứng thuyết phục nhất của KHCN Ấn Độ.
- Theo Đại sứ, hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ về lĩnh vực này có những thuận lợi cơ bản nào?
Hiện nay có thể nói là thời điểm hết sức thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực KHCN, cụ thể:
Hai nước có quan hệ rất tốt đẹp, đặc biệt từ năm 2016 đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, tập trung 5 trụ cột hợp tác, trong đó KHCN là một trụ cột quan trọng. Năm 2022 sẽ kỷ niệm 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Ấn Độ và Việt Nam có tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực KHCN. |
Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên trao đổi, điện đàm để trao đổi về tình hình và các giải pháp để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực KHCN.
Việt Nam được coi là quốc gia có vị trí quan trọng trong chiến lược Hành động hướng Đông của Ấn Độ tại khu vực; ngoài ra, Ấn Độ cũng là quốc gia có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Việt Nam và Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng về văn hóa nên việc hợp tác có thể được triển khai thuận lợi.
- Để thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong lĩnh vực này, trước mắt theo ông nên ưu tiên lựa chọn những mũi nhọn nào?
Ấn Độ và Việt Nam có tiềm năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực KHCN. Trong những năm qua, hai nước đã có hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực như: năng lượng, CNTT... Tuy nhiên, các lĩnh vực chưa đa dạng và hiệu quả chưa cao. Trong thời gian tới, hai bên cần tập trung vào các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như: năng lượng mới, năng lượng tái tạo; sản xuất thuốc, vắc xin; khởi nghiệp; chuyển đổi số; cơ khí chế tạo như sản xuất ô tô, xe máy, đóng tàu; công nghệ sinh học trong y tế, nông nghiệp; xử lý rác thải, nước thải; quản lý và bảo tồn nước sạch...
- Thưa Đại sứ, để việc hợp tác đạt hiệu quả cao nhất, trong thời gian tới, công tác xây dựng chính sách của Việt Nam cần tập trung vào những điểm trọng yếu nào?
Thời gian gần đây, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nước, trong đó có đối tác Ấn Độ. Việc quan trọng là sự tích cực, chủ động của các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy việc hợp tác, kết nối hai bên. Trong lĩnh vực KHCN thì vai trò chủ trì của Bộ KHCN cùng với các cơ quan phụ trách về KHCN của các bộ, ngành và các doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Cần có kế hoạch rà soát, đánh giá lại tình hình hợp tác KHCN giữa Việt Nam và Ấn Độ ở các cấp, các cơ quan, trên cơ sở đó đề ra chương trình, kế hoạch và mục tiêu, nội dung cụ thể cho việc triển khai hợp tác với Ấn Độ. Trên cơ sở đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Văn phòng KHCN sẽ là các địa chỉ tại địa bàn để phối hợp triển khai các hoạt động kết nối hợp tác hai bên. Nếu có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan thì việc hợp tác giữa hai bên trên lĩnh vực KHCN sẽ phát triển tốt đẹp.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ!