NSND Chu Thúy Quỳnh: “Tình cảm đất nước, con người Ấn Độ là tài sản vô giá của tôi”
Người Việt Nam “sinh ra để múa Ấn Độ”
NSND Chu Thúy Quỳnh tiếp chúng tôi trong phòng khách Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam – nơi lưu giữ rất nhiều bức ảnh về những năm tháng hoạt động nghệ thuật của bà. Trong đó có những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc NSND Chu Thúy Quỳnh biểu diễn các tiết mục múa cổ điển Ấn Độ.
Lần theo từng tấm ảnh, NSND Chu Thúy Quỳnh nhớ lại những ngày đầu theo học múa cổ điển trên đất Ấn. Khi đó bà đã ngoài 40 tuổi, độ tuổi được cho là không còn phù hợp để theo học múa, nhất là với loại hình múa với nhiều kỹ thuật phức tạp như múa cổ điển Ấn Độ. Thầy giáo của Chu Thúy Quỳnh lúc đó rất phân vân vì thường chỉ những người chuyên về múa cổ điển mới theo học múa cổ điển Ấn Độ. Cũng chưa có người học trò nào muốn theo học múa cổ điển Ấn Độ khi đã ở vào độ tuổi này.
Trong suốt một tháng sau đó, thầy giáo chỉ cho bà tập đi tập lại động tác dậm chân. Nếu múa Việt Nam thiên về kỹ thuật lướt, trôi trên sân khấu, thì múa Ấn Độ phải dậm được bàn chân xuống sàn tạo thành các âm thanh. Có lẽ bởi chính đặc trưng này mà nhà thơ Tagore từng ngợi ca “Mặt đất, dưới gót chân em, vang lên như một thụ cầm”. Đương nhiên, để thực hiện đúng dù chỉ các động tác dậm châm, người học phải trải qua quá trình khổ luyện rất gian nan, vất vả.
“Mùa đông ở Ấn Độ rất lạnh. Đôi chân trần tập mãi động tác dậm chân trầy xước da chảy máu. Vết trầy xước này chưa kịp liền da, vết trầy xước khác đã xuất hiện”, NSND Chu Thúy Quỳnh nhớ lại.
Khó khăn, thử thách không ngăn được đam mê và mong muốn học hỏi nghệ thuật múa cổ điển Ấn Độ của người học trò Việt Nam. Càng khó khăn, Chu Thúy Quỳnh càng dày công khổ luyện. Thấy bà kiên trì và nỗ lực, thầy giáo rất hài lòng và dốc sức truyền đạt. Các kỹ thuật múa phức tạp hơn lần lượt được thầy hướng dẫn tận tình. Thầy cũng đã tặng cho Chu Thúy Quỳnh cuốn giáo trình công phu về các điệu múa miền Nam Ấn Độ do thầy biên soạn với dòng chữ đề tặng: “Chu Thúy Quỳnh – người sinh ra để múa Ấn Độ“.
NSND Chu Thúy Quỳnh và các nghệ sĩ được Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee gặp mặt, động viên sau một buổi biểu diễn. Ảnh NVCC |
Về sau, Chu Thúy Quỳnh còn theo học thêm các lớp múa khác ở Ấn Độ. Ở lớp học nào, bà cũng đều nhận được chỉ bảo ân cần, tận tình của các thầy, cô giáo. Không chỉ truyền đạt kiến thức, các thầy còn giúp bà hiểu thêm về văn hóa Ấn Độ qua các điệu múa, đồng thời tạo mọi điều kiện để Chu Thúy Quỳnh được tham gia các chương trình giao lưu biểu diễn.
“Cùng với các thầy cô giáo, người dân Ấn Độ cũng cho tôi cảm giác thân thiết như ở quê hương Việt Nam mình. Có lần đi học, do thói quen đi lề bên phải ở Việt Nam trong khi ở Ấn Độ thì ngược lại, tôi bị ôtô ngược chiều hất văng xuống đường. Chứng kiến cảnh đó, những người dân ở xung quanh đã chạy đến giúp đỡ tôi kiểm tra vết thương. Biết tôi sống ở cư xá gần đó, mọi người tận tình đưa tôi về nhà. Hàng xóm quanh nhà nghe tin cũng vội chạy sang hỏi thăm, động viên và chăm sóc suốt nhiều ngày sau đó.
Trong thời gian sinh sống, học tập tại Ấn Độ, đặc biệt là trong những thời khắc khó khăn, tôi đều nhận được sự giúp đỡ tận tình của đất nước, người dân Ấn Độ. Không chỉ dừng ở tình hữu nghị mà cao hơn, tôi có được tình cảm của người mẹ, người chị, người bác, người anh, cả những vị lãnh tụ vĩ đại ở bên Ấn Độ. Điều đó giúp tôi nguôi ngoai phần nào nỗi nhớ nhà, có thêm nguồn động lực để theo đuổi đam mê nghề múa”, NSND Chu Thúy Quỳnh chia sẻ.
Nhịp cầu nối kết tình đoàn kết hữu nghị
Chia sẻ về đặc trưng của nghệ thuật múa Ấn Độ, NSND Chu Thúy Quỳnh cho biết, “múa Ấn Độ có chữ trong các động tác”, sử dụng nhiều các động tác lắc cổ, đảo mắt. Mọi chuyển động của ngón tay, bàn tay kết hợp cùng các cử động của cơ thể, về phía trước, sau, sang phải, sang trái... đều biểu tượng cho một hình tượng nào đó như mặt trời, hoa sen nở, cánh chim… Múa Việt Nam lại sử dụng nhiều đến các cử động của bàn tay.
Trên cơ sở những nét tương đồng trong các động tác tay, quá trình biên soạn một số tiết mục múa, các nghệ sĩ có thể tham khảo, tiếp thu cách thức mở tay của múa Ấn Độ và cải tiến để các động tác múa cụ thể, dễ hình dung, có sự liên kết với nhau. Việc tiếp thu, học hỏi có sự chọn lọc và trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
NSND Chu Thúy Quỳnh chia sẻ với Thời Đại về những kỷ niệm đẹp tại Ấn Độ. Ảnh Phạm Công |
Trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ ngày càng sâu rộng, đi vào thực chất trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, NSND Chu Thúy Quỳnh cho rằng, cần tăng cường thêm các hoạt động giao lưu văn hóa giữa hai nước, nhất là đối với các bạn trẻ -thế hệ tương lai của tình hữu nghị giữa hai nước. Theo NSND Chu Thúy Quỳnh, văn hóa của mỗi dân tộc như một bức tranh đa sắc màu. Muốn chuyển tải được vẻ đẹp của bức tranh muôn màu ấy, không gì tốt hơn là hòa mình trong không gian văn hóa của các cộng đồng, quan sát, học hỏi, tìm tòi.