Hội Hữu nghị Séc-Việt “bắt tay” tìm giải pháp phục hồi kinh tế "hậu COVID”
Hàng hóa Việt Nam được ưa chuộng tại Séc
Trong những năm qua, Việt Nam luôn coi Séc là cửa ngõ, là khu vực quan trọng của hàng hóa Việt Nam vào EU. Ông Milos Kusy, Chủ tịch Hội hữu nghị Séc-Việt cho rằng, các các sản phẩm của Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã và đang khẳng định được vị trí của mình tại thị trường Séc. Người tiêu dùng Séc rất thích các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là giày dép có chất lượng tốt và giá thành hợp lý. Gạo và cà phê Việt Nam cũng là những mặt hàng được ưa chuộng.
Dịch COVID-19 bùng phát, không chỉ gây tổn thất nặng nề về sinh mạng con người và khủng hoảng y tế toàn cầu mà còn trở thành một thách thức rất lớn đối với mọi nền kinh tế trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam và Séc. Trong bối cảnh khó khăn đó, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đi vào hiệu lực từ 1/8/2020, trong khi EVIPA cũng đang được nghị viện các quốc gia EU xem xét phê chuẩn đã thực sự mở ra những cơ hội quý giá cho việc tiếp cận thị trường, thông thương hàng hóa giữa Việt Nam và EU, mà Séc là quốc gia thành viên.
Sản phẩm Việt Nam được khách hàng quan tâm tại Siêu thị Tamda Foos. (Ảnh: Hồng Kỳ/Vietnam+) |
Theo các đại biểu, Séc đóng vai trò là đầu mối hợp tác Việt Nam-EU, là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường EU. Nhờ có EVFTA cũng như nỗ lực của cả hai phía, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19, nhất là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, quan hệ hợp tác thương mại song phương vẫn đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
Năm 2020, thương mại song phương đạt 1,5 tỷ USD, tăng 22%. Trong 6 tháng đầu năm, con số này đã tăng lên 28%, trong đó xuất khẩu của Séc sang Việt Nam tăng trưởng cao ở mức 38% và chiều ngược lại là 27%. Đây là con số đáng kinh ngạc của cả hai bên bất chấp những thách thức, ảnh hưởng từ đại dịch.
Nhiều đại biểu là lãnh đạo, nhà quản lý các doanh nghiệp Séc đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, đồng thời mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy hải sản, hàng may mặc và đặc biệt là các sản phẩm thuộc ngành hàng da giày.
Phía Séc cũng bày tỏ quan tâm đến khả năng hợp tác trong những lĩnh vực khác, như lĩnh vực hàng không dân dụng, nhất là hợp tác đào tạo phi công cho Việt Nam và mở thêm các đường bay thẳng giữa hai nước.
Gỡ rào cản pháp lý, thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp
Thông tin tại Hội thảo Doanh nghiệp Séc-Việt do Đại sứ quán Việt Nam và Hiệp hội quản lý Séc (CMA) tổ chức ngày 10/11 vừa qua, ông Thái Xuân Dũng, Đại sứ Việt Nam tại Séc cho biết: “Trong bối cảnh hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU đã có hiệu lực, Cộng hòa Séc và Việt Nam đều tìm kiếm những biện pháp thúc đẩy hoạt động phục hồi kinh tế sau dịch.
Thời gian tới, nhiệm vụ của cơ quan đại sứ quán là tận dụng lợi thế của hiệp định EVFTA để tăng cường thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước, vì mục đích lâu dài và lợi ích của nhà nước nhân dân hai nước và có những biện pháp cụ thể giúp kinh tế hai bên phục hồi tốt sau đại dịch COVID-19”.
Hàng năm Hội Hữu nghị Séc – Việt đều tổ chức các diễn đàn, hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp Séc và Việt Nam nhằm giới thiệu tiềm năng hợp tác về thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam và Séc |
Theo đại diện một số doanh nghiệp Séc, các cơ chế, chính sách đầu tư, thủ tục hành chính là những quan tâm của doanh nghiệp trong hợp tác với Việt Nam. Ngoài ra còn có vấn đề nâng cao chất lượng hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Séc và EU, trong khi giá thành sản phẩm vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý. Các doanh nghiệp cũng cho rằng hai bên cần tăng cường phối hợp, trao đổi để cùng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là cần tận dụng tối đa những thuận lợi do EVFTA và có thể tới đây là cả EVIPA đem lại.
Những ý kiến của giới doanh nghiệp Séc tại Hội thảo cho thấy để thành công trong hợp tác, bên cạnh sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của chính phủ, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực nâng tầm, trước hết là nâng cao hơn nữa chất lượng, mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với thị trường.
Đặc biệt, với xu hướng tiêu dùng ưa chuộng các sản phẩm gắn với tự nhiên hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam cần có quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, sản phẩm làm ra phải bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng cũng như đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Séc và EU. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp, thái độ phục vụ đối với khách hàng và tăng cường quảng bá thương hiệu.
Theo đại diện lãnh đạo Hội Hữu nghị Séc-Việt, hàng năm Hội đều tổ chức các diễn đàn, hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp Séc và Việt Nam nhằm giới thiệu tiềm năng hợp tác về thương mại, đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam và Séc cũng như tìm hiểu, trao đổi thông tin về thị trường và môi trường đầu tư hai nước. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần tranh thủ các diễn đàn để quảng bá tốt hơn nữa thương hiệu và các sản phẩm của mình. |
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ