HKI tập huấn, thay đổi hành vi vệ sinh trong cộng đồng ở Lai Châu
Tại buổi tập huấn ngày 4/5. Ảnh: HKI |
Sáng ngày 4/5, tổ chức Helen Keller International (HKI) Việt Nam phối hợp với Ban quản lý Chương trình HTPT huyện Tam Đường (Lai Châu) bắt đầu khóa tập huấn 3 ngày “Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ - CLTS”.
Tham dự lớp tập huấn có 25 học viên là các cán bộ trạm Y tế xã, bí thư/trưởng bản, cán bộ Phụ nữ/Y tế bản, và các Thúc đẩy viên thôn/bản thuộc 2 xã dự án Sơn Bình và Nà Tăm, huyện Tam Đường.
Trong ngày tập huấn đầu tiên, các tham dự viên có cơ hội cùng nhau chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, mong đợi, và trao đổi về các khó khăn, vướng mắc trong việc vận động bà con thực hành vệ sinh tích cực tại hộ gia đình và trong cộng đồng. Kiến thức và kỹ năng truyền thông dựa vào cộng đồng là các nội dung quan trọng được giảng viên truyền đạt tới các học viên trong ngày đầu tiên.
Ở những ngày tập huấn tiếp theo, các học viên sẽ được học và có cơ hội cùng nhau thực hành về phương pháp lập kế hoạch hành động thôn bản về vệ sinh môi trường, cách tư vấn cho hộ gia đình lựa chọn xây dựng và sử dụng loại nhà vệ sinh phù hợp...
Cuối đợt tập huấn, các học viên sẽ có nửa ngày đi thực tế tại một bản thuộc xã Sơn Bình.
Một buổi kích hoạt tại bản Khe Ngang – Ngân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Ảnh: Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn |
“Vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ” là một phương pháp mới nhằm đạt được và duy trì tình trạng không phóng uế bừa bãi thông qua việc hướng dẫn cộng đồng phân tích thực trạng vệ sinh, thói quen đi vệ sinh và hậu quả của nó.
Phương pháp này giúp người dân tự nhận thức được vấn đề của việc đi vệ sinh ngoài trời và tự lựa chọn cho mình phương thức phù hợp để giải quyết vấn đề trên. Không giống các cách tiếp cận khác trợ cấp bằng tiền mặt hoặc vật tư cho hộ gia đình và chú trọng vào xây dựng nhà vệ sinh, CLTS tập trung vào động cơ làm thay đổi hành vi vệ sinh của cộng đồng.
CLTS là từ viết tắt của tiếng Anh từ cụm từ “Community – led total sanitation” nghĩa là vệ sinh tổng thể do cộng đồng làm chủ. CLTS được Tiến sĩ Kamal Kar giới thiệu đầu tiên tại Ấn Độ và hiện nó đã được triển khai tại gần 30 quốc gia trên thế giới.
Nội dung chính của CLTS là “kích hoạt” - “ Triggering”, tại đây, những cộng tác viên sẽ thuyết phục cộng đồng thông qua việc hướng dẫn cộng đồng vẽ sơ đồ về vị trí nhà ở và vị trí mà họ hay đi vệ sinh ngoài trời, sau đó thực hiện các tính toán đơn giản để tính số lượng phân mà cộng đồng thải ra môi trường sống và phân tích con đường lây nhiễm từ phân đến miệng. Qua 12 bước chứng minh cho người dân thấy sự thải phân tự do ra môi trường chắc chắn phân sẽ trở lại miệng mình.
Nhờ các hoạt động trên mà vấn đề về đi vệ sinh ngoài trời được trực quan một cách rõ ràng và sinh động, tạo cho người dân có cảm giác sốc, ghê sợ, kinh tởm và xấu hổ từ đó tự nguyện tìm cách từ bỏ thói quen đi vệ sinh ngoài trời bằng việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu./.
Xem thêm
Trung Quốc sẽ xây nhà vệ sinh 'sinh thái' trên nóc nhà thế giới Những người leo núi có “nhu cầu tự nhiên” trên đỉnh Everest sẽ sớm tìm thấy một nhà vệ sinh "thân thiện với môi trường" ... |
Học người Nhật Bản ý thức giữ vệ sinh môi trường TĐO-Du khách quốc tế hầu hết ai cũng choáng ngợp trước đường phố... không bóng rác tại Nhật Bản. Không phải ngẫu nhiên Nhật Bản ... |
HKI khám mắt miễn phí cho 6.200 học sinh tại Nam Định từ đầu năm 2017 TĐO – Ngày 15/5, tổ chức từ thiện Helen Keller Việt Nam (HKI VN) phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Hải Hậu đã ... |