Hậu phương vững chắc của những người lính nơi tuyến đầu
Nhịp sống đảo chìm Trường Sa: Pháo đài vững chắc giữa ngàn khơi |
Hình ảnh người lính Việt Nam giữa lòng Singapore |
Thượng úy Triệu Văn Hùng, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Y Tý, BĐBP Lào Cai và vợ - cô giáo mầm non Sần Hải Yến cùng ê kíp của chương trình “Điều ước thứ 7” trong lễ cưới đặc biệt của mình. Ảnh: VTV |
Đám cưới đặc biệt của người lính
Đối với Thượng úy Triệu Văn Hùng, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Y Tý, BĐBP Lào Cai, ngày anh trao chiếc nhẫn cưới cho cô dâu Sần Hải Yến, giáo viên Trường Mầm non Dền Thàng, xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai chắc chắn sẽ là ngày đẹp nhất trong cuộc đời của anh. Đây là đám cưới đặc biệt nhất, khi không có thiệp mời và sự chuẩn bị của “chính chủ” mà là một điều bí mật, bất ngờ được thực hiện bởi ê kíp trong chương trình “Điều ước thứ 7” như một lời tri ân đến những người lính Biên phòng nơi tuyến đầu chống dịch...
Nhân dịp Thượng úy Triệu Văn Hùng cùng đồng đội đến Đài Truyền hình Việt Nam để ghi hình cho chương trình Chiến sĩ 2020, ê kíp “Điều ước thứ 7” đã đón cô dâu Hải Yến và bố mẹ anh Hùng xuống Hà Nội. Tại đây, đôi uyên ương được tổ chức một bữa tiệc cưới ấm cúng trước sự chứng kiến của người thân và bạn bè.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Triệu Văn Hùng cho biết, trước đó, hai gia đình đã làm thủ tục dạm ngõ và dự kiến, hai người sẽ đi đăng ký kết hôn, làm lễ rước dâu rồi tổ chức tiệc cưới vào ngày 28-4-2020. Kế hoạch là vậy, nhưng dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ dự tính của cặp vợ chồng trẻ. Thượng úy Hùng cùng đồng đội phải duy trì 100% quân số tại đơn vị để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh ở tuyến đầu biên giới từ tháng 1-2020.
Vẫn còn xúc động trong từng lời nói của mình, Thượng úy Hùng chia sẻ, đám cưới “đặc biệt” được tổ chức cách đây 1 tháng, nhưng mọi cảm xúc trong anh vẫn còn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua. Anh nói: “Vì thực hiện nhiệm vụ, lâu lắm rồi tôi mới được gặp lại người con gái trong trái tim của mình. Cảm xúc được dồn nén bao nhiêu lâu nay dường như vỡ òa ra, nhất là lại ở chính đám cưới bất ngờ của mình...".
Ngay sau đám cưới, Thượng úy Triệu Văn Hùng lại cùng những đồng đội của mình quay trở về đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên tuyến biên giới. Còn đối với cô giáo Sần Hải Yến, chị tiếp tục quay trở lại công việc của mình và luôn là hậu phương vững chắc để anh yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Mong ngóng được ôm con thơ
Thiếu úy Nguyễn Mạnh Hiệp, nhân viên Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Chiềng Tương, BĐBP Sơn La lại có một hoàn cảnh khác. Vì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên các tổ chốt dã chiến ở khu vực biên giới, ngày vợ sinh con trai đầu lòng, anh không thể ở bên cạnh để chào đón thiên thần nhỏ của mình, bao cảm xúc yêu thương dành cho vợ và con đều qua màn hình điện thoại di động.
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu úy Nguyễn Mạnh Hiệp cho biết: “Nhà chỉ cách đơn vị hơn 10km, bao dự định đã được hai vợ chồng chuẩn bị trước đó để chào đón con trai đầu lòng nhưng phải gác lại. Thương vợ, nhớ con, tôi luôn lấy đó làm động lực cùng đồng đội bám chốt, vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm giữ vững an ninh trật tự ở khu vực biên giới”.
Thiếu úy Nguyễn Mạnh Hiệp, nhân viên Đội Vũ trang, Đồn Biên phòng Chiềng Tương, BĐBP Sơn La cùng vợ và con trai đầu lòng. Ảnh: Kim Linh |
Trong những ngày cuối tháng 5 vừa qua, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, Thiếu úy Hiệp đã được về nhà thăm vợ và con trai. Niềm vui như vỡ òa với người bố trẻ khi lần đầu tiên được nhìn và bế con trên tay. Không có niềm hạnh phúc nào có thể diễn tả được khi gia đình nhỏ của người lính trẻ được đoàn tụ sau một thời gian dài xa cách. Bế con trai nhỏ trên tay, Thiếu úy Nguyễn Mạnh Hiệp xúc động nói: “Cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài, trong thời gian tới, tôi và đồng đội sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà cấp trên giao cho...”.
Chị Phạm Phương Anh, ở bản Hang Mon 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (vợ Thiếu úy Nguyễn Mạnh Hiệp) cho biết: “Từ lúc sinh con đến bây giờ là hơn 3 tháng, chồng mới được về nhà để thăm hai mẹ con. Mặc dù có chút buồn, nhưng mình luôn cảm thông và động viên anh yên tâm công tác, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ...”.
Do yêu cầu nhiệm vụ, những người lính mang quân hàm xanh không thể về thăm gia đình, phải gác lại mọi tình cảm riêng tư để tập trung hoàn thành nhiệm vụ, mọi việc gia đình đều nhờ hậu phương lo toan, gánh vác. Câu chuyện của Thượng úy Triệu Văn Hùng và Thiếu úy Nguyễn Mạnh Hiệp là hai trong nhiều câu chuyện đầy cảm xúc của những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc. Qua đó thấy được hậu phương vững chắc thì tiền tuyến mới vững vàng. Có lẽ vì vậy mà những người mẹ, người vợ của các cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn sẵn sàng gác lại những nỗi lòng riêng, trở nên kiên cường, mạnh mẽ, là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với những người lính đang ngày đêm “ăn gió, nằm sương” nơi biên thùy.
Tự hào Việt Nam: Chương trình ý nghĩa tri ân những người nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 Tối ngày 23/6, tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, chương trình giao lưu chính luận "Tự hào Việt Nam" được diễn ra nhằm ... |
Chuyện thoát nghèo của anh chàng người H’Mông nơi vùng biên Không chấp nhận hoàn cảnh khó khăn, vất vả và đói nghèo anh Vàng A Là - một nông dân ở vùng đất biên giới ... |
Vùng Cảnh sát biển 1 - Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền Củng cố thế trận lòng dân, an ninh nhân dân trên biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và là điểm tựa ... |