Đức bình luận gì về lời kêu gọi chấm dứt xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2?
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Reinische Post được công bố ngày 6/2, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, quan hệ năng lượng gần như là cầu nối cuối cùng giữa Nga và châu Âu, không nên phá hủy.
Cụ thể, ông Steinmeier bày tỏ quan điểm này khi bình luận về những lời kêu gọi chấm dứt xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 vốn lại vang lên mạnh mẽ ở Liên minh châu Âu (EU) do vụ việc kiên quan đến blogger đối lập của Nga Alexei Navalny.
"Sau khi quan hệ từng bước xấu đi trong những năm qua, mối quan hệ trong lĩnh vực năng lượng gần như là cầu nối cuối cùng giữa Nga và châu Âu. Cả hai bên cần suy nghĩ về việc có nên phá hủy hoàn toàn và không thể đảo ngược cây cầu này.
Tôi cho rằng, việc phá hủy những cây cầu này không phải là dấu hiệu của sức mạnh", ông Steinmeier nói.
Tàu Fortuna của Nga làm nhiệm vụ trong quá trình xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: DW |
Được biết, vào lúc được đề xuất lần đầu tiên năm 2011, dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 đã trở thành nguồn cơn chia rẽ Mỹ và những nước châu Âu ủng hộ dự án này, tiêu biểu là Đức.
Dòng chảy phương Bắc 2 không chỉ đơn giản là vấn đề giữa Mỹ và châu Âu hay vấn đề giữa Mỹ và Đức. Nhiều nước ở châu Âu, trong đó có các quốc gia ở Trung Âu và Đông Âu, Nghị viện châu Âu cũng như bản thân một số người ở Đức phản đối dự án này. Những tranh cãi về chính sách một phần xuất phát từ những quan điểm khác biệt trong vấn đề an ninh năng lượng.
Những người ủng hộ dự án Dòng chảy phương Bắc 2 coi Nga là một nhà cung cấp dầu và khí đốt gần gũi đáng tin cậy trong khi Mỹ và một số nước châu Âu không tán thành với dự án này đã bày tỏ lo ngại rằng, sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung năng lượng từ Nga có thể tạo ra những điểm yếu về an ninh.
Mối lo ngại trên ngày càng gia tăng sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và nhiều nhà quan sát ở châu Âu cảnh báo Tổng thống Putin có thể sử dụng vấn đề khí đốt như một vũ khí chính trị.
Sự phản đối của Mỹ với dự án trên không chỉ dừng lại ở những lời cảnh báo mà còn kéo theo đó là một số lệnh trừng phạt nhằm vào các công ty châu Âu tham gia vào dự án xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2, một động thái mà nhiều người cho là sự tấn công vào chủ quyền của châu Âu. Vụ Nga bắt giữ nhân vật đối lập Alexey Navalny cũng dẫn đến những lập trường khác nhau về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 giữa bối cảnh một số nước châu Âu hối thúc Đức hủy bỏ dự án này.
Trong khi dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn đang là một vấn đề nóng thì đường ống này hiện đã hoàn thành 94% với số tiền đầu tư lên tới 10 tỷ USD.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng như sự phản đối của một số nước châu Âu có lẽ sẽ trì hoãn việc thực hiện dự án trên song không thể ngăn cản nó. Việc từ bỏ hoàn toàn Dòng chảy phương Bắc 2 là điều không thể xảy ra, nhất là khi xét tới những tổn thất đáng kể về tài chính nếu đường ống này không hoàn thành.